Xin tổ chức Hội thi trâu khoẻ, nhưng những con trâu tham gia được mài sừng và cho húc nhau xem con nào thắng, rồi thịt trâu bán tràn lan ngay sau khi cuộc thi kết thúc.
Chọi trâu trá hình
Xin tổ chức Hội thi trâu khoẻ, nhưng những con trâu tham gia được mài sừng và cho húc nhau xem con nào thắng, rồi thịt trâu bán tràn lan ngay sau khi cuộc thi kết thúc.
Sự việc diễn ra tại Hội thi trâu khoẻ phong trào nông dân Phúc Thọ – 2016 ở sân vận động H.Phúc Thọ (Hà Nội) trong hai ngày 3 và 4.9, khiến nhiều người bức xúc.
Thi xong là thịt
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hồ sơ xin được tổ chức Hội thi trâu khoẻ phong trào nông dân Phúc Thọ 2016 gửi Cục Văn hóa cơ sở – Bộ VH-TT-DL có kèm theo nội dung chương trình. Trong đó, hội thi kéo dài 3 ngày, có bán vé. Ngày đầu đón tiếp đại biểu; hai ngày sau “tổ chức thi trâu khoẻ vòng 1”, “tổ chức thi trâu khoẻ vòng 2”, nhưng thi thế nào thì không hề rõ ràng. Về mục đích cuộc thi được nêu: “Đáp ứng tinh thần hăng say lao động sản xuất, đẩy mạnh phong trào chăn nuôi trâu tốt, chăm sóc trâu khoẻ, quảng bá được hình ảnh con trâu là đầu cơ nghiệp – biểu tượng nền văn minh lúa nước của dân tộc VN”. Có nghĩa là con trâu được gắn với việc trồng trọt. Thế nhưng, thực tế cả 26 trâu tham gia hội thi đều được cho đấu loại trực tiếp để chọn ra “ông trâu” thắng cuộc, lĩnh giải thưởng cao nhất 100 triệu đồng. Chưa hết, ngay khi lễ hội kết thúc là “màn” bán thịt trâu, trong đó có cả những con trâu đã tham gia chọi.
Đó là chọi trâu trá hình. Chắc khi Bộ VH-TT-DL yêu cầu không được tổ chức các lễ hội có yếu tố bạo lực và hiến sinh phản cảm, không theo truyền thống thì họ làm trá hình như thế
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá
“Mục đích của thi trâu khoẻ là gì? Nếu để chuẩn bị xuống đồng như người Tày chẳng hạn thì con trâu phải phục vụ sản xuất chứ. Nhưng ở đây, hội với phần chính là nội dung trâu chọi nhau, không liên quan gì đến sản xuất”, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Linh Nga Niekdam đặt vấn đề. Còn GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, bức xúc: “Đó là chọi trâu trá hình. Chắc khi Bộ VH-TT-DL yêu cầu không được tổ chức các lễ hội có yếu tố bạo lực và hiến sinh phản cảm, không theo truyền thống thì họ làm trá hình như thế”.
Cũng theo ông Thịnh, với cách tổ chức như thế này, không thể coi trận đấu giữa các trâu là một trò chơi văn hoá được. “Nó hoàn toàn không có ý nghĩa văn hoá. Chưa kể, còn phải xem cuộc thi này có bị thương mại hoá, sai lệch đi không”, GS Thịnh nói.
Đồng quan điểm này, bà Linh Nga Niekdam cho rằng bây giờ có nhiều nơi đua nhau tổ chức hội chọi trâu truyền thống, trong khi bản thân địa phương tổ chức đó không hề có lễ hội truyền thống chọi trâu như vậy. Điều này cho thấy có yếu tố thương mại chen vào. “Tôi không rõ thi trâu khoẻ nằm trong khoản nào, chắc chắn không phải truyền thống”, bà Linh Nga Niekdam phân tích thêm ở khía cạnh văn hoá.
Doanh nghiệp cố tình làm trái
Bán thịt trâu ngay trong cuộc thi
Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015, Bộ VH-TT-DL yêu cầu không cấp phép, tổ chức lễ hội chọi trâu nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương.
Việc ông Thịnh và bà Linh Nga Niekdam lo lắng yếu tố thương mại hóa dẫn đến phản văn hóa không phải không có cơ sở. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết qua báo cáo sơ bộ, một số giải thưởng và trò chơi liên quan đến Hội thi trâu khoẻ 2016 đã bị ban tổ chức bỏ đi do lỗ nhiều quá. “Có yếu tố kinh doanh”, ông Động nói và khẳng định Sở cấp phép cho tổ chức thi trâu khoẻ trâu đẹp chứ không phải chọi trâu. Trước đó, việc thi trâu khoẻ trâu đẹp này cũng đã được sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL rồi nên Sở mới cấp phép.
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết các doanh nghiệp là Công ty cổ phần du lịch và thương mại Hải Đăng, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Tuấn Linh đã nộp đơn xin tổ chức hội thi trâu khoẻ này. Cục cũng đã có văn bản hồi tháng 3.2016 đồng ý đề nghị địa phương xem xét cấp phép cuộc thi. “Sở VH-TT Hà Nội chắc cũng bị qua mặt. Nói là thi trâu khoẻ mà cuối cùng thành chọi trâu”, bà Thuỷ nói. Tuy nhiên, việc đồng ý cho địa phương cấp phép dù nội dung chương trình không rõ ràng cũng cho thấy cơ quan quản lý có trách nhiệm không nhỏ khi để xảy ra vụ việc này.
Về hướng xử lý vụ việc, ông Tô Văn Động cho biết nếu doanh nghiệp không làm đúng đề án cuộc thi sẽ bị phạt. “Cấp cho họ thi trâu khoẻ trâu đẹp chứ không phải chọi trâu. Mà có cam kết rồi, với doanh nghiệp thì lần sau cấm không cho hoạt động nữa. Phía huyện sẽ phải kiểm điểm báo cáo lên UBND TP”, ông Động nói. Cục Văn hoá cơ sở cũng yêu cầu Hà Nội phải xem xét và báo cáo vụ việc này trước ngày 12.9.