23/01/2025

Khám thai định kỳ 
để tầm soát nguy cơ

Nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn chưa tuân thủ khám thai định kỳ, trong khi đó thai phụ có thể hạn chế được nhiều nguy cơ nếu kiểm tra theo dõi trong suốt thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

 

Khám thai định kỳ 
để tầm soát nguy cơ

 

Nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn chưa tuân thủ khám thai định kỳ, trong khi đó thai phụ có thể hạn chế được nhiều nguy cơ nếu kiểm tra theo dõi trong suốt thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

 

 

 

 

Khám thai định kỳ 
để tầm soát nguy cơ
Một thai phụ bị tiền sản giật nặng được cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ – Ảnh: T.LUỸ

Trong suốt quá trình mang thai, sản phụ có thể đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó nguy cơ tiền sản giật rất nguy hiểm.

Cấp cứu nhiều thai phụ tiền sản giật nặng

Thời gian gần đây, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ đã tiếp nhận nhiều trường hợp thai phụ bị biến chứng do tiền sản giật nặng, phải mổ cấp cứu để cứu mẹ và thai nhi.

Bác sĩ CK II Nguyễn Hữu Dự, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu sản khoa nặng, nguy kịch, cứu sống nhiều sản phụ và em bé.

Cụ thể, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị trên 3.000 trường hợp thai phụ có bệnh lý. Trong đó có nhiều bệnh lý nặng như: trên 200 ca thai phụ tiền sản giật; 40 ca đái tháo đường thai kỳ; 70 ca thai phụ có bệnh lý tim mạch; 10 ca băng huyết sau sinh… Điều đáng mừng là tất cả các trường hợp bệnh nặng này đều được điều trị thành công.

“Nhưng đáng lo ngại là có nhiều thai phụ có nguy cơ bệnh lý tiền sản giật trước đó nhưng chưa theo dõi kiểm tra định kỳ dẫn đến việc nhập viện cấp cứu trong tình trạng muộn” – bác sĩ Dự cho biết.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ vẫn còn nhớ rõ trường hợp sản phụ N.T.T.N. (32 tuổi, ở thị xã Giá Rai, Bạc Liêu), được chuyển từ một bệnh viện ở Bạc Liêu vào cấp cứu lúc 4g ngày 9-8 trong tình trạng thai 38 tuần, bị tiền sản giật nặng tiến triển hội chứng HELLP, kèm rối loạn đông máu.

Ngay lập tức, êkip trực tiến hành hội chẩn, quyết định mổ cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Kết quả là bé trai nặng 2,6kg chào đời an toàn, chị N. tiếp tục được hồi sức, chăm sóc.

Theo hồ sơ bệnh án, chị N. làm nghề lao động tự do, quá trình mang thai chị tăng cân khá nhiều nhưng tự nghĩ rằng ăn nhiều lên cân là khoẻ nên chỉ đi khám thai và siêu âm 1-2 lần ở bác sĩ tư. Cho đến khi chị bị mệt, gia đình mới đưa đến bệnh viện cấp cứu…

Một bệnh nhân khác cũng có nguy cơ tiền sản giật nhưng chưa tuân thủ việc theo dõi kiểm tra thai đúng cách, đó là trường hợp chị T.T.K.H. (37 tuổi, ở Q.Bình Thủy, Cần Thơ). Chị H. mang thai lần hai, nhập viện cấp cứu trong tình trạng thai 35 tuần, co giật, mắt mờ, phù, huyết áp cao, mạch nhanh.

Các bác sĩ đã phải xử trí để bệnh nhân an thần ngay sau khi nhập viện, sau đó mổ lấy thai được một bé trai nặng 2kg. Nhờ được y, bác sĩ tích cực theo dõi, chăm sóc nên sau đó tình trạng mẹ và bé đã ổn định.

Nên tuân thủ 
việc kiểm tra thai

Theo mô hình quản lý thai hiện nay tại các địa phương, phụ nữ mang thai trên địa bàn sẽ được đưa vào danh sách quản lý, theo dõi của các trạm y tế, số liệu được báo về Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản của tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, trạm y tế chỉ quản lý được khi phụ nữ mang thai đến tiêm ngừa, hoặc đăng ký khám thai tại cơ sở y tế nhà nước, còn những trường hợp không đến hoặc khám ở bác sĩ tư thì không thể quản lý.

Bác sĩ Vũ Đăng Khoa – phó trưởng khoa sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ – cảnh báo hiện nay chưa có nghiên cứu nào để giúp phụ nữ mang thai phòng tránh được nguy cơ tiền sản giật, nhưng những phụ nữ có nguy cơ này có thể kiểm soát và hạn chế nguy cơ bằng việc kiểm tra thai đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một số yếu tố nguy cơ của tiền sản giật: mang thai con so (nguy cơ cao hơn khi tuổi mẹ dưới 20 hoặc trên 40); đa thai hoặc thai trứng; mẹ có sẵn bệnh lý về mạch máu, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh thận; có yếu tố di truyền đưa đến cao huyết áp trong thai kỳ (thai phụ có huyết áp 140/90 phải đưa vào diện theo dõi thường xuyên)…

Theo các bác sĩ sản khoa, những dấu hiệu sau đây có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo thai phụ có nguy cơ tiền sản giật (từ tuần thứ 20 của thai kỳ), cần được quan tâm: tay chân sưng phù quá mức, tăng cân đột ngột quá nhiều; nôn ói, đau đầu, đau lưng quá mức và dai dẳng; rối loạn thị giác, lo lắng nhiều…

Theo khuyến cáo, những phụ nữ mang thai có các yếu tố nguy cơ cao cần phải được khám thai, chăm sóc quản lý thai tại các bệnh viện từ tuyến quận (huyện) trở lên. Lịch khám thai sớm, tốt nhất là trong tháng đầu tiên (đến dưới 3 tháng). Sau đó khám định kỳ theo lịch: từ 8-14 tuần, 16 tuần, 18 tuần, từ 22-24 tuần, 28 tuần, 32 tuần và từ tuần thứ 36 trở đi đến khi sinh thì khám mỗi tuần/lần. Và khám bất cứ lúc nào khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường.

Tiền sản giật dẫn đến 
nhiều tai biến sản khoa

Theo bác sĩ Vũ Đăng Khoa, tiền sản giật là một chứng bệnh nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai (thường gặp ở ba tháng cuối thai kỳ). Tiền sản giật là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa như đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non… có thể dẫn đến sản giật và hội chứng HELLP gây ảnh hưởng đến tính mạng cho cả thai phụ và thai nhi.

Tiền sản giật là khi thai phụ có huyết áp tăng, có protein (đạm) trong nước tiểu cao. Sản giật là khi thai phụ có hai triệu chứng trên kèm theo co giật. Riêng hội chứng HELLP là có hai triệu chứng trên, co giật (có thể có hoặc không), có tán huyết, men gan tăng và giảm tiểu cầu…

T.LŨY