23/01/2025

Bất động trước những cảnh báo

Gần một năm sau những cảnh báo bị ngập dẫn đến nguy cơ có thể bị đóng cửa, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn bị chìm trong nước bởi cơn mưa to chiều tối 26-8 vừa qua khiến hàng chục chuyến bay phải huỷ hoặc không đáp xuống đúng giờ.

 

Bất động trước những cảnh báo 

 

Gần một năm sau những cảnh báo bị ngập dẫn đến nguy cơ có thể bị đóng cửa, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn bị chìm trong nước bởi cơn mưa to chiều tối 26-8 vừa qua khiến hàng chục chuyến bay phải huỷ hoặc không đáp xuống đúng giờ.

 

 

 

 

Bất động trước những cảnh báo 
Nước mưa gây ngập diện rộng ở sân bay Tân Sơn Nhất tối 26-8 – Ảnh: KHÁNH BẰNG

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, thông báo mương thoát nước A41 từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hoà, phường 14, nhiều vị trí đang bị lấn chiếm, bị rác thải gây ách tắc dòng chảy, nhiều đoạn mương đã bị thu hẹp diện tích tới 1/2 so với thiết kế ban đầu…

Đây là các mương có nhiệm vụ thoát 50% lượng nước cho khu vực sân đậu máy bay của sân bay. Hậu quả là khu vực sân đậu máy bay và khu vực đài chỉ huy cũ sân bay đã bị ngập cục bộ khoảng 20cm… 

Nước mưa đã tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn tại đài chỉ huy cũ… Sân bay có thể bị đóng cửa nếu trạm phát điện nguồn của đài chỉ huy bị hỏng, gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ hệ thống điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kiến nghị “các cơ quan chức năng nhanh chóng nạo vét, khai thông dòng chảy cho các tuyến mương thoát nước trên… để đảm bảo tiêu thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất”.

Cảnh báo suýt “đuối nước” của sân bay Tân Sơn Nhất cũng như kiến nghị trên là từ giữa tháng 10 năm ngoái.

Gần 11 tháng đã trôi qua, vậy mà cơn mưa lớn chiều tối 26-8 vừa qua lại khiến nhiều vị trí bãi đậu gần lối thoát nước ra kênh A41 bị ngập nặng.

Phó giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất lại tiếp tục ta thán: “Dù đã nhiều lần kiến nghị cải tạo, khôi phục lại hiện trạng kênh A41 để đảm bảo thoát nước cho khu vực sân bay nhưng đến nay vẫn phải chờ và mùa mưa năm nay thì sân bay vẫn tiếp tục ngập”.

Có cảm nhận như cái sân bay bận rộn nhất nước này nếu có bị đóng cửa vì một “tai trời ách nước” nào đó cũng chẳng ăn thua gì tới thành phố này, tới GDP của thành phố và cả nước – nói theo cách nói vĩ mô quen thuộc – nên mới cứ bị ngập một cách đe doạ như thế!

Cơn mưa ngày 26-8 không chỉ doạ bức tử sân bay mà còn đã gây hư hỏng cầu Tân Kỳ – Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM).

Những người có trách nhiệm trực tiếp đã nhanh chóng lý giải nguyên do: Cây cầu này quá cũ yếu vì xây dựng trước năm 1975, trọng tải khai thác hiện nay dưới 5 tấn; việc thi công dự án “Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên” làm cho lưu lượng nước chảy qua đây rất mạnh, do vậy mà mố cầu Tân Kỳ – Tân Quý sụp đổ.

Bất ngờ là phương án giải quyết cũng đã có ngay: xây dựng cầu mới có đường dẫn 6 làn xe, đường cầu 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 179 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong 6 tháng sau khi khởi công.

Việc có ngay trong ngày hôm sau một phác thảo dự án cầu mới cùng chi phí khiến phải đặt câu hỏi: đồng ý rằng tại TP.HCM có quá nhiều cây cầu cũ cần phải xây mới, song với những cây cầu cũ có “bổ sung” thêm nguy cơ bên ngoài đe doạ, như trường hợp cây cầu này, sao lại không ưu tiên giải quyết sớm?

Có phải do hụt ngân sách?

E rằng không, do lẽ thành phố vẫn chỉnh trang các vỉa hè như đang thấy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khúc sân Phan Đình Phùng.

Từ sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập đến cây cầu Tân Kỳ – Tân Quý bị hư hỏng có thể thấy một mẫu số chung: mô tả tình hình, cảnh báo nguy cơ, đề xuất, kiến nghị cũng đã có, song không thấy chuyển động giải quyết, cứ như thể một hội chứng “bất động toàn thân”.

Xây dựng một sân bay mất chục năm, nâng thành một đầu mối trung chuyển (hub) có khi đến cả thế kỷ – Tân Sơn Nhất vẫn chưa là một hub như thế – song xoá sổ thì có khi chỉ cần vài cơn mưa! Đáng phiền là chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm, kể cả khi sân bay đã bị uy hiếp thật sự như đã thấy.

“Việc chưa giải quyết nhanh tình trạng ngập ở sân bay Tân Sơn Nhất, sửa chữa nhanh những cây cầu nguy cơ sập cao… dường như cho thấy vẫn chưa nhìn ra các thang bậc chi tiêu “cái không thể thiếu được – cái cần thiết – cái hữu ích – cái thoải mái – cái xa xỉ” từ vị trí số đông

 
DANH ĐỨC