22/01/2025

Magnificat, hiến chương học thuyết xã hội Công giáo

“Qua bài ca Magnificat, Mẹ công bố rằng: mầu nhiệm cứu độ đã thực hiện, vị Cứu tinh của người nghèo đã đến; Thiên Chúa của giao ước lật đổ những kẻ quyền thế, nâng cao kẻ khiêm tốn, cho người nghèo đói được sung túc và xua đuổi kẻ giàu sang, đập tan kẻ kiêu căng, bày tỏ lòng khoan nhân cho kẻ kính sợ Ngài. Không thể nào tách rời chân lý về Thiên Chúa cứu độ ra khỏi việc biểu lộ lòng ưu ái dành cho người nghèo”.

Magnificat, hiến chương học thuyết xã hội Công giáo 
(Cập nhật: 11/08/2016 13:09:34) 

Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Hội Thánh, phát hành năm 2004chỉ có một lần duy nhất nhắc đến Đức Maria ở đoạn 59 (trong tổng số 583 đoạn của sách) dưới tiêu đề: Đức Maria và lời “xin vâng” trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

59Người thừa kế niềm hy vọng thánh thiện trong dân Israel và người đầu tiên trong hàng ngũ các môn đệ Đức Kitô là Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu Kitô. Qua lời “Xin vâng” đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), nhân danh toàn thể nhân loại, ngài chấp nhận trong lịch sử Đấng do Chúa Cha gửi tới, Đấng Cứu Chuộc loài người. Trong kinhMagnificat, ngài công bố Mầu nhiệm Cứu Độ đang đến, sự xuất hiện “Đấng Mêsia của người nghèo” (x. Is 11,4; 61,1). Thiên Chúa của Giao Ước, mà Đức Trinh Nữ người Nazareth ca tụng với tinh thần hân hoan, chính là Đấng lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn, cho kẻ nghèo đói được no đủ, đuổi người giàu có trở về tay không, đánh tan tác kẻ kiêu ngạo và tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài (x. Lc 1,50-53).

Nhìn vào tâm hồn Đức Maria, nhìn vào đức tin sâu thẳm của ngài biểu lộ qua kinh Magnificat, các môn đệ Đức Kitô được mời gọi hãy nhớ lại một cách đầy đủ hơn bao giờ hết rằng “không thể tách sự thật về Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa nguồn mạch mọi ơn huệ với Thiên Chúa luôn tỏ lòng ưu ái người nghèo nàn và khiêm tốn – tình thương này đã được ca tụng trong kinh Magnificat và về sau sẽ được bày tỏ trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu”. Đức Maria hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa và hướng trọn vẹn về Thiên Chúa do chính đức tin của ngài thúc đẩy. Ngài là “hình ảnh trọn vẹn nhất của một nhân loại và một vũ trụ được tự do và được giải thoát”.

Linh mục Phan Tấn Thành, OP, bình luận về đoạn trên như sau: “Qua bài ca Magnificat, Mẹ công bố rằng: mầu nhiệm cứu độ đã thực hiện, vị Cứu tinh của người nghèo đã đến; Thiên Chúa của giao ước lật đổ những kẻ quyền thế, nâng cao kẻ khiêm tốn, cho người nghèo đói được sung túc và xua đuổi kẻ giàu sang, đập tan kẻ kiêu căng, bày tỏ lòng khoan nhân cho kẻ kính sợ Ngài.

Không thể nào tách rời chân lý về Thiên Chúa cứu độ ra khỏi việc biểu lộ lòng ưu ái dành cho người nghèo”.

Ấy vậy mà trước khi cuốn cẩm nang Giáo huấn Xã hội Công giáo được biên soạn khoảng nửa thế kỷ, tức là vào những năm 50 của thế kỷ trước, Chiara Lubich đã có bài viết về Mẹ, đề cập đến mối liên kết giữa kinh Magnificat và học thuyết xã hội, xem kinh Magnificat như là hiến chương của học thuyết xã hội Công giáo:

“Hiến chương của Học thuyết Xã hội Kitô giáo bắt đầu khi Đức Maria ca tụng: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban củađầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1, 52 – 53).

Trong Phúc âm – Chiara bình luận – có cuộc cách mạng cao nhất và triệt để nhất. Và có lẽ chính ở trong kế hoạch của Thiên Chúa, và cũng chính vào lúc này, lúc chúng ta đắm chìm trong việc kiếm tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội, Đức Maria đang hỗ trợ tất cả các Kitô hữu chúng ta xây dựng, củng cố, thiết lập và chứng tỏ cho thế giới thấy một xã hội mới trong đó kinh Magnificat có thể vang lên mạnh mẽ”.

Đúng là Mẹ “hằng cứu giúp” “danh bất hư truyền”. Mẹ không những cứu giúp nơi những việc nhỏ mà còn cứu giúp trong những công cuộc trọng đại, không những cứu giúp các cá nhân trong cảnh tù đày mà còn cứu giúp các dân tộc và cả nhân loại “chúng tôi, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; chúng tôi ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương”.

Trong toàn bộ bài ca Magnificat, Chiara trích dẫn chỉ có hai câu 52 và 53, là các câu diễn tả cuộc cách mạng xã hội mà Chúa Giêsu sẽ đem lại. Những dòng bình luận trên cho thấy Chiara có một diệu cảm rất mạnh, một trực giác rất lạ: chị nói cuộc cách mạng đó đã tiến hành, đã bắt đầu rồi – cách nói rất táo bạo.

Có thể hiểu sở dĩ Chiara viết táo bạo như thế là vì Đức Maria là sự thành toàn các kế đồ của Thiên Chúa cho nhân loại. Và chị xác tín, thâm tín điều này. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Hội Thánh cũng viết Mẹ chính là “hình ảnh trọn vẹn nhất của một nhân loại và một vũ trụ được tự do và được giải thoát”.

Nếu Học thuyết Xã hội Công giáo là một công cụ để giúp dân Chúa và toàn thể nhân loại tiến đến việc hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa, thì bài ca Magnificat phải được xem là Bản Hiến chương của Học thuyết Xã hội.

Tài liệu tham khảo: CATERINA MULATERO, Our SDC witnesses: Chiara Lubich (Chứng nhân Học thuyết Xã hội của Hội Thánh: Chiara Lubich).

http://volo.focolare.or.kr/upm/cdsc/upm20070310cdsc3_-_inglese.doc