23/01/2025

Sở GTVT TP.HCM áp dụng nhiều giải pháp, kẹt xe vẫn tăng

Điểm kẹt xe không những không giảm mà còn tăng lên đang là nỗi bức xúc của người dân ở TP.HCM.

 

Sở GTVT TP.HCM áp dụng nhiều giải pháp, kẹt xe vẫn tăng

 

Điểm kẹt xe không những không giảm mà còn tăng lên đang là nỗi bức xúc của người dân ở TP.HCM. 

 

 

 

Sở GTVT TP.HCM áp dụng nhiều giải pháp, kẹt xe vẫn tăng
Xe hơi lẫn xe máy kẹt cứng trên đường Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình, TP.HCM) trưa 6-8 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Chúng tôi giới thiệu các ý kiến chuyên gia bàn thêm câu chuyện “Kẹt xe nặng hơn, loay hoay giải pháp”.

* Ông Ngô Hải Đường (trưởng Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ – Sở Giao thông vận tải TP):

Đang áp dụng nhiều giải pháp

Trong 26 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông ở TP.HCM đã có các giải pháp xử lý thực tế tại 14 điểm, xây dựng phương án điều chỉnh giao thông ở 6 điểm và đang nghiên cứu các giải pháp xử lý 6 điểm.

Đối với các điểm nóng kẹt xe nặng nề như giao lộ Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình) – đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, sở đang nghiên cứu các giải pháp như lắp đặt camera giám sát giao thông và kết nối về Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn để điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông; mở rộng giao lộ Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn; điều chỉnh xe buýt không dừng đón trả khách tại trạm dừng trên đường Trần Quốc Hoàn.

Tại giao lộ nút giao thông Mỹ Thủy – ách tắc nặng nề đường vào cảng biển Cát Lái (Q.2) – sở đã khởi công xây dựng nút giao thông này vào cuối tháng 6-2016.

Sở cũng đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng đường kết nối cảng Phú Hữu, cảng Cát Lái để ra đường vành đai phía đông; mở rộng đường Nguyễn Thị Định và mở rộng đường vành đai phía đông để mỗi chiều xe lưu thông có đủ ba làn xe (gồm hai làn ôtô và một làn xe máy)…

* PGS.TS Phạm Xuân Mai:

Mới chỉ có 
giải quyết cục bộ

Có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kẹt xe ở TP.HCM nhưng mãi không giải quyết được.

Thứ nhất là sự gia tăng nhanh chóng của xe cá nhân trong khi diện tích đường giao thông tăng không tương ứng.

Thứ hai là đa số các tuyến đường và giao lộ tại các điểm đen đều có mặt đường hẹp, bố trí giao thông chưa hợp lý, sự suy giảm năng lực thông hành của một số tuyến đường khi bị úng ngập cục bộ hoặc có các công trình trọng điểm đang thi công… Thứ ba là sự bất cập về năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng khi hệ thống xe buýt TP.HCM chỉ đảm nhiệm được dưới 10% nhu cầu.

Hiện nay, các giải pháp của Sở Giao thông vận tải TP nhìn chung đã đáp ứng được khả năng hạn chế ùn tắc giao thông tại các điểm đen, nhưng đây chỉ là các giải pháp vi mô cục bộ, tại chỗ, trong một số thời điểm nhất định.

Về lâu dài cần có những giải pháp đồng bộ và vĩ mô hơn, nhất là cần hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn (tàu điện ngầm, xe buýt nhanh BRT), rà soát, xây dựng một số hầm chui, cầu vượt, di dời nhiều cảng biển, bến xe ra ngoài trung tâm thành phố…

Các giải pháp của Sở Giao thông vận tải TP.HCM trong thời gian qua chỉ mới là những giải pháp tạm thời. Để giải quyết triệt để vấn nạn kẹt xe, tại những điểm ùn tắc cụ thể phải tổ chức cải tạo đô thị, tổ chức giao thông trên khu vực rộng, quản lý giao thông chặt chẽ hơn nhằm lập lại lề lối đô thị

TS Võ Kim Cương 
(nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP)

* Ông Lâm Thiếu Quân (chuyên gia giao thông):

Phải đẩy nhanh chiến lược lâu dài

Tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.HCM không phải là vấn đề mới, giải pháp cũng đã bàn nói nhiều nhưng việc thực hiện chậm nên bài toán kẹt xe đi vào vòng luẩn quẩn.

Ai cũng biết để giảm bớt kẹt xe phải phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt nhanh, metro… thậm chí số lượng khách đi xe buýt thường còn giảm nên khó tránh khỏi câu chuyện kẹt xe. Vì giải pháp mang tính lâu dài, chiến lược triển khai chậm nên giờ chỉ trông chờ vào các giải pháp tình thế trước mắt.

Cụ thể, muốn giải tỏa kẹt xe tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất phải tiến hành mở thêm đường, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn và tổ chức giải pháp hạn chế xe không vào sân bay lưu thông vào khu vực này.

Việc mở đường cụ thể là tiếp tục kéo dài đường Hoàng Minh Giám băng qua khu đất quân đội kết nối vào đường Hoàng Văn Thụ (đoạn gần mũi tàu Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ) để giảm áp lực cho các phương tiện vào sân bay và cho tuyến Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Đồng khi tổ chức xây cầu vượt tại vòng xoay Phạm Văn Đồng trong thời gian tới.

Đặc biệt, phải sử dụng công nghệ để cảnh báo kẹt xe từ xa. Cụ thể là tăng cường camera quan sát tại các điểm ùn tắc, đồng thời lắp đặt các bảng quang báo tại các cửa ngõ vào khu vực này.

Ví dụ lắp đặt bảng quang báo trên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ… nhằm thông tin tình hình kẹt xe ở tuyến Trường Sơn, Hồng Hà để các chủ phương tiện chủ động chọn lộ trình hoặc phương thức khác thay vì cứ “đâm đầu vào chỗ kẹt xe”…

Tuy nhiên, vẫn rất cần thiết đẩy nhanh tiến độ các chiến lược dài hạn như đã nói ở trên để nâng cao được tính hiệu quả giải quyết vấn đề kẹt xe.

Q.KHẢI – T.DUNG – N.ẨN GHI