23/01/2025

Kẹt xe nặng hơn, loay hoay giải pháp

Bên cạnh 24 điểm kẹt xe từ năm 2015, đến nay TP.HCM không những không giảm mà còn tăng thêm điểm kẹt xe. Cho tới nay lời giải cho bài toán kẹt xe ngày càng nặng vẫn tiếp tục… loay hoay.

 

Kẹt xe nặng hơn, loay hoay giải pháp

Bên cạnh 24 điểm kẹt xe từ năm 2015, đến nay TP.HCM không những không giảm mà còn tăng thêm điểm kẹt xe. Cho tới nay lời giải cho bài toán kẹt xe ngày càng nặng vẫn tiếp tục… loay hoay.

 

 

 

 

Kẹt xe nặng hơn, loay hoay giải pháp
Trong những ngày gần đây, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM nặng nề hơn. Trong ảnh: kẹt xe kéo dài trên đường Quốc Hương, quận 2, TP.HCM

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình trạng kẹt xe ở TP.HCM gia tăng là do chưa có một bài toán tổng thể mang tính chiến lược, nếu cứ loay hoay trong các giải pháp tình thế sẽ không bao giờ khắc phục nổi vấn nạn này.

Ông Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Cần thực hiện 3 nhóm giải pháp dài hạn

TP.HCM giống như các TP khác trên thế giới, đó là thành công phát triển kinh tế kèm theo vấn nạn kẹt xe đô thị. Tuy nhiên, để xảy ra kẹt xe là phản ánh sự thất bại trong quy hoạch phát triển đô thị, tác động ngược lại việc phát triển kinh tế.

Phải đánh giá một cách thẳng thắn, đó là TP.HCM rất giỏi về các giải pháp trước mắt, tình thế nhưng thiếu một chiến lược dài hạn. Trước đây TP.HCM triển khai hàng loạt cầu vượt, mở rộng tiểu đảo, mở thêm đường mới để giải quyết kẹt xe nhưng đến một lúc nào đó, các giải pháp tình thế này tiếp tục quá tải trước nhu cầu đi lại của người dân hiện nay.

Theo tôi, vấn nạn kẹt xe có xu hướng tăng thêm là do nhiều người chuyển từ xe máy sang ôtô. Ôtô cá nhân đang được khai thác tối đa, thậm chí còn tận dụng xe cho thuê để làm một số loại hình dịch vụ mới như Grab, Uber… Điều đó làm lưu lượng, thời gian ôtô trên đường gia tăng trong khi hạ tầng giao thông không phát triển theo kịp.

Muốn giải quyết bài toán kẹt xe ở TP.HCM cũng như các đô thị lớn ở VN, không chỉ cần giải pháp trước mắt mà cần triển khai nhanh, đồng bộ ba nhóm giải pháp mang tính chiến lược dài hạn. Mô hình này từng thành công ở một số nước trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Seoul (Hàn Quốc). Một là, phát triển hệ thống đường vành đai; hai là, đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng; ba là, hạn chế xe xuyên tâm bằng chính sách thu phí.

TP.HCM đã nhìn thấy nhóm giải pháp một và giải pháp hai nhưng triển khai quá chậm, chưa nói đến việc không thực hiện được quy hoạch. Trong khi tuyến quốc lộ 1 – coi như một đường vành đai – đang trở nên quá tải thì ba đường vành đai còn lại mới chỉ thực hiện được một phần đường vành đai 2. Chính vì thiếu đường vành đai nên các phương tiện muốn di chuyển thường phải xuyên qua nội thành tạo ra áp lực, dẫn đến kẹt xe. Nếu có các tuyến đường vành đai kết nối vào đường Phạm Văn Đồng để vào sân bay thì dù xa hơn nhưng đường thông thoáng hơn.

Về nhóm giải pháp thứ ba là hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm TP, theo tôi, cần thu phí ôtô vào giờ cao điểm. Tuy nhiên đây là giải pháp còn gây tranh cãi vì hiện nay đang có nhiều trạm thu phí, chủ xe còn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Điều này đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được.

Kẹt xe nặng hơn, loay hoay giải pháp
TS Nguyễn Xuân Thuỷ – Ảnh: T.PHÙNG

TS Nguyễn Xuân Thuỷ (chuyên gia giao thông đô thị):

Ùn tắc vẫn là do hạ tầng

Ùn tắc giao thông diễn ra cả thập kỷ nay ở nước ta, đã có nhiều giải pháp đưa ra nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng, nhiều khi như gà mắc tóc, chưa giải quyết được triệt để, chưa có bước đột phá nào cả. Thực tế, ùn tắc ở trung tâm, cửa ngõ Hà Nội, TP.HCM và cả trên quốc lộ ngày càng trở nên rõ ràng, mỗi nơi tồn tại mấy chục điểm sẵn sàng gây sự cố.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới ùn tắc vẫn là do hạ tầng. Đường không thông, hè không thoáng thì dòng giao thông không thể thoát nhanh được.

Theo tôi, Nhà nước không thể xem ùn tắc là chuyện riêng của Hà Nội, TP.HCM rồi cứ để địa phương tự làm. Như thế sự nhạy bén của các lãnh đạo ngành giao thông chưa rõ ràng. Quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, chiến lược, chính sách đi vào đúng trọng tâm mới giải quyết được vấn đề.

Nói tóm tắt, trước hết phải lưu ý đường, nghĩa là kết cấu hạ tầng phải đi trước, không chỉ tập trung đường ngoại vi như cao tốc mà cả đường hướng tâm, nội ô, vành đai, phải mở rộng các cửa ngõ, lập thể hoá các ngã tư; các hệ thống thông tin tín hiệu, điều khiển giao thông phải được hiện đại hoá, sử dụng điều khiển giao thông thông minh.

Ngoài ra, hệ thống quản lý nhà nước về giao thông cần nâng cao từ quy hoạch, tổ chức quản lý đến điều khiển giao thông. Đặc biệt phải hết sức chú ý đầu tư giao thông công cộng, mỗi năm phải đầu tư hàng tỉ USD cho mỗi thành phố chứ không chỉ đầu tư nhỏ giọt, manh mún như lâu nay.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT):

Trong 10-15 năm tới, giao thông ngày càng kém đi

Với thực trạng giao thông cầu vượt cung hiện nay thì không thể có giải pháp giải quyết triệt để được ngay. Giải pháp nào đề ra hiện nay cũng chỉ là biện pháp tình thế. Còn giải pháp căn cơ như tàu điện ngầm lại cần thời gian và vốn liếng, thực hiện bây giờ để đáp ứng cho 20-30 năm sau. Thời gian thực hiện một dự án đường sắt đô thị cần 7-10 năm và phải thực hiện đủ 8-10 tuyến của mỗi thành phố để kết nối với nhau thuận tiện thì mới giảm được việc sử dụng xe cá nhân.

Trong thời gian này, giao thông ngày càng kém đi vì thực hiện một dự án ở tuyến đường nào sẽ tăng ùn tắc ở tuyến đó do đào bới, ngăn đường thi công. Các nước phát triển làm nhanh cũng mất nửa thế kỷ để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Chưa kể, từ nay đến 5 năm tới nhu cầu đi lại của Hà Nội, TP.HCM mỗi năm vẫn tăng lên khoảng 10%, lúc đó phương tiện cá nhân cũng tăng lên nhiều nên ùn tắc sẽ tăng.

T.PHÙNG ghi

26 điểm kẹt xe

Kẹt xe nặng hơn, loay hoay giải pháp
 

1- Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh – Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). 2- Vòng xoay Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn – Bạch Đằng – Hoàng Minh Giám, Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp). 3- Đường Hoàng Minh Giám. 4- Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình). 5- Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình). 6- Nút giao thông Mỹ Thuỷ (Q.2). 7- Đường Lã Xuân Oai (từ cầu Tăng Long đến ngã ba Lò Lu, Q.9). 8- Ngã tư Tây Hoà (Q.9, Thủ Đức). 9- Xa lộ Hà Nội – Thảo Điền – Quốc Hương (Q.2). 10- Ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp). 11- Ngã tư An Sương (Q.12, Hóc Môn). 12- Giao lộ Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh (Q.7). 
13- Giao lộ Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư (Q.7). 14- Nút giao An Phú (Q.2). 15- Giao lộ Nguyễn Văn Cừ – Trần Hưng Đạo (Q.5). 16- Đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ – Tân Quý, Q.Tân Bình). 17- Ngã sáu Công trường Dân Chủ (Q.3, Q.10). 18- Đường Nguyễn Tất Thành (Q.4). 19- Giao lộ Quang Trung – Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp). 20- Giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), 21- Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã năm Đài liệt sĩ, Q.Bình Thạnh). 22- Đường Lê Văn Việt – đình Phong Phú (Q.9). 23- Ngã tư Thủ Đức (Q.Thủ Đức). 24- Quốc lộ 50 (cầu Ông Thìn, huyện Bình Chánh), 25- Vĩnh Lộc – Nguyễn Thị Tú – Quách Điêu (huyện Bình Chánh). 26- Ngã tư Bốn Xã (Q.Bình Tân).

QUANG KHẢI – TUẤN PHÙNG GHI