Vụ sập nhà Hà Nội: Xem xét việc xây nhà bên cạnh
Ngay trong sáng 4-8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo làm rõ việc cấp phép và thực hiện xây dựng tại địa chỉ 41 phố Cửa Bắc – ngay cạnh căn nhà sập 43 phố Cửa Bắc.
Vụ sập nhà Hà Nội: Xem xét việc xây nhà bên cạnh
Ngay trong sáng 4-8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo làm rõ việc cấp phép và thực hiện xây dựng tại địa chỉ 41 phố Cửa Bắc – ngay cạnh căn nhà sập 43 phố Cửa Bắc.
Một nạn nhân trong vụ sập nhà tại phố Cửa Bắc (Hà Nội) được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Theo báo cáo của Công an Q.Ba Đình, tại căn nhà bị sập số 43 phố Cửa Bắc (cửa hàng nem Xuân Dần) có chín người tạm trú. Khi xảy ra sự cố, bốn người tự thoát ra ngoài, năm người bị mắc kẹt trong khu nhà sập, trong đó hai người tử vong là anh Nguyễn Văn Quang và chị Nguyễn Thị Hằng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Viết Bình, chủ tịch UBND Q.Ba Đình, cho biết quận chấp thuận cho chủ công trình 41 phố Cửa Bắc khắc phục, sửa chữa lại nhà. Theo ông Bình, ngôi nhà 41 phố Cửa Bắc trước đây chỉ có một tầng, nhà cấp bốn.
“Nhà 41 phố Cửa Bắc được xác định là nhà xuống cấp, nguy hiểm. Vì vậy quận mới chấp thuận cho sửa chữa lại” – ông Bình cho hay.
Theo ông Trần Việt Trung – phó giám đốc Sở Xây dựng, để xác định nguyên nhân chính xác phải chờ kết luận điều tra của cơ quan công an.
“Vì hiện trường đổ nát, bêtông vùi lấp nên chưa thể xác định được công trình số 41 phố Cửa Bắc có phải đang múc, đào móng hay không. Phải thu dọn hiện trường mới khẳng định được” – ông Trung cho biết.
Theo tìm hiểu, đầu tháng 7 bà Nguyễn Thị Vân, chủ căn nhà số 41 phố Cửa Bắc, có đơn xin phép sửa chữa, cải tạo khôi phục nhà cũ. Ngày 2-8, tức hai ngày trước vụ sập nhà 43 phố Cửa Bắc, UBND Q.Ba Đình chấp thuận cho chủ công trình 41 phố Cửa Bắc sửa chữa, khôi phục nhà cũ.
Cụ thể, cho phép xây dựng tầng 1 giữ nguyên diện tích 33,6m2; trong xây dựng được phép làm gác lửng bằng vật liệu nhẹ, diện tích sàn 22,4m2, chiều cao công trình 6,13m tính từ cốt hiện trạng hè phố Cửa Bắc đến đỉnh mái công trình.
Trong chấp thuận cho sửa chữa có nêu rõ: trước khi tiến hành khôi phục nhà cũ phải lập hồ sơ khảo sát hiện trạng các công trình liền kề. Phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc gây hư hỏng các công trình liền kề, các công trình ngầm trên mặt đất và trên không nếu nguyên nhân được xác định do thi công công trình gây ra.
Công an Hà Nội vào cuộc
Chiều 4-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc vào sáng sớm cùng ngày.
“Hiện các lực lượng chức năng đã phong toả, tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập thông tin, tài liệu, nếu đủ yếu tố sẽ khởi tố điều tra vụ án” – vị lãnh đạo này nói.
Theo thông tin mới nhất, Công an Q.Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngôi nhà bị sập do ông Trần Anh Tuấn (52 tuổi), làm chủ hộ, vốn là cửa hàng nem Xuân Dần, có diện tích khoảng 30m², được xây ba tầng một tum; tầng một, hai để kinh doanh, tầng ba là bếp và nơi ngủ của nhân viên.
Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP, lực lượng cứu nạn phải sử dụng các cẩu lớn cố định những tấm bêtông, sử dụng các phương tiện máy móc nhẹ để phá dỡ và chuyển đống đổ nát ra ngoài, đảm bảo không gây sụt, lún xuống phía dưới.
Theo báo cáo ban đầu của Công an P.Trúc Bạch, ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc được xây dựng từ lâu, móng hầu như không có. Trong khi đó nhà số 41 Cửa Bắc đang sửa chữa, đào móng, có khả năng gây ảnh hưởng.
TP.HCM: 2 vụ sụt đất do ảnh hưởng thi công công trình Tại TP.HCM gần đây cũng xảy ra hai vụ sụt đất khiến người dân rất lo ngại. Sau cơn mưa lớn chiều 14-7, con đường cạnh chung cư 189A Cống Quỳnh, P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1) bị sụt một đoạn dài, hở hàm ếch kèm nhiều vết nứt dài khiến người dân đang sinh sống bên trong chung cư phải rời nhà đi thuê phòng tại các nhà nghỉ. Ghi nhận tại hiện trường, bên cạnh chung cư là một công trình đang thi công, tường lô cốt lấn hết hai phần con đường. Đơn vị xây dựng cho xe múc đào xuống mặt đất một hố sâu hơn 10m, rộng gần 100m2. Bốn mặt thành hố không được đóng cừ tràm. Cơn mưa lớn làm một đoạn dài đường phủ nhựa cùng phần chân đất bị kéo sụt xuống, khiến mặt đường bị mất chân tạo thành các vết nứt rạn kéo dài. Một số người dân cho biết từ khi công trình nhà ở bên cạnh khu chung cư này được thi công, có nhiều lần cảm nhận được rung chấn khi các thiết bị máy móc thi công tác động vào mặt đất. Sau đó một ngày, tiếp tục xảy ra một vụ sập tường tại tầng hầm chung cư Giai Việt (Q.8) do ảnh hưởng của việc thi công từ công trình xây dựng trung tâm thương mại kế bên. Vụ việc khiến bức tường tại lối xe xuống khu B2 bị vỡ toạc, bùn đất tràn lênh láng vào hầm cuốn trôi và vùi lấp 19 xe máy, 2 xe hơi bị khối bùn tràn lên gần nửa bánh xe. Nguyên nhân ban đầu được xác định do đơn vị thi công đóng cọc nên tạo ra rung chấn khiến bức tường bị vỡ và gây ra sự cố trên. |