24/12/2024

Vì sao giáo viên và phụ huynh đều sợ VNEN?: Thực hiện nhưng không áp đặt

Trước những ý kiến trái chiều về mô hình trường học mới (VNEN) và nhiều địa phương dừng triển khai trong năm học mới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT mới đây cho rằng Bộ sẽ không áp đặt, các địa phương có thể áp dụng một phần.

 
Vì sao giáo viên và phụ huynh đều sợ VNEN?: Thực hiện nhưng không áp đặt
 
 
 
Trước những ý kiến trái chiều về mô hình trường học mới (VNEN) và nhiều địa phương dừng triển khai trong năm học mới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT mới đây cho rằng Bộ sẽ không áp đặt, các địa phương có thể áp dụng một phần.






Lớp học theo mô hình VNEN ở Trường tiểu học Hua Thanh, Điện BiênẢNH: TUỆ NGUYỄN


“Cái mới nào cũng phải có lộ trình”
Kết thúc bài viết Vì sao giáo viên và phụ huynh đều sợ VNEN?trên Thanh Niên ngày 4.8, tác giả Nguyễn Hữu Hợp (Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lo lắng: “Chả nhẽ khi ‘con cá vàng’ ra đi, ‘ông lão’ có nguy cơ quay về với ‘mụ vợ già’, với ‘ngôi nhà tồi tàn’?”.
Rõ ràng, dù chỉ ra rất thẳng thắn những “lệch lạc” trong công tác chỉ đạo làm biến tướng mô hình VNEN ở một số địa phương, nhưng ông Nguyễn Hữu Hợp cũng như nhiều người thực sự muốn thay đổi trong cách dạy và học ở phổ thông.
Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng nếu cứ lo đổi mới là thất bại thì sẽ không bao giờ đổi mới được, và nếu vì thế mà dừng lại thì ngành GD-ĐT sẽ rất khó để thực hiện đổi mới ở những lần tiếp theo. Ông đánh giá: “Điểm tích cực của mô hình này là phát huy tính tích cực của người học, nó chú ý đến đặc điểm cá nhân của học sinh. Đây là những yếu tố rất hay của mô hình”.
Liên quan đến việc một số địa phương vừa cho dừng nhân rộng mô hình trường học mới sau 3 năm triển khai, trong buổi làm việc với tỉnh Nghệ An ngày 2.8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Một số địa phương có ý bỏ VNEN. Nhưng sau 3 năm làm thí điểm, Bộ GD-ĐT tổng kết đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên từng địa phương khác nhau. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan. Bất kỳ mô hình mới nào cũng phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế, cơ sở vật chất, chuyên môn nghiệp vụ. Cái mới nào cũng phải có lộ trình, cứ làm tốt thì sẽ có người theo”.
Ông Nhạ cũng cho biết sắp tới Bộ có hướng dẫn cụ thể và sẽ không yêu cầu áp dụng đại trà mô hình VNEN vào các trường.
Không thể yêu cầu đại trà
Không yêu cầu áp dụng đại trà mô hình VNEN là một chủ trương đúng. Sở dĩ vừa qua Sở GD-ĐT Hà Tĩnh bị UBND tỉnh này “tuýt còi” là vì ngành GD-ĐT dự kiến sẽ triển khai đại trà mô hình VNEN tới 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, khiến giáo viên, phụ huynh chưa đồng tình khi mà điều kiện đảm bảo chất lượng giữa các trường còn rất khác nhau.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cũng nhìn nhận cần phải tạm dừng việc nhân rộng để tổng kết, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc hơn, chỉ rõ ra mặt được và chưa được khi triển khai mô hình này ở địa phương. Với Hà Giang, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, lý giải: “Trên địa bàn tỉnh, năng lực của đội ngũ giáo viên không đồng đều nên rất khó tổ chức các hoạt động theo mô hình trường học mới, cơ sở vật chất, tài liệu chưa phù hợp để triển khai. Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí cũng là những cản trở ảnh hưởng đến việc tổ chức lớp học”.
Một chuyên gia của dự án VNEN giải thích: Hà Tĩnh tạm dừng việc tiếp tục nhân rộng mô hình VNEN, chứ không phải chấm dứt sự tồn tại của mô hình này ở địa phương. Chưa bao giờ Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu 100% các trường thực hiện theo mô hình VNEN, vì điều đó là không tưởng. “Điều kiện về cơ sở vật chất, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý còn rất khác nhau giữa từng trường, nên nếu địa phương nào nói triển khai VNEN ở tất cả các trường ngay chúng tôi cũng không yên tâm”, vị này nói.
Cũng theo chuyên gia này, những địa phương tạm dừng do sốt sắng nhân rộng quá nhanh hoặc thực hiện chưa có hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương khác trên cả nước vẫn có lộ trình thực hiện và nhân rộng mô hình này một cách rất rõ ràng. Năm học tới, hầu như các tỉnh đều có xu hướng triển khai VNEN nhiều hơn so với năm học trước, tuy nhiên không tỉnh/thành nào thực hiện tới 100%. Những địa phương được xem là thực hiện có hiệu quả nhất mô hình này như Lào Cai thì kế hoạch đến năm 2020, cũng chỉ triển khai VNEN tại 180/225 trường có cấp tiểu học (đạt 80% tổng số trường có cấp tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh).
Sẽ có một nghiên cứu định tính riêng biệt, độc lập được tiến hành để xác định mô hình VNEN đang được thực hiện như thế nào ở các lớp học tại VN và mức độ hiệu quả có thể được cải thiện ra sao. Các chuyên gia quốc tế được Ngân hàng Thế giới mời tham gia đang tiến hành phân tích sâu dữ liệu và cho kết quả cuối cùng vào cuối năm 2016.

 

Tuệ Nguyễn