Bài học sâu sắc từ vụ “nhà biến thành hầm”
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường đã thừa nhận như vậy khi trả lời chất vấn ngày 4-8, khi nhiều đại biểu HĐND TP.HCM bức xúc về việc nâng đường Kinh Dương Vương làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bài học sâu sắc từ vụ “nhà biến thành hầm”
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường đã thừa nhận như vậy khi trả lời chất vấn ngày 4-8, khi nhiều đại biểu HĐND TP.HCM bức xúc về việc nâng đường Kinh Dương Vương làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu phiên chất vấn ngày 4-8 – Ảnh: TỰ TRUNG |
Để bị ngộ độc là quá mức rồi. Giải pháp đưa ra chỉ để giải quyết khi bị ngộ độc thì không ổn! |
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM) |
Ngoài ra, các đại biểu cũng chất vấn giám đốc Sở GD-ĐT và giám đốc Sở Y tế liên quan vấn đề cấm dạy thêm trong trường và chất lượng thực phẩm. Theo nhận xét của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn. Lãnh đạo các sở, ngành đã cố gắng giải đáp các vấn đề cụ thể, nỗ lực tìm kiếm giải pháp.
Sẽ điều chỉnh độ cao đường Kinh Dương Vương
Nhiều đại biểu có chung bức xúc, thắc mắc, chất vấn liên quan vụ “nhà biến thành hầm” sau khi nâng đường Kinh Dương Vương.
Đại biểu Trần Văn Thuận đề nghị giải trình rõ cơ sở nào xác định cao độ 2m, đại biểu Nguyễn Văn Đạt thắc mắc tại sao Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đích thân thị sát, chỉ đạo hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng ở khu vực này mà mấy tháng trôi qua vẫn không thấy thực hiện…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường nhìn nhận nguyên nhân trước hết là triển khai chậm, lúc duyệt dự án từ năm 2013 đến nay là khoảng ba năm. Việc công bố rộng rãi cho người dân thông qua MTTQ quận, phường, lập các tổ giám sát… chưa tới được đông đảo người dân.
Để khắc phục hậu quả, theo ông Cường, phương án 1 là giữ nguyên cao độ mặt đường hiện nay, chỉ hạ vỉa hè xuống theo từng mức độ 10cm, 35cm, 60cm; phương án 2: đồng thời hạ cao độ mặt đường từ 25cm xuống kết hợp hạ vỉa hè; phương án 3: hạ vỉa hè xuống 60cm; phương án 4: hạ cao độ mặt đường.
Cả bốn phương án đã được gửi cho 539 hộ dân, 405 hộ đã có ý kiến.
“Từ kết quả khảo sát đó, Sở Giao thông vận tải sẽ điều chỉnh cao độ đường Kinh Dương Vương. Đối với những đoạn đã thi công thảm bêtông nhựa thì tiếp tục triển khai, vỉa hè hạ xuống 10cm. Đối với đoạn chưa thi công, hạ cao độ xuống 25cm so với thiết kế được duyệt kết hợp điều chỉnh giảm độ dốc vỉa hè. Ngoài ra bổ sung thêm trạm bơm để giảm ngập cho khu dân cư” – ông Cường thông tin.
Riêng về hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng cũng sẽ tích cực xúc tiến bởi không chỉ ở đường Kinh Dương Vương mà một số khu vực tại các quận khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ông Cường nhìn nhận: “Đây là bài học vô cùng sâu sắc cho quá trình thực hiện chống ngập trong khu dân cư”.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nói thêm: “Dự án gây bất bình trong dân dù đã lấy ý kiến của dân trước khi thực hiện, vậy phải coi lại cách lấy ý kiến có hình thức quá hay không”.
Bà Tâm dẫn chứng thêm có những sở, ngành trả lời chất vấn rất rốt ráo, dõng dạc, HĐND rất yên tâm nhưng rồi thực hiện lại không được. Như ở HĐND khóa trước ngành giao thông và trung tâm chống ngập khẳng định năm 2016 thi công hoàn tất các hồ điều tiết nhưng đến nay vẫn chưa khởi công được hồ điều tiết nào!
Người dân phải nâng nền nhà lên cho vừa với đường Kinh Dương Vương Ảnh: HỮU KHOA |
Khó quản chất lượng bếp ăn vì… địa bàn giáp ranh
Trong phần thảo luận tại hội trường diễn ra sáng 4-8, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh giải trình về chuyện chất lượng thức ăn không đảm bảo tại căngtin Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ông Bỉnh trả lời Sở Y tế đã phối hợp Sở GD-ĐT và các trường xây dựng lại tiêu chí bếp ăn cũng như vệ sinh môi trường trong ký túc xá, trong trường học. Tuy nhiên, quanh trường còn nhiều nơi bán hàng ăn uống. Khu vực Đại học Quốc gia nằm ở địa bàn giáp ranh với Bình Dương nên khó quản lý.
Câu trả lời này không làm chủ tịch HĐND TP hài lòng: “Các em sinh viên có lần nói với chúng tôi: Các cô các chú lãnh đạo có biết sinh viên hiện ăn uống thế nào không? Chuyện các em mong muốn có bữa ăn sạch là một đòi hỏi chính đáng. Không thể đổ vì địa bàn giáp ranh thì không quản được!” – bà Tâm nói.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói thêm: “Chúng tôi đã yêu cầu chấn chỉnh, nếu không khắc phục thì xử phạt. Chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo, yêu cầu phải lưu mẫu trong bếp ăn tập thể để khi xảy ra ngộ độc thì có thể sớm xác định nguyên nhân”.
Bà Tâm thở dài: “Để bị ngộ độc là quá mức rồi. Giải pháp đưa ra chỉ để giải quyết khi bị ngộ độc thì không ổn! Thức ăn độc hại ngấm dần làm hại sức khoẻ người dân hằng ngày hằng giờ mới là vấn đề phải giải quyết. Phải tính cách quản lý chặt để từng bữa ăn hằng ngày của người dân phải sạch, bổ dưỡng”.
Trước đó, báo cáo của ông Bỉnh cũng khiến nhiều đại biểu giật mình. Theo đó, thời gian qua TP.HCM đã tổ chức 712 đoàn kiểm tra trên 78.000 phương tiện vận chuyển thực phẩm, phát hiện hơn 8.000 trường hợp sai phạm. Riêng thức ăn đường phố thì trong số 20.800 điểm kinh doanh được kiểm tra chỉ có khoảng 50% đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều câu hỏi về cấm dạy thêm
Tại phiên chất vấn cuối buổi chiều, ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết sở đã có công văn hướng dẫn từ năm học này sẽ chấm dứt dạy thêm trong trường. Theo đó, giáo viên chỉ được phép dạy bên ngoài, ở các trung tâm do người khác đứng ra tổ chức, giáo viên được trả lương.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy chất vấn: “Xuất phát từ những nguyên nhân nào mà sở cấm học thêm tại trường? Khi đưa ra giải pháp này, sở đã tham khảo ý kiến của phụ huynh hay chưa?”.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi: “Nếu dạy tại trường thì còn quản lý được, còn nếu dạy ở trung tâm bên ngoài thì có quản được không?”.
Ông Sơn thừa nhận tới đây chắc chắn sẽ nở rộ các trung tâm dạy thêm. Sở sẽ rà soát kỹ việc cấp phép mở trung tâm và cấp phép hoạt động. Phải xem xét về bằng cấp, về cơ sở vật chất, ngoài ra còn có các tiêu chí phụ như vị trí trung tâm không ùn tắc giao thông…
“Việc này sẽ hạn chế rất nhiều các trung tâm” – ông Sơn nói.
“Bên cạnh những con sâu làm rầu nồi canh vì mục đích cá nhân của mình, chúng tôi chỉ muốn chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm, chứ tôi thấy việc này cũng là cần thiết để thực hiện” – ông Sơn trình bày thêm.
Kết lại phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói việc dạy thêm tràn lan tiêu cực thì không ai ủng hộ.
“Chính sách của Nhà nước phải đồng bộ trong thực hiện, coi chừng nở ra bên ngoài không quản lý được, còn tai hại hơn là dạy trong trường. Nếu không cấm triệt để được thì phải khai thác những điểm tích cực, đúng mục đích của dạy thêm học thêm” – bà Tâm nói và yêu cầu sở nắm lại dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh về vấn đề này.
* Đại biểu Tăng Hữu Phong (Q.Tân Bình): Phải cân đối cao độ các dự án
Đại biểu Tăng Hữu Phong đặt câu hỏi về cao độ các tuyến đường chống ngập, vấn đề đang gây bức xúc cho nhiều người dân TP.HCM. “Như ở đường Kinh Dương Vương xác lập cao độ là 2m, ảnh hưởng tới 8.000 hộ dân ở khu vực này. Nước không ngập ở đường Kinh Dương Vương nữa, nhưng lại đổ vào nhà dân và các đường lân cận. Vậy các dự án đó từ việc xác lập cao độ cho tới việc cân đối với các dự án liên hoàn như thế nào? Ở cao độ nào thì có thể chấp nhận được?”. Theo đại biểu Phong, vấn đề này phải được đặt ra một cách nghiêm túc, bởi gần đây Thủ tướng đã phê duyệt các dự án chống ngập quy mô lớn. Gần đây nhất, dự án chống ngập do Tập đoàn Trung Nam khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng vẫn xác lập cao độ là 2m. * Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy (Q.Thủ Đức): Không khéo phụ huynh lại vất vả hơn
Lần này, hầu như các câu hỏi chất vấn của đại biểu đều rất cụ thể, trực tiếp, phải trả lời ngay trong một thời gian tương đối hạn hẹp nên có những nội dung chưa làm thỏa mãn người nghe. Tôi đặt vấn đề cơ sở nào để quyết định cấm dạy thêm ở trường, nếu nói cấm dạy thêm vì nó làm phát sinh tiêu cực thì giải pháp cấm này chưa giải quyết được cái gốc vấn đề. Tôi e rằng chúng ta chỉ thay đổi hình thức chứ chưa thay đổi bản chất. Nếu chỉ chuyển dạy thêm học thêm từ trường học ra các trung tâm thì biết đâu phụ huynh lại càng vất vả hơn khi phải đèo con đến học tại các trung tâm rất xa vì ở trung tâm đó có thầy cô của mình dạy ở đó? Giám đốc Sở GD-ĐT đã cố gắng giải thích nhưng có lẽ ông cần thêm thông tin, cần thêm thời gian. |
Bà Rịa – vũng Tàu: Phong trào làm nhanh nhất, tốt nhất cho doanh nghiệp Ngày 4-8, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thảo luận các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế được đặt ra như ô nhiễm môi trường, mô hình trường học mới… Về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nói dư luận nhân dân nói rất chính xác là chỉ khi dân phát hiện những vụ việc ô nhiễm, các cơ quan chức năng mới vào cuộc như vụ ô nhiễm sông Chà Và. Ông Trình nói các ngành chức năng như cảnh sát môi trường, chi cục bảo vệ môi trường phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra. “Để người dân bị bệnh do ô nhiễm môi trường là chúng ta có lỗi với dân”, ông Trình nói. Về các giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội, ông Nguyễn Văn Trình cho biết sắp tới tỉnh sẽ phát động phong trào làm nhanh nhất, tốt nhất cho doanh nghiệp chứ không “hành” doanh nghiệp. Đồng thời, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng sẽ “khai tử” những dự án chậm triển khai quá lâu. |