24/01/2025

Kiểm lâm đủ mạnh mới giữ được rừng

Để có được một thay đổi mạnh mẽ trong công cuộc bảo vệ rừng, trước mắt cần một khung thể chế mạnh mẽ để tăng cường sức mạnh cho kiểm lâm – đơn vị thực thi pháp luật lâm nghiệp.

 

Kiểm lâm đủ mạnh mới giữ được rừng 

 

Để có được một thay đổi mạnh mẽ trong công cuộc bảo vệ rừng, trước mắt cần một khung thể chế mạnh mẽ để tăng cường sức mạnh cho kiểm lâm – đơn vị thực thi pháp luật lâm nghiệp.

 

 

 

 

Kiểm lâm đủ mạnh mới giữ được rừng 
Lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng kiểm tra gỗ lậu trong chuyên án của Bộ Công an – Ảnh: S.BÌNH

Vừa qua, chúng ta nhìn thấy quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc ngăn chặn nạn phá rừng tại Tây nguyên, vốn đã mất hơn triệu hecta rừng tự nhiên trong vòng chục năm qua.

Phát biểu tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng các dự án luật của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, ông Nguyễn Duy Hữu, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cũng đã nói: “Thực tiễn ở Tây nguyên cho thấy nếu chúng ta không làm nhanh thì không còn Tây nguyên nữa”.

Câu hỏi đặt ra là vì lý do gì chúng ta không giữ được rừng?

“Đây là giải pháp thể chế căn cơ nhất để cứu lấy những cánh rừng đang dần mất đi hoặc đang bị suy thoái trầm trọng. Chúng tôi hi vọng các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ cho ý tưởng này và sớm ban hành Luật lâm nghiệp phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam”
TRƯƠNG TRANG (KỸ SƯ LÂM NGHIỆP)

Thực tế cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay là theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

Mặc dù nhiều văn bản pháp luật quy định rất rõ trách nhiệm của chủ rừng, của chính quyền địa phương, của cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp (sở nông nghiệp và phát triển nông thôn) và cơ quan kiểm lâm (vừa làm nhiệm vụ thực thi pháp luật lâm nghiệp vừa tham mưu cho sở nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý nhà nước chuyên ngành), nhưng nếu xảy ra các vụ phá rừng thì gần như tất cả tội lỗi đều đổ trên đầu cơ quan kiểm lâm.

Xét về vai trò và trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm như thể chế hiện nay thì rất khó để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bởi lẽ một tổ chức thực thi luật pháp lâm nghiệp lại trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (một tổ chức hành chính thuần túy) là khiên cưỡng.

Giả sử có một vụ phá rừng xảy ra tại một chủ rừng là các ban quản lý rừng (trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn), liệu chi cục kiểm lâm có đủ quyền để xử lý nghiêm minh chủ rừng này mà không bị can thiệp của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (cấp trên của chủ rừng và cũng là cấp trên của chi cục kiểm lâm)?

Đó là chưa kể cho đến nay quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ rừng về các hành vi vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng không được quy định tại nghị định 157/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.

Vì thế, cần có một thể chế đủ mạnh, ví dụ như các chi cục kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh (như trước đây đã từng), hoặc trực thuộc ngành dọc là Cục Kiểm lâm để khỏi bị ràng buộc với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành tại địa phương.

Điều này có nghĩa là cơ quan kiểm lâm chỉ làm công tác thực thi pháp luật, còn chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp phải xác định rõ là sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và chính quyền địa phương như hiện nay, chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học thuộc về sở tài nguyên và môi trường.

Mặt khác, cần tăng khung hình phạt cho các tội danh phá hoại rừng, khai thác rừng, khai thác động vật rừng trái phép cũng như trao quyền mạnh mẽ cho lực lượng kiểm lâm để thực hiện tố tụng.

Thời gian qua, đã có rất nhiều kiến nghị với nội dung như đã đề cập ở trên tại các hội nghị, hội thảo về quản lý tài nguyên rừng, nhưng vẫn không tìm ra được các giải pháp tích cực để tăng cường vai trò cơ quan kiểm lâm.

Do vậy, với dự án xây dựng dự án Luật lâm nghiệp hiện nay, cần kết cấu hai chương quan trọng, đó là: Tổ chức thể chế kiểm lâm (hoặc cảnh sát lâm nghiệp), trong đó quy định rõ cơ cấu tổ chức kiểm lâm trung ương và các cấp ở địa phương, thay vì được quy định tại các văn bản dưới luật như hiện nay nên không tạo tính ổn định và thống nhất; và Bảo tồn đa dạng sinh học rừng để xác định rạch ròi trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đây là giải pháp thể chế căn cơ nhất để cứu lấy những cánh rừng đang dần mất đi.

TRƯƠNG TRANG (KỸ SƯ LÂM NGHIỆP)