26/12/2024

Những câu hỏi nhói lòng về trách nhiệm

Nhiều đại biểu Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ luôn cho rằng trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức thì giải pháp đột phá của mọi đột phá phải là “trách nhiệm”.

 

Những câu hỏi nhói lòng về trách nhiệm

 

Nhiều đại biểu Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ luôn cho rằng trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức thì giải pháp đột phá của mọi đột phá phải là “trách nhiệm”.

 

 

 

 

Những câu hỏi nhói lòng về trách nhiệm
Đại biểu Quốc hội, thiếu tướng Phan Văn Tường – Ảnh: VIỆT DŨNG

“Cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp uỷ đảng cùng cấp là chưa rõ, là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tiêu cực, tham nhũng

Thiếu tướng 
Phan Văn Tường

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) còn nói rằng: “Muốn tái cơ cấu thành công những lĩnh vực khác thì trước hết phải tái cơ cấu bộ máy”.

Đừng mãi hô khẩu hiệu

Đại biểu Phan Văn Tường (thiếu tướng, phó tư lệnh Quân khu 1) cho rằng hai chữ “trách nhiệm” lâu nay đã được nói đi nói lại nhiều lần, được đề cập trong quá nhiều văn bản chính thống của Đảng, Nhà nước nhưng thực trạng không mấy chuyển biến khi “thành công là của tôi và thất bại vẫn là của chúng ta”.

“Đề cao trách nhiệm người đứng đầu – khẩu hiệu đó phổ biến, thường xuyên có trong nhiều lĩnh vực. Báo cáo của Uỷ ban trung ương MTTQ VN tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri cả nước cũng đã chỉ rõ: cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp uỷ đảng cùng cấp là chưa rõ, là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tiêu cực, tham nhũng” – ông nói.

Đại biểu Tường cho rằng thực tế ở một số địa phương và cơ quan đã chứng minh vai trò của người đứng đầu đã tạo ra những chuyển biến nhanh chóng theo hướng tích cực.

Thực tiễn cũng chứng minh người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, đơn vị quyền hạn rất lớn, gần như quyết định toàn bộ mọi vấn đề trong phạm vi địa phương, ngành, có thể trực tiếp hay gián tiếp.

Song sau khi có vấn đề, thậm chí rất nghiêm trọng, thì trách nhiệm chưa tương thích với quyền hạn đó.

“Sự không tương thích giữa quyền và trách nhiệm dẫn đến nhiều hệ lụy, hàng đầu là lạm quyền và đùn đổ trách nhiệm cho tập thể hoặc cho người khác. Khi quyền lợi luôn gắn liền với nhau mà trách nhiệm không rõ thì tất yếu xảy ra tiêu cực trong thực thi công vụ. Tiêu cực xảy ra ở chính người đứng đầu sẽ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn trong đời sống xã hội” – ông Tường phân tích.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thở dài: “Tôi chỉ lấy một ví dụ thôi, đó là năm nào Quốc hội cũng quyết toán ngân sách nhà nước và trong nhiều năm liền báo cáo nào cũng đề cập tình trạng kỷ luật, kỷ cương trong thu – chi không nghiêm, rồi thanh tra và kiểm toán phát hiện nhiều bộ ngành sai phạm, nhưng cuối cùng cũng không thấy ai bị xử lý. Năm nào cũng chỉ rút kinh nghiệm rồi cho qua”.

Theo đại biểu Phan Văn Tường, Quốc hội và Chính phủ cần phải làm gương trong việc thúc đẩy trách nhiệm, đặc biệt trong xử lý sai phạm.

“Ngay trong báo cáo kiểm toán vừa rồi có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương, các đơn vị được kiểm toán kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm đã nêu trong báo cáo.

Cụ thể có 46 kiến nghị kiểm toán đề nghị kiểm điểm phân rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan.

Tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để phiên họp cuối năm gửi tới đại biểu Quốc hội báo cáo về kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán và thanh tra của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Tôi nghĩ vấn đề trên được thực hiện nghiêm túc và triệt để vừa là cơ sở thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ công tâm, liêm chính như quyết tâm của Thủ tướng, vừa động viên đội ngũ kiểm toán, thanh tra và nếu được thông tin rộng rãi, tạo lòng tin nhiều hơn nữa của nhân dân vào hệ thống pháp luật” – ông Tường bày tỏ.

Giải pháp căn cơ là tái 
cơ cấu bộ máy nhà nước

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại trong thời điểm có nhiều câu hỏi nhói lòng liên quan đến trách nhiệm quản lý, đặc biệt trước những vấn đề dư luận, nhân dân bức xúc.

Chỉ riêng vấn đề Formosa, những câu hỏi về trách nhiệm được đặt ra suốt cả kỳ họp, cả bên trong và bên ngoài phòng họp Quốc hội.

Cũng hiếm khi thấy lãnh đạo các tỉnh, thành thẳng thắn như thế này: “Bà con cử tri rất quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng vừa qua, coi đây là bài học lớn và sâu sắc, tránh tình trạng lúng túng, thiếu nhạy bén trước sự cố xảy ra vừa rồi” – đại biểu Trần Công Thuật, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng 
Bình, nói.

Hay như đại biểu Hà Sỹ Đồng: “Tôi đề nghị việc quan trọng Quốc hội cần làm là không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa, mà còn phải nhanh chóng rà soát hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn 
đương chức”.

Theo ông Hà Sỹ Đồng: “Năng lực tổ chức triển khai nhiệm vụ của bộ máy quản lý nhà nước các cấp hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cấp thiết phải tái cơ cấu ngay Bộ Công thương như một điều kiện để giải quyết có hiệu lực, hiệu quả vấn đề yếu kém thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ này.

Tôi cho rằng các bộ, ngành khác cũng hoàn toàn không phải ngoại lệ. Rất rõ ràng là nhiều chủ trương, chính sách tốt nhưng đã bị trì hoãn, thậm chí “chết yểu” khi đi vào cuộc sống bởi bộ máy thực thi kém hiệu lực, hiệu quả”.

Ông Đồng cho rằng với bối cảnh thực tiễn hiện nay thì giải pháp căn cơ, cốt lõi cần triển khai quyết liệt trong những tháng còn lại của năm 2016 và những năm tiếp theo từ 2017-2020 là tái cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Đồng cho rằng nếu Thủ tướng và các thành viên Chính phủ bắt tay vào làm tốt nhiệm vụ tái cấu trúc bộ máy thì đây sẽ là chìa khóa giải quyết những nút thắt đang tồn tại trong cơ chế quản lý.

“Quốc hội cũng cần xem xét sửa đổi pháp luật về cán bộ, công chức cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng khi mỗi cán bộ, công chức gắn với một vị trí việc làm được định lượng cụ thể, khoán công việc cụ thể sẽ dễ đánh giá hiệu quả công tác, khi đó sẽ không còn hiện tượng tranh công đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm được” – ông nói.

Đồng thời theo ông, theo đó công việc của trung ương, địa phương, của bộ, ngành được quy định, mô tả càng chi tiết, minh bạch bao nhiêu thì trách nhiệm càng rõ ràng bấy nhiêu.

“Khi đó chúng ta lấy hiệu quả công việc làm thước đo trách nhiệm thì công, tội sẽ rõ ràng. Tôi cũng hi vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với kiểm điểm trách nhiệm trong một số vụ việc vừa rồi sẽ là tiền đề để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ việc này” – ông Đồng bình luận.

LÊ KIÊN