23/12/2024

Khẩn cấp giải cứu cửa ngõ đông Sài Gòn

Các tuyến xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định… (Q.2) đang là điểm nóng về kẹt xe ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn.

 

Khẩn cấp giải cứu cửa ngõ đông Sài Gòn

 

Các tuyến xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định… (Q.2) đang là điểm nóng về kẹt xe ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn. 

 

 

 

 

Khẩn cấp giải cứu cửa ngõ đông Sài Gòn
Hàng nghìn xe container, xe tải và ôtô kẹt cứng kéo dài từ vòng xoay Mỹ Thuỷ qua cầu Phú Mỹ, Q.7 – Ảnh: HỮU KHOA

Đó cũng là những tuyến đường ra vào các cảng biển TP.HCM đang chịu áp lực nặng nề về số lượng xe lưu thông đông đúc.

Chạy xe từ cầu Phú Mỹ (Q.7) đến vành đai phía Đông rẽ về bến phà Cát Lái, cảng biển Tân Cảng Cát Lái (Q.2) hoặc từ đường Mai Chí Thọ (Q.2) rẽ vào đường Đồng Văn Cống đến bến phà Cát Lái, nhiều người rất ngán ngẩm cảnh kẹt xe triền miên ở các tuyến đường này.

Hàng ngàn xe tải, xe container nối dài vài cây số nườm nượp đổ về cảng biển Tân Cảng Cát Lái nên cả xe máy và ôtô hầu như bị ách tắc ở các giao lộ đến 30 phút. Người dân và doanh nghiệp ở khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề việc đi lại, học hành và làm ăn.

Hơn thế nữa, không ít người lo sợ tai nạn giao thông bởi nút giao thông Mỹ Thủy (giao lộ vành đai phía Đông và Đồng Văn Cống) thời gian qua trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông.

Kẹt xe… vì thủ tục

Ông Ngô Hải Đường – trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM – cho rằng “thủ tục vào cảng Cát Lái tốn nhiều thời gian”, đội cảnh sát giao thông Cát Lái ghi nhận thời gian trung bình để một xe làm thủ tục ra vào cảng này mất 5-10 phút.

Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống và có lúc kẹt xe nối dài đến đường Mai Chí Thọ và xa lộ Hà Nội. “Hiện nay mỗi ngày có 19.000 xe tải và lúc cao điểm khoảng 21.000 xe ra vào cảng, vượt quá khả năng thông xe của các đường này” – 
ông Đường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đường, từ ngày 1-7-2016 thực hiện công ước Solas về kiểm soát khối lượng hàng hóa container vận chuyển quốc tế phải xác nhận khối lượng trước khi xếp hàng lên tàu, thời gian đầu đã xảy ra ùn tắc giao thông do lượng xe ra vào cảng tăng đột biến.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái khoảng 36 triệu tấn/năm, thế nhưng đến năm 2015 khối lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái đã lên đến 49 triệu tấn.

Trong khi đó, hạ tầng giao thông tại khu vực này chưa được xây 
dựng hoàn chỉnh.

Đại diện Tân Cảng Cát Lái cho rằng nguyên nhân kẹt xe là do cảng làm thêm thủ tục kiểm soát tải trọng xe trước khi ra vào cảng để chống xe quá tải, đồng thời trên một số tuyến đường gần cảng các đơn vị vận tải chiếm dụng mặt đường dồn hàng chở quá tải.

Do đó, đơn vị này đề nghị Sở GTVT cần có biện pháp xử lý các xe dồn hàng chở quá tải. Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Phong – phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM – cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016 số lượng xe tải, xe container đăng ký mới tăng 83% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều doanh nghiệp đã mua thêm xe để có đủ xe vận chuyển hàng hoá và chở đúng tải, 
thay vì chở quá tải.

Nhiều giải pháp hứa hẹn

Các đơn vị cho hay đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm kẹt xe. Đại diện Tân Cảng Cát Lái cho biết đã mở thêm các điểm làm thủ tục ra vào cảng tại cổng B, cổng C, thay vì trước đây chỉ làm thủ tục tại cổng A; phân bố lượng xe ra vào tại các cổng, tránh tập trung vào cổng A gây ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Thị Định.

Theo lãnh đạo Tân Cảng Cát Lái, từ ngày 1-9 sẽ tổ chức làm thủ tục qua mạng thay vì làm trên giấy, điều này sẽ rút ngắn thời gian xe ra vào cảng được nhanh chóng hơn. Dự kiến đến tháng 10-2016 bắt buộc 100% xe làm thủ tục trước trên mạng để giảm thiểu việc dừng đậu chờ làm thủ tục, gây ách tắc giao 
thông trước cổng cảng.

Sở GTVT cho biết đã mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, tăng từ 2 làn thành 3 làn đường cho mỗi chiều ra vào cảng; thường xuyên điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông tại vòng xoay cầu Mỹ Thuỷ, đường vào cổng C Tân Cảng Cát Lái – Nguyễn Thị Định và đường A – Nguyễn Thị Định cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế. Sắp tới sẽ lắp đặt camera quan sát giao thông để điều chỉnh giao thông 
tại khu vực này.

Về giải pháp lâu dài, lãnh đạo Tân Cảng Cát Lái cho biết đang làm thủ tục đầu tư 200 tỉ đồng xây dựng đường nối từ cổng C Tân Cảng Cát Lái ra đường vành đai phía Đông thay vì ra đường Nguyễn Thị Định. Sở GTVT và Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM cho rằng dự án này rất hiệu quả, sẽ giảm kẹt xe.

Sở GTVT cũng đang lập dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, trong đó mỗi bên đường sẽ mở thêm 3,5m, cải tạo kích thước hình học khu vực các đường chui dưới dạ cầu Giồng Ông Tố 2 và 3.

Trong khi chờ các giải pháp giải quyết căn cơ, ông Bùi Xuân Cường – giám đốc Sở GTVT – thống nhất với các cơ quan chức năng lập tổ kiểm soát liên ngành nhằm xử lý ùn tắc giao thông trên các tuyến đường vào cảng Cát Lái.

Theo đó, cảng sẽ cung cấp thông tin về số lượng tàu, hàng về cảng, từ đây các đơn vị chức năng bố trí lực lượng điều tiết giao thông.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ thông tin đến người dân và doanh nghiệp tình hình lưu thông ở các tuyến đường bị kẹt xe để mọi người lựa chọn 
hướng đi phù hợp.

6 dự án giải quyết kẹt xe ở cửa ngõ phía đông

* Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ với hệ thống cầu vượt, hầm chui (khởi công ngày 3-6-2016, dự kiến hoàn thành cuối năm 2017).

* Nâng cấp đường vành đai phía Đông (từ vòng xoay cầu Mỹ Thuỷ đến cầu Rạch Chiếc), dự kiến thi công đầu năm 2017 và hoàn thành vào quý 1-2018.

* Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9).

* Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thuỷ đến đường vào Khu công nghiệp Cát Lái).

* Xây dựng đường từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2.

*Xây dựng cầu Cát Lái từ Q.2 qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

NGỌC ẨN