25/12/2024

Bỏ ngỏ phương án chữa cháy nhà cao tầng

UBND TP.HCM vừa tổ chức công bố Dự án quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP đến năm 2025, tuy nhiên vấn đề chữa cháy cho nhà cao tầng còn bỏ ngỏ.

 

Bỏ ngỏ phương án chữa cháy nhà cao tầng

UBND TP.HCM vừa tổ chức công bố Dự án quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP đến năm 2025, tuy nhiên vấn đề chữa cháy cho nhà cao tầng còn bỏ ngỏ.





Trực thăng cứu hộ được sử dụng khi diễn tập tại trung tâm TP.HCM vào năm 2013	 /// Ảnh: Bạch Dương

Trực thăng cứu hộ được sử dụng khi diễn tập tại trung tâm TP.HCM vào năm 2013ẢNH: BẠCH DƯƠNG


Theo đó, với tổng kinh phí dự kiến lên đến hơn 8.159 tỉ đồng, đề án bổ sung và lắp đặt mới 19.664 trụ nước chữa cháy; đầu tư xây mới trụ sở 5 đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận, huyện gồm Q.5, Q.7, Q.10, Q.Phú Nhuận, Q.Thủ Đức và 1 trạm xá; nâng cấp, cải tạo trụ sở 8 đơn vị cảnh sát PCCC gồm Q.3, Q.9, Q.12, Q.Tân Bình, Trạm cảnh sát PCCC thuộc khu đô thị mới nam TP giai đoạn 2, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông, Phòng Cứu nạn cứu hộ và Trung tâm đào tạo huấn luyện PCCC, cứu nạn cứu hộ tại Q.9; đầu tư xây dựng doanh trại 18 đội cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ; 389 xe chữa cháy các loại, 61 máy bơm chữa cháy, 2 tàu chữa cháy trên sông…
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện trên địa bàn TP có khoảng 1.200 dự án nhà ở, trong đó đang xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nhà cao tầng, nhưng dự án được phê duyệt chưa tính đến trang thiết bị đặc thù tương ứng, đặc biệt là trực thăng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Thực tế mới tới tầng… 14, 15
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng PCCC đối với nhà cao tầng đang là vấn đề đáng quan ngại và đây cũng là vấn đề rất lớn đối với TP. Theo ông Châu, về lý thuyết, thiết bị xe thang mà TP đang có, có thể vươn lên tầng 18, nhưng thực tế khi có cháy xảy ra, do tác động bởi nhiều yếu tố, thì tối đa chỉ vươn lên được tầng 14 – 15. Ông Châu đề nghị phải kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt phương án PCCC tại các công trình nhà cao tầng nhằm tránh tình trạng nhà cao tầng đã có người vào ở, làm việc mà không đảm bảo an toàn về PCCC.
Cũng theo ông Châu, một trong những phương án được tính đến hiện nay là sử dụng dây thoát hiểm, nhưng phương án này “chỉ phù hợp với người không yếu tim, chứ người già, trẻ em không thể sử dụng để thoát từ trên cao xuống được”. Do đó, TP cần nghiên cứu, tìm tòi để có giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn.
Còn theo một cán bộ Cảnh sát PCCC TP.HCM, hiện nay trung bình xe thang chữa cháy ứng cứu khi có sự cố cháy nổ xảy ra chỉ tới độ cao từ 30 – 32 m (tức khoảng tầng 10 – 12). Vì xe thang càng cao thì thời gian triển khai càng chậm nên công tác chữa cháy sẽ không hiệu quả.
Chưa có quy chế phối hợp để huy động trực thăng
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, cho biết đơn vị ông có phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn để có thể huy động trực thăng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi nhà cao tầng không may xảy ra sự cố. Tuy nhiên, ông Bửu không cho biết là sẽ phải mất thời gian bao lâu để trực thăng đến được hiện trường. Lý do vì sao đề án không đề cập đến trang bị trực thăng chữa cháy, ông Bửu cho rằng việc sử dụng trực thăng cứu hộ cứu nạn là hết sức cần thiết, tuy nhiên khi có điều kiện mua sắm sẽ có báo cáo riêng với TP về vấn đề này.
Theo ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong trường hợp cần huy động trực thăng tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, TP liên hệ Quân khu 7 và đơn vị này phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, quy chế phối hợp và huy động trực thăng cụ thể như thế nào hiện vẫn chưa có. Ông Mạng cho biết trong tình huống khẩn thiết cũng có thể thuê trực thăng dịch vụ của ngành dầu khí.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng với điều kiện đặc thù nhiều nhà cao tầng như ở TP.HCM, trang bị trực thăng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, hoạt động chuyên nghiệp là rất cần thiết.
Lãnh đạo UBND các quận có nhiều nhà cao tầng, đặc biệt cao trên 20 tầng, khi trao đổi với PV Thanh Niên, đều có chung lo lắng về việc chưa có phương án cứu hộ, cứu nạn rõ ràng khi sự cố không may xảy ra, bởi nếu xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn. “TP cần có sự chuẩn bị và sớm đầu tư đúng mức trang thiết bị ứng phó sự cố cháy nổ đối với nhà cao tầng, kể cả đầu tư trực thăng để chủ động hơn trong các phương án PCCC”, một lãnh đạo cấp quận đề nghị. 
38 công trình cao tầng ở Hà Nội chưa nghiệm thu PCCC vẫn sử dụng
Ngày 31.7, Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP có 38 công trình nhà cao tầng chưa được nghiệm thu PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Trong số đó có các chung cư CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 ở khu đô thị Xa La, Q.Hà Đông, Hà Nội; chung cư cao tầng CT11, CT12 ở khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, Q.Hoàng Mai; chung cư VP3, VP5, VP6 ở khu đô thị bán đảo Linh Đàm, Q.Hoàng Mai… Bên cạnh đó, những công trình cao tầng tai tiếng ở Hà Nội như Usilk City ở Q.Hà Đông của Công ty Sông Đà Thăng Long, The Pride ở Q.Hà Đông của Công ty CP Hải Phát, chung cư Sakura ở Q.Thanh Xuân của Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn… cũng thuộc diện không đảm bảo về an toàn PCCC nhưng vẫn ngang nhiên sử dụng.
Hiện TP.Hà Nội có 1.075 công trình nhà cao tầng. Trong đó, có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động.   
 

Lê Quân

 


 

Tân Phú