Phạt như vượt đèn đỏ, nên chăng bỏ luôn đèn vàng?
Từ ngày 1-8, theo nghị định 46 của Chính phủ, người chạy xe vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau: với xe hơi lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.
Phạt như vượt đèn đỏ, nên chăng bỏ luôn đèn vàng?
Từ ngày 1-8, theo nghị định 46 của Chính phủ, người chạy xe vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau: với xe hơi lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.
Một phụ nữ thản nhiên chạy tiếp trên đại lộ Phạm Văn Đồng trong khi hàng chục người khác dừng lại chờ đèn đỏ – Ảnh: Ngọc Hiển |
Mức phạt theo nghị định này với xe hơi lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.
Trung tá Huỳnh Trung Phong – phó trưởng Phòng CSGT TP.HCM – cho biết: theo quy định, khi có tín hiệu đèn vàng thì người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Bắt lỗi trực tiếp hoặc qua camera
Như vậy, khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng mà người chạy xe không dừng lại trước vạch dừng thì được xác định đây là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt.
Việc xử phạt có thể bằng hình thức bắt lỗi trực tiếp hoặc qua camera ghi hình.
Trước thông tin chuẩn bị áp dụng nghị định mới này, anh Tô Hữu Tài (một tài xế taxi) cho biết anh ủng hộ việc phạt nhưng mức phạt khác nhau.
Anh Tài nói: “Tôi hay gọi những người ráng vượt qua đèn vàng khi còn 1-2 giây, thậm chí vượt đèn đỏ từ những giây đầu là những người “đánh cắp thì giờ của người khác”.
Chỉ có một vài cá nhân vượt thôi nhưng một hàng dài phải chờ đợi người đó thoát khỏi dòng xe.
Tuy nhiên, mặc dù ủng hộ phạt lỗi vượt đèn vàng nhưng tôi có chút băn khoăn về mức phạt. Đèn đỏ và đèn vàng là hai màu đèn tín hiệu giao thông khác nhau, liệu hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau có hợp lý không?
Hơn nữa, tôi nghĩ trước khi áp dụng phạt lỗi vượt đèn vàng, cơ quan chức năng cần giải thích rõ hơn cho người dân hiểu để người lái xe không bị phạt oan. Vì hành vi vượt đèn đỏ là lỗi cố ý, còn đèn vàng thường xuất hiện chỉ 3 giây (có nơi không có đồng hồ đếm số) nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa.
Việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ vô hình trung đánh mất ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng. Nếu phạt như nhau thì nên chăng bỏ luôn đèn vàng?
Vậy thì bỏ luôn đèn vàng!
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết về Nghị định 46, nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến của mình. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn khi xử phạt lỗi vượt đèn vàng, đèn đỏ như nhau.
Bạn đọc Vũ Hoà phát biểu: “Đã hội nhập tất yếu một phần đời sống xã hội trong nước cũng nên theo thông lệ quốc tế. Các cơ quan liên quan không nên tự biên tự diễn. Đèn vàng đèn đỏ khi vi phạm đều phạt như nhau thì đèn vàng hiện diện hàng thế kỷ tại Việt Nam để làm gì?”
Một bạn đọc khác đề nghị: “Nếu vậy thì bỏ đèn vàng đi, chỉ giữ hai đèn xanh – đỏ bằng thời gian đếm ngược về 0 thôi. Làm như vậy người tham gia giao thông sẽ biết được thời gian để chuẩn bị.”
Có ý kiến tương tự một bạn đọc viết: “Vậy thì tất cả đèn báo giao thông phải có hiển thị đếm ngược thời gian đèn xanh và bỏ luôn đèn vàng.”
Một bạn đọc lớn tuổi viết: “Tôi đã 63 tuổi và vẫn còn thuộc lòng 2 câu lục bát lúc mới học lớp tư (lớp 2) như sau: “Đèn vàng sửa soạn dừng xe. Đèn xanh cho chạy, đỏ loe cấm đường”. Tăng mức phạt vi phạm giao thông thì tôi hoan nghênh nhưng không đồng tình lỗi vượt đèn vàng. Đèn vàng thường vẫn chỉ 3 giây thì sang đèn đỏ. Vậy tôi qua vạch đèn mới bật vàng thì tôi không vi phạm, nhưng anh cố bắt lỗi tôi lấy gì chứng minh và ngược lại, tôi cố cãi anh lấy gì chứng minh? Như thế có phải sinh cãi lý, to tiếng giữa đường tốt lắm hay sao? Bằng không thì tất cả chốt đèn đều phải có camera. Đôi lúc đã dừng và đèn đã đỏ mà vẫn còn bị xe sau húc bay hàng loạt nữa kìa. Đừng làm chuyện khác người!”
Trong khi đó, bạn đọc tên Hùng cho rằng: “Tôi đang sống ở Úc đây, bên đây người ta quy định rõ ràng là khi đèn vàng nếu việc anh dừng lại gây nguy hiểm (chẳng hạn như xe sau húc vào…) thì anh được quyền đi vượt đèn vàng, nếu không thì mới phải dừng lại. Việc quy định chỉ khi cán qua vạch mới được đi tiếp như ở VN là không thực tế và không khả thi vì khi tốc độ lưu thông cao việc dừng đột ngột gây nguy hiểm cho các xe sau, khả năng khi luật này thực thi sẽ có rất nhiều vụ tai nạn tại các ngã tư vì xe sau húc xe trước…”
Ở các nước: nơi phạt nơi không Trong khi đó, luật giao thông ở các nước quy định rất khác nhau về việc xử lý các trường hợp vượt đèn vàng. Tại Úc, đèn vàng có ý nghĩa tương đương đèn đỏ – tất cả các phương tiện phải dừng lại. Căn cứ vào khoản 1, điều 57 Luật đường bộ Úc năm 2014, các hành vi: vượt đèn vàng, không dừng trước vạch dừng khi có đèn vàng hay không dừng ở ngã tư có đèn vàng đều bị xử phạt “đồng giá” 433 đôla Úc. Nếu vi phạm trong các khu vực trường học, mức phạt sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như tại các ngã tư, các phương tiện được phép dừng lố vạch dừng nếu đèn giao thông đột ngột chuyển sang vàng để tránh việc phanh gấp gây tai nạn. Luật cũng quy định trường hợp khi có đèn vàng nhấp nháy. Theo đó, các phương tiện có hành vi chèn ép, không nhường đường cho người đi bộ và các phương tiện khác ở chiều ngược lại, vượt các phương tiện cùng chiều khi có đèn vàng nhấp nháy cũng bị xử phạt từ 325 – 433 đôla Úc. Mức phạt sẽ tăng thêm nếu vi phạm trong khu vực trường học. Luật của mỗi bang tại Mỹ cũng quy định khác nhau về ý nghĩa và hành vi vượt đèn vàng. Tại một số bang như Colorado và California, đèn vàng chỉ có ý nghĩa cảnh báo sắp tới đèn đỏ. Nếu phương tiện vào giao lộ trước khi đèn chuyển sang đỏ, phương tiện đó không phạm luật. Đức và Singapore không có quy định xử phạt các trường hợp vượt đèn vàng. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng không khuyến khích hành vi này. Tại Đức, nếu có đèn vàng nhấp nháy ở ngã tư, các phương tiện phải dừng lại và chỉ được di chuyển cho đến khi thông thoáng. Quy định này gần giống với ý nghĩa đèn vàng nhấp nháy, các phương tiện di chuyển chậm và nhường xe bên phải ở Việt Nam. |