Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân
Đó là vấn đề được một số đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội ngày 29-7.
Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân
Đó là vấn đề được một số đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội ngày 29-7.
Ông Trần Công Thuật, phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình – Ảnh: V.Dũng |
“Ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đối với tỉnh Quảng Bình là rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, nó kéo lùi sự phát triển của tỉnh, kể cả về kinh tế – xã hội, an ninh, trật tự mất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân. Bà con Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ và lên án hành động gây ra sự huỷ hoại môi trường biển vừa rồi của công ty Formosa” – ông Trần Công Thuật (phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) nói.
“Cần thép, cần cá,nhưng có cần Formosa tới 70 năm?”
Đại biểu Thuật đề nghị sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho nhân dân trong vùng trực tiếp bị thiệt hại và khu vực liên quan, nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài…
“Bà con cử tri đề nghị và rất quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng vừa qua, coi đây là bài học lớn và sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó với thảm hoạ môi trường và thiên tai trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường” – ông Thuật nhấn mạnh.
Người đứng đầu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng đưa ra câu hỏi: “Nhân dân và cử tri Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng cần khẩn trương sớm làm rõ và trả lời khi nào đánh cá vùng lộng (tức là vùng gần bờ) được, khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản được, khi nào môi trường biển an toàn được?
Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến gần 70 năm không? Một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Thuật, ông Hà Sỹ Đồng (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) lên tiếng: “Báo cáo của Chính phủ đã nêu những con số thiệt hại theo tính toán sơ bộ với số người bị ảnh hưởng trực tiếp lên tới hàng trăm ngàn, thiệt hại về hải sản cũng lên đến con số nhiều ngàn tấn, thậm chí đến hàng triệu tấn.
Nhưng tổng thiệt hại cả trực tiếp và gián tiếp, vô hình và hữu hình, đặc biệt là hệ sinh thái, các rạn san hô thì vô cùng lớn, việc xử lý, khắc phục phải mất nhiều chục năm”.
Đại biểu Đồng đề nghị: “Việc Quốc hội cần làm là không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa mà còn phải nhanh chóng rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe doạ đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức”.
Formosa đã bồi thường 250 triệu USD
Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, chủ tọa phiên họp là Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà phúc đáp. Ông Hà mở đầu bằng việc “cảm ơn các đại biểu Quốc hội và nhân dân đã ủng hộ chúng tôi truy tìm nguyên nhân sự cố”.
Ông cho biết: “Đến ngày 28 Formosa thực hiện cam kết ban đầu là chuyển cho chúng ta 250 triệu USD. Đến nay, các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ cho người dân đã được Chính phủ triển khai tích cực”.
Theo ông Hà, các công việc liên quan đến xử lý vi phạm (53 lỗi mà đoàn kiểm tra phát hiện) và khắc phục hậu quả môi trường do Formosa gây ra vẫn đang được tiến hành khẩn trương.
Ông bộ trưởng khẳng định việc đánh giá mức độ ô nhiễm, sự suy thoái và khả năng phục hồi môi trường biển đang được tiến hành rất bài bản, khoa học.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo là bộ đã ký văn bản gửi đến các tỉnh về thống kê thiệt hại, gồm đối tượng thiệt hại trực tiếp, gián tiếp và các tỉnh sẽ gửi về bộ trong tháng 8 để tổng hợp trình Chính phủ. Bộ cũng đang tiến hành đánh giá, triển khai đề án về phục hồi hệ sinh thái biển.
“Thành công là của tôi, thất bại là của chúng ta”
Trước nhiều khó khăn đối với phát triển kinh tế – xã hội, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp thêm nhiều giải pháp cụ thể. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) “đề nghị bổ sung giải pháp xác định, quy trách nhiệm người đứng đầu”.
Ông nói: “Việc chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng là một phần thể hiện sự lúng túng trong sự phân định thiếu rạch ròi giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm, đây là kẽ hở để tồn tại chuyện thành công là của tôi và thất bại là của chúng ta”.
“Cử tri đề nghị mong muốn Chính phủ tiếp tục nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện việc kiểm tra, rà soát các chương trình đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, những hoạt động kém hiệu quả mà lâu nay dư luận hết sức quan tâm” – đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu vấn đề.
Dẫn lại báo cáo của Uỷ ban Kinh tế, ông Tám nói mới điểm qua năm dự án là dự án nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy tơ sợi Đình Vũ, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam, các dự án này có tổng đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng nhưng thua lỗ hoặc kém hiệu quả, hoặc phải bỏ hoang do công nghệ không phù hợp.
“Thử so sánh hàng ngàn tỉ đồng đầu tư lãng phí không hiệu quả trong khi hàng triệu người dân đang nhọc nhằn lao động mưu sinh hằng ngày, chỉ cần có thêm vài ba trăm ngàn đồng mỗi tháng là có cơ hội cải thiện cuộc sống sẽ thấy nó quá lớn và quá khổng lồ như thế nào” – ông Tám ví von.
Đọc một bài phát biểu khá dài, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu một dẫn chứng: dù 50 nghị định hướng dẫn (đầu tư, kinh doanh) được thông qua theo đúng kế hoạch nhưng việc xoá bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý cũng chưa được giải quyết một cách dứt điểm ở thời điểm ngày 1-7.
“Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm tới hành vi và thái độ của từng công chức ở các cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận, yên tâm được” – đại biểu Lộc (chủ tịch VCCI) bình luận.