Hàng vạn cột điện ‘có vấn đề’
Hai ngày sau khi cơn bão số 1 đi qua, trên hầu hết địa bàn tỉnh Nam Định ngày 29.7 vẫn tối đen vì hệ thống điện bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, nhiều cột điện, cột đèn bị bật bung gốc vẫn nguyên hiện trạng.
Hàng vạn cột điện ‘có vấn đề’
Hai ngày sau khi cơn bão số 1 đi qua, trên hầu hết địa bàn tỉnh Nam Định ngày 29.7 vẫn tối đen vì hệ thống điện bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, nhiều cột điện, cột đèn bị bật bung gốc vẫn nguyên hiện trạng.
Khắp các vùng nông thôn đều có cột điện đổ. Người dân ở 2 xã Xuân Tân, Xuân Hoà (H.Xuân Trường) cho biết, gần 60% cột điện ở các địa bàn này bị gãy hoặc đổ.
Theo thống kê của Điện lực Nam Định, đã có 1.900 cột điện trung áp bị nghiêng, gãy đổ và 2 km dây điện bị đứt, 5 trạm biến áp gặp sự cố. Toàn tỉnh cũng có 18.000 cột điện hạ áp bị nghiêng, gãy, đổ (13.000 cột điện bị gãy đổ, 5.000 cột điện bị nghiêng) và 100 km dây bị đứt. Ước tính thiệt hại của ngành điện lên tới 100 tỉ đồng. Trong đó, H.Trực Ninh bị hư hại nhiều nhất về cột điện trung áp, hư hại cột điện hạ áp nhiều nhất là ở H.Giao Thủy, H.Ý Yên.
Chất lượng kém do “lịch sử”
Tình trạng này khiến nhiều người nhớ lại cách đây 2 tháng, tại xã Đại An, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã xảy ra việc một người dân tố đơn vị thi công là Công ty CP Sông Đà 11.7 gian dối, đổ bê tông các mô, trụ cột điện bằng bùn đất. Từ đó, nhiều người nghi ngờ về chất lượng khi lượng lớn cột điện bị nghiêng, gãy, đổ trong cơn bão số 1 hiện nay.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Mạnh Sỹ, Phó giám đốc Điện lực Nam Định thừa nhận: Nhiều cột điện tại Nam Định chưa đảm bảo chất lượng, là một phần nguyên nhân dẫn đến gãy, đổ. Tuy nhiên, chất lượng kém là do “lịch sử” để lại vì Nam Định là tỉnh được điện khí hoá sớm, từ những năm 1970. Khi đó nhà nước và nhân dân cùng làm, ngành điện chủ yếu xây dựng và quản lý các đường trục trung áp chính, còn các nhánh trung áp, trạm biến áp hạ thế, đường dây hạ thế phần lớn do các xã, huyện đầu tư xây dựng, các nhánh hạ thế vào nhà là do các hộ tự chế và tự trồng. Theo ông Sỹ, trong số 18.000 cột hạ áp bị nghiêng, gãy, đổ vừa qua, “có tới trên 90% là cột cũ, được bàn giao từ lưới điện nông thôn của địa phương sang ngành điện và có tuổi đời lên đến vài chục năm”.
Về việc có tới 1.900 cột điện trung áp và một số cột hạ áp mới được ngành điện thay thế cũng bị nghiêng, gãy, đổ, ông Sỹ lý giải: “Phần lớn đều bị tác động do cây, cành đổ vào cột hoặc do các nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa, thay thế các cột này, Điện lực Nam Định cũng chỉ đạo phải kiểm tra nguyên nhân gãy, đổ, nếu do yếu tố kỹ thuật chưa đảm bảo sẽ báo cáo với Tổng công ty điện lực miền Bắc để truy nguyên, xử lý đơn vị thầu, thi công”.
Dấu hiệu bất thường
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) cho rằng đổ hàng chục ngàn cột điện chỉ qua một cơn bão, trên cùng một địa phương là có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, để biết rõ được nguyên nhân của sự cố, từ đó quy trách nhiệm cụ thể, theo ông cơ quan chức năng cần phải tiến hành điều tra. “Đầu tiên là điều tra về thiết kế của cột điện như thế nào; hai là, khi thiết kế xong liệu có được kiểm tra chặt chẽ; ba là, nếu thiết kế đúng thì khâu thi công cột điện ra sao, có đúng thiết kế, vật liệu có đủ, chất liệu có đảm bảo hay không và quá trình nghiệm thu công trình có nghiêm túc hay chưa. Còn một vấn đề nữa, thiết kế tốt, thi công tốt nhưng quá trình vận hành, sử dụng cột điện liệu đã đúng? Một khi có được hết những thông số điều tra này sẽ cho kết quả vì sao cột điện không đủ sức chịu đựng chỉ qua một cơn bão ở cấp không phải cao nhất và ngã đổ hàng loạt”, TS Phúc nói.
Cùng quan điểm, TS Phạm Sanh, chuyên gia về xây dựng ngạc nhiên vì chỉ qua một cơn bão, hàng chục ngàn cột điện ở Nam Định ngã la liệt. Thường với các cột điện trung thế, hạ thế… được thiết kế trụ có thể chịu đựng được các cấp gió bão ở từng địa hình cụ thể. Công trình điện quốc gia được thiết kế chịu được gió bão cấp cao nhất. Nhưng hàng loạt trụ điện ở Nam Định lại ngã dù gió chưa đạt mức cao nhất. “Tôi cho rằng, trên 70% nguyên nhân là do khâu khảo sát, thiết kế không đảm bảo, không đúng quy chuẩn. Thiết kế sai nhưng lại không qua khâu thẩm định kỹ về khả năng chịu đựng mức gió cao nhất. Chưa hết, khi thi công xong thì công tác kiểm tra, nghiệm thu qua loa, chủ yếu kiểm tra, nghiệm thu nguyên vật liệu chứ không phải ở khâu thiết kế, tư vấn”, ông Sanh phân tích.
Theo ông Sanh, công tác thi công nếu sai thì khó có chuyện xảy ra ngã hàng loạt, chỉ có thiết kế không đúng mới gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Nếu vì chất lượng thi công sẽ chỉ ngã cục bộ chứ không ngã trên diện rộng. Vì vậy, Bộ Công thương cần kết hợp Bộ Xây dựng tiến hành rà soát lại hệ thống quy chuẩn, quy định trong xây dựng công trình cột điện, chứ không sẽ còn nhiều sự cố như ở Nam Định. “Thiết kế móng trụ điện là quan trọng nhất trong thi công cột điện, nếu móng trụ thi công không đảm bảo sẽ xảy ra ngã đổ khi có gió to. Cơn bão vừa rồi là phép thử quan trọng, qua đó cho kết quả rõ ràng là hệ thống cột điện ở Nam Định có vấn đề ở nhiều khâu, từ thiết kế cho đến giám sát, nghiệm thu”, ông Sanh nhấn mạnh.
Cường độ bão không quá mạnh
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết, qua ghi nhận thực tế, cường độ bão số 1 không quá mạnh và có thể so sánh với cơn bão số 8 hay còn gọi là bão Sơn Tinh năm 2012 khi có đường đi và phạm vi bão đổ bộ trùng nhau, cùng vào địa phận các tỉnh Thái Bình và Nam Định. Khi vào gần bờ biển Thái Bình đến Nam Định, bão di chuyển chậm, có thời điểm vài ba giờ hầu như không di chuyển nên gây gió mạnh kéo dài ở các tỉnh này.
Trên thực tế, các số liệu quan trắc được tại tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, gió bão chỉ mạnh cấp 8 – 9, vùng ven biển một số nơi có gió giật cấp 10 – 13 như ở Văn Lý (Nam Định) và Ba Lạt (Thái Bình). Khi đi vào các tỉnh, bão số 1 giảm cường độ xuống cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 10.
|
Văn Đông – Nguyễn Trần Tâm