Không thể rút kinh nghiệm rồi cho qua
Chiều 28-7, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải xử lý sai phạm, lập lại kỷ cương ngân sách.
Không thể rút kinh nghiệm rồi cho qua
Chiều 28-7, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải xử lý sai phạm, lập lại kỷ cương ngân sách.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên trình bày trước Quốc hội báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 (theo quy định mới của luật).
Trong đó khẳng định “dự toán chi thường xuyên vẫn lặp lại các sai sót đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong những năm vừa qua như: lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách hoặc số kiểm tra của Bộ Tài chính; lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ và không sát thực tế; giao dự toán chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm; giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao…
Tình trạng chi ngân sách nhà nước chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để. Kết quả kiểm toán cho thấy hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đều có sai phạm, kiến nghị giảm chi kinh phí thường xuyên 1.959 tỉ đồng”.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra: sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm; một số địa phương nợ xây dựng cơ bản là 16.736 tỉ đồng, trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới nợ 4.448 tỉ đồng…
Dẫn lại lời phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải có trách nhiệm trong việc sử dụng từng đồng tiền thuế của dân, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị Quốc hội phải lập lại trật tự trong chi tiêu ngân sách.
“Các báo cáo nói chi luôn luôn không sát thực tế, điều chỉnh nhiều lần. Tại sao lại như vậy, cần phải làm rõ. Rồi tình trạng dự án triển khai chậm, tăng vốn.
Ngay tại Hà Nội, đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, tăng vốn hơn 300 triệu USD thì ai chịu trách nhiệm?
Rồi xây ký túc xá không có sinh viên ở, làm chợ không có người họp…, phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể rút kinh nghiệm chung chung. Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, cứ nói là rút kinh nghiệm rồi cho qua, rút kinh nghiệm bao nhiêu lần nữa?” – ông Minh nói.
Mạnh mẽ hơn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) “đề nghị Chính phủ thanh tra, kiểm tra những nơi sai phạm, xử lý theo pháp luật chứ không cho qua được, nếu cần thiết thì phải xử lý hình sự”.
Sáng nay (29-7), Quốc hội biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 với các số liệu được đề nghị như sau: tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.130.609 tỉ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.339.489 tỉ đồng, bội chi ngân sách nhà nước là 249.362 tỉ đồng (bằng 6,33% GDP). |