23/01/2025

Trẻ mắc bệnh hô hấp “ùn ùn” nhập viện

Số trẻ nhập viện tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) những ngày gần đây nhiều đến mức trưởng khoa hô hấp phải xin sự hỗ trợ của ban giám đốc bệnh viện, để chuyển bệnh nhi sang một số khoa khác điều trị.

 

Trẻ mắc bệnh hô hấp “ùn ùn” nhập viện

 

Số trẻ nhập viện tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) những ngày gần đây nhiều đến mức trưởng khoa hô hấp phải xin sự hỗ trợ của ban giám đốc bệnh viện, để chuyển bệnh nhi sang một số khoa khác điều trị.

 

 

 

 

Trẻ mắc bệnh hô hấp “ùn ùn” nhập viện
Các bé điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đang phải nằm chen chúc trên giường bệnh – Ảnh: HỮU THUẬN

Trưa 27-7, dù được hai khoa khác trong bệnh viện hỗ trợ điều trị bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nhưng tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn đông nghẹt người.

4-6 trẻ một giường bệnh

Chỉ trẻ nằm trong phòng cấp cứu của khoa mới được nằm riêng một giường, các giường còn lại thường phải nằm ghép từ 4-6 trẻ. Khoa chỉ có 100 giường bệnh nhưng số trẻ nằm điều trị có ngày lên đến 464 trẻ, tăng gấp đôi so với những ngày bình thường. Tại phòng 305, có nhiều trẻ 2-3 tháng tuổi đang nằm điều trị nhưng vẫn được xếp 4-6 trẻ/giường.

Một bà mẹ than: “Cho trẻ nằm ngang, chúng tôi cũng chỉ xếp được bốn bé nằm một giường, hai bé còn lại ba mẹ phải tìm chỗ nằm ở hành lang”.

Ngồi chăm cháu ngoại mắc bệnh viêm phổi, bà Phúc (60 tuổi, ở Bình Thuận) kể cháu ngoại bà nhập viện từ bốn ngày nay là cả bốn ngày bà không có chỗ nằm để ngả lưng. Tối 26-7, trời mưa nên các trẻ nằm ở hành lang được ba mẹ bồng vào phòng trú mưa làm phòng bệnh càng đông người.

Cũng như bà Phúc, nhiều bà mẹ từ các tỉnh khác như Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau… khi thấy con cháu bị bệnh là đưa lên ngay Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị.

Khi hỏi sao không để trẻ ở tỉnh điều trị, một số bà mẹ trả lời đã quen chữa bệnh ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, một số ông bố bà mẹ thừa nhận không tin tưởng cơ sở y tế tuyến dưới.

Mới vào mùa,
 bệnh đã tăng

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, tỏ ra lo ngại khi mới vào đầu mùa của bệnh hô hấp nhưng số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện đã tăng cao như vậy. Ngày thứ hai (25-7), số trẻ nằm điều trị tại khoa hô hấp đã lên đến 464 em. Sáng 26-7, khoa lại có hơn 80 trẻ tiếp tục nhập viện.

Thấy bệnh nhi nhập viện đông quá, bác sĩ trưởng khoa đã báo cáo ngay với ban giám đốc bệnh viện và phòng kế hoạch tổng hợp để được hỗ trợ điều phối. Sau đó, những bệnh nhi mắc bệnh hô hấp không nặng quá được chuyển sang những khoa nhận bệnh nội tổng quát. Nhờ vậy, ngày 26-7 khoa còn 398 bệnh nhi nằm điều trị trong ngày. Những bệnh nhi này mắc bệnh viêm phổi, viêm phổi phế quản, hen suyễn.

Nguyên nhân khiến số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng cao, theo bác sĩ Anh Tuấn, ngoài yếu tố thời tiết, còn những nguyên nhân khác như dân số tăng, phương tiện giao thông đi lại thuận lợi, niềm tin với các tuyến y tế cơ sở chưa được tốt.

Thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy có tới 60% bệnh nhi nội trú là từ các tỉnh chuyển lên, trong khi đó bác sĩ Anh Tuấn cho rằng đa số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp có thể điều trị được ở dưới tuyến tỉnh.

Tương tự, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, quyền trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cũng cho biết số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tăng. Trong ngày 27-7, số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa hô hấp là 388 trẻ.

Để phòng bệnh

Trẻ mắc bệnh hô hấp mới đầu thường ho, có thể kèm theo sổ mũi, sốt… (triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên). Khoảng 70% trẻ mắc bệnh sẽ khỏi bệnh, số còn lại có thể bị viêm đường hô hấp dưới như xuống phổi gây viêm phổi, ở trẻ dưới 2 tuổi gây viêm tiểu phế quản, viêm phế quản…

Trước đây, nhiều người nghĩ viêm phổi, viêm tiểu phế quản khi điều trị khỏi xong sẽ không để lại hậu quả. Thế nhưng, gần đây nhiều công trình nghiên cứu cho thấy khoảng 50% trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ diễn tiến thành hen suyễn dù gia đình trẻ không ai mắc bệnh dị ứng hay hen suyễn. Đặc biệt, viêm tiểu phế quản càng nặng thì tỉ lệ trẻ chuyển qua bệnh hen suyễn càng cao.

Ngoài ra, theo y văn mới nhất của chuyên ngành nhi, 50% các trường hợp viêm phổi nặng phải nhập viện sẽ chuyển thành suyễn.

Để phòng bệnh hô hấp, các bậc cha mẹ cần tránh để tác động xấu từ bên ngoài vào trẻ như tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ. Sử dụng máy lạnh, quạt máy hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ, để nhiệt độ máy lạnh ở mức 27 độ C… Không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn mắc bệnh, dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi thông thường.

Người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên vì rửa tay được chứng minh là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, ăn nhiều hoa quả, rau xanh để tăng cường vitamin, tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu có điều kiện nên chủng ngừa phế cầu cho trẻ vì cũng giảm được nguy cơ viêm phổi.

Bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết tăng

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, quyền trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ngoài số trẻ mắc bệnh hô hấp, số trẻ mắc bệnh tiêu chảy và sốt xuất huyết nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tăng trong những ngày gần đây.

THUỲ DƯƠNG ([email protected])