Đề xuất ‘bắt vít’ giữ đảo đá ở Hạ Long
Theo một số chuyên gia địa chất, nhiều đảo đá trên vịnh Hạ Long cần được nghiên cứu tìm ra biện pháp neo giữ để khỏi sạt lở như hòn Thiên Nga mới đây.
Đề xuất ‘bắt vít’ giữ đảo đá ở Hạ Long
Theo một số chuyên gia địa chất, nhiều đảo đá trên vịnh Hạ Long cần được nghiên cứu tìm ra biện pháp neo giữ để khỏi sạt lở như hòn Thiên Nga mới đây.
Đã cảnh báo, Thiên Nga vẫn mất đầu
Những tấm ảnh chụp hòn Thiên Nga trên vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh bị sạt lở vẫn đang được nhiều người chia sẻ và gọi là “Thiên Nga cụt đầu”. Công chúng bất ngờ, nhưng các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên – Môi trường thì không. “Chúng tôi đã khảo sát hòn Thiên Nga rất chi tiết, đo vẽ từng hệ thống nứt, thế nằm của đá và cả đới xung yếu trên toàn bộ hòn Thiên Nga. Chúng tôi cũng xác định nguy cơ trượt bằng, trược nêm và đổ lở trên đảo”, Th.S Đỗ Thị Yến Ngọc nói.
Th.S Hồ Tiến Chung, người từng nghiên cứu đảo đá này tới từng chi tiết, cho biết Thiên Nga được cấu tạo bằng đá vôi, phân lớp mỏng, mỗi lớp từ 10 – 20 cm xếp chồng lên nhau. Các đĩa này lại bị xếp nghiêng. Hằng ngày, nước biển, gió và cả rễ cây tác động vào giữa các đĩa. Chẳng hạn, nước biển phong hóa làm thành sét giữa các lớp đĩa này. “Đến lúc nào đó độ nhám của bề mặt giảm dần, sét được nhét vào giữa các lớp đĩa nhiều lên, cộng với tác động của nước của gió, của rễ cây ăn vào sẽ làm hai lớp đĩa rời ra”, ông Chung giải thích. Ông cũng cho biết, quá trình này hoàn toàn do tự nhiên, chứ không phải lỗi của con người.
Bà Yến Ngọc cũng cho biết, sau khảo sát, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo hòn Thiên Nga có thể trượt đổ. Cảnh báo chỉ không nói cụ thể thời điểm trượt do điều đó còn phụ thuộc vào các yếu tố ngoại sinh như gió, mưa, bão. “Cũng đã đưa ra giải pháp địa kỹ thuật để xử lý như là neo đá nhằm gia cố các khối. Đấy là đề xuất của đề tài nghiên cứu các quá trình địa chất, địa động lực hiện đại phục vụ quan trắc biến động các hang động và đảo trên vịnh Hạ Long”, bà Yến Ngọc cho biết.
Khoan, bắt vít chống sạt lở ?
Nghiên cứu hòn Thiên Nga nằm trong một dự án khoa học do Viện nghiên cứu địa chất – khoáng sản thực hiện. Th.S Hồ Tiến Chung cho biết viện đã thực hiện một nghiên cứu trong thời gian 2 năm, công bố năm 2012 về khả năng sạt lở địa động lực cho 11 hòn chính trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Trong đó, không chỉ có hòn Thiên Nga mà còn hòn Trống Mái, hòn Ba Trái Đào, hòn Đầu Người, hòn Con Chó… những đảo đá góp phần tạo nên vẻ kỳ ảo, sống động cho hai vịnh này. “Báo cáo mô tả kỹ 11 hòn đó được bàn giao cho địa phương năm 2012. Trong đó có nêu rõ các bất ổn định địa chất của các hòn đảo trên vịnh Hạ Long như: hòn nào bị ăn, hòn nào nhạy cảm dễ bị nguy cơ vỡ, sụt lở. Đây đều là những hòn đảo nổi tiếng”, bà Yến Ngọc cho biết.
Theo ông Chung, các nhóm giải pháp đã được đưa ra. Tuy nhiên, “Chi tiết cho từng hòn thì chưa đưa ra giải pháp. Mỗi hòn có một đặc thù riêng và phải tính toán cụ thể”, ông nói. Chẳng hạn, giải pháp dựng giàn xếp đá có thể có tác dụng với chân hòn đảo có các ngấn ăn mòn vào. Việc dùng đá hoặc vành khuyên có thể ngăn tác động vào chân đảo, giảm phần nào tốc độ ăn mòn của nước.
Hồi 2013, một hòn đảo trên vịnh này cũng đã sạt lở. Đó là hòn 649, nằm ở khu vực làng chài Cống Tàu, vị trí giữa Trung tâm 3 và Trung tâm 4 của Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Điều này đúng như chia sẻ của PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản: “Thực ra có nhiều hòn có nguy cơ sạt lở, có hòn đã lở nhưng nó không nổi tiếng bằng hòn Thiên Nga nên nhiều người không để ý”.
Với hòn Thiên Nga, theo ông Văn, có thể khoan và “bắt vít” để đảo đá này không sạt lở. Ông Chung cũng cho rằng, với hòn Thiên Nga, hoàn toàn có thể cứu được. “Tất cả đều có giải pháp, chỉ là quyết tâm làm hay không và kinh phí đến đâu. Nên phải có nhiều ban bệ ngồi với nhau. Nhiều ngành có nghiên cứu sâu, đảm bảo cho từng chi tiết”, ông nói.
Vịnh Hạ Long được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ là một tác phẩm thiên nhiên hoành tráng và huyền ảo. Nó còn được UNESCO ghi danh lần thứ hai về giá trị địa chất lịch sử, đặc biệt là địa mạo karst đá vôi, hang động và biển trời.
Nguy cơ sạt lở rất cao
Ông Nguyễn Công Thái, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết tình trạng sạt, trượt, lở núi là hoạt động rất thường xuyên trên vịnh Hạ Long, vì trong lòng vịnh vẫn âm thầm diễn ra các vận động địa chất. Công tác dự báo vẫn được ban quản lý vịnh thường xuyên tiến hành, nhưng chủ yếu là để cảnh báo nguy hiểm cho du khách. Việc bảo tồn các hòn đảo đó là rất khó khăn, phức tạp vì là vận động của tự nhiên, rất khó can thiệp. “Sắp tới, để bảo tồn các hòn đảo này, có thể phải tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các chuyên gia”, ông nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL cho biết, theo luật, nếu muốn can thiệp vào di sản vịnh Hạ Long, địa phương cần xin phép cơ quan quản lý di sản là cục của ông.
Bích Ngọc – Trinh Nguyễn
|
Trinh Nguyễn