24/01/2025

Xe chạy ngày càng “rùa bò”

Tốc độ xe chạy ở các tuyến đường trong nội thành TP.HCM ngày càng chậm, làm việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân kéo dài hơn.

 

Xe chạy ngày càng “rùa bò”

 

 Tốc độ xe chạy ở các tuyến đường trong nội thành TP.HCM ngày càng chậm, làm việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân kéo dài hơn.

 

 

 

Xe chạy ngày càng “rùa bò”
Xe chạy chen cứng trên đường Cộng Hòa – Ảnh: HỮU KHOA

Từ 7g, đi trên đường Cộng Hòa đoạn từ đường Trường Chinh hướng về trung tâm TP.HCM, dòng xe máy và ôtô nườm nượp chen kín. Chúng tôi ghi nhận kim trên đồng hồ xe máy khoảng 20 km/h. Thế nhưng từ Trường Chinh đến Lăng Cha Cả, dòng xe phải dừng lại nhiều đoạn vì đèn tín hiệu giao thông, trừ đoạn qua cầu vượt Hoàng Hoa Thám.

Thậm chí có lúc phải chờ qua 2 lần đèn đỏ, dòng xe mới được chạy tiếp. Vì vậy, tốc độ bình quân trên đoạn đường này chỉ còn khoảng 9 km/h. Theo Trung tâm giám sát giao thông TP.HCM, nếu so với cách nay 6 năm, tốc độ xe lưu thông trên đoạn đường này đã giảm khoảng 5,3 km/h.

“Rùa bò”

Tương tự, đi trên đường Võ Văn Kiệt từ chợ Bến Thành – đường Phó Đức Chính hướng ra cửa ngõ miền Tây hoặc ngược lại, nhiều người không còn thấy con đường “giao thông xanh” này rộng rãi và thông thoáng như năm 2010 khi mới đưa vào sử dụng. Con đường đẹp bên cạnh dòng kênh Tàu Hủ, Bến Nghé dài 13,7km cho 8-10 làn xe bây giờ trở nên chật hẹp vì lượng xe quá đông, nhất là xe máy.

Đơn vị quản lý đường đã thu hẹp làn ôtô để mở rộng thêm làn đường cho xe máy, nhưng tốc độ xe vẫn giảm hơn trước rất nhiều. Lúc 7g sáng tốc độ xe bình quân 51 km/h, nhưng đến 8g còn 46 km/h, đến 16g còn 21 km/h và đến 18g tốc độ mới tăng lên 37 km/h. Tốc độ xe chạy trên đường này đã giảm 10 – 20 km/h so với cách đây 6 năm.

Ông Trần Chí Chung, giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn – đơn vị quản lý giám sát đèn tín hiệu giao thông và camera giao thông ở TP.HCM, cho biết tốc độ lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt giảm so với trước đây.

Lý do: ít xe chạy trên đường ngang (có 14 đường ngang có đèn tín hiệu giao thông). Hiện nay lượng xe trên đường ngang tăng vọt, nên đơn vị này đã điều chỉnh chu kỳ đèn xanh trên đường Võ Văn Kiệt trước đây 70 giây nay còn 50 giây để giải phóng nhanh xe chạy trên đường ngang.

Theo ông Chung, nhìn chung tốc độ xe trên đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Tôn Đức Thắng, Hùng Vương, Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường vành đai quốc lộ 1 đoạn từ Thủ Đức đến An Lạc (huyện Bình Chánh) cũng giảm nhiều so với năm 2010, nhiều đoạn phải chạy chậm như “rùa bò”.

Nguyên nhân chính là lượng xe đưa vào lưu thông tăng vọt, trong khi cơ sở hạ tầng được xây dựng mới chưa đáp ứng.

Cầu vượt, hầm chui

Theo các đơn vị tư vấn, tốc độ xe lưu thông ở TP.HCM giảm là do các giao lộ được xây dựng bằng mức (xe chạy trên mặt đường) nên xảy ra kẹt xe. Vì vậy, để tăng tốc độ xe cần có giải pháp xây dựng các nút giao thông khác mức (cầu vượt, hầm chui).

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 3 – TP.HCM, dự kiến trong năm 2016 sẽ xây hầm chui ở nút giao thông An Sương (Q.12, Hóc Môn). Với công trình này tốc độ lưu thông trên đường Trường Chinh sẽ được cải thiện vì xóa được một điểm ùn tắc giao thông ở nút giao thông đông đúc này.

Tương tự, để giải quyết tình trạng kẹt xe triền miên trên đường Mai Chí Thọ, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 – TP.HCM đã triển khai thi công nút giao thông Mỹ Thuỷ (đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Q.2) vào tháng 6-2016. Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 2, Sở GTVT đã có kế hoạch xây nút giao thông An Phú (Q.2).

Việc xây dựng nút giao thông khác mức gặp trở ngại vì vốn đầu tư lớn, trong đó kinh phí đền bù giải toả lớn. Thế nhưng với tốc độ lượng xe đưa vào lưu thông vẫn tiếp tục tăng mạnh, nếu không đầu tư thì tốc độ xe ở TP.HCM còn tiếp tục giảm.

Mới đây tại cuộc hội thảo về các giải pháp giao thông ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị TP.HCM cần thực hiện đúng quy hoạch về giao thông vận tải là xây dựng các công trình cầu vượt, hầm chui và làm đường trên cao.

Hướng đến ITS

Liệu có giải pháp nào để tăng tốc độ xe lưu thông ở TP.HCM? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Chí Chung cho rằng cần một bài toán tổng thể như đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức lại giao thông…

Trong đó, xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thông minh (ITS) sẽ là giải pháp giúp xe chạy nhanh hơn. Bởi vì ITS sẽ tối ưu hoá trong việc khai thác hạ tầng giao thông hiện hữu, trong khi chưa có vốn đầu tư hạ tầng giao thông.

Trung tâm giám sát giao thông TP.HCM đặt tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã ứng dụng ITS quản lý hệ thống 300 camera và điều khiển đèn tín hiệu giao thông trên đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ (Q.2).

Ông Chung cho biết hiện nay các nhân viên trung tâm giám sát giao thông trực 24/24 giờ trên màn hình và đã lập trình nhiều phương án điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông nhằm giải quyết ùn tắc tại các giao lộ trên góp phần tăng tốc độ xe trên đường.

Hiệu quả là giảm kẹt xe ở nút giao thông An Phú (đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của và đường dẫn vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Q.2) và nút giao thông Cát Lái (đường Mai Chí Thọ – xa lộ Hà Nội, Q.2).

Theo Sở GTVT, cần phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, trong đó đẩy nhanh xây dựng hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển để giảm thời gian ùn tắc giao thông, kết nối hệ thống điều khiển, giám sát giao thông trong năm 2016 và tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng hoàn thành trung tâm điều khiển giao thông thông minh trước năm 2020.

Mới đây tại cuộc hội thảo về mô hình phát triển trung tâm điều hành ITS, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho rằng sẽ tiếp thu ý kiến các nhà khoa học để hình thành trung tâm ITS hiện đại.

Thêm 5 cầu vượt đi bộ

Theo lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 1 – TP.HCM, cầu vượt cho người đi bộ tại Bệnh viện Bình Dân, Q.3 với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7-2016. Đồng thời, đơn vị này đang triển khai thiết kế cầu vượt đi bộ trên đường Hoàng Minh Giám tại công viên Gia Định, Q.Gò Vấp và Phú Nhuận, dự kiến sẽ thi công trong năm nay.

Ông Ngô Hải Đường, trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong năm 2016 sẽ xây thêm các cầu vượt trên đường Điện Biên Phủ phía trước Trường đại học Kỹ thuật công nghệ cơ sở 1, Q.Bình Thạnh và cầu vượt đi bộ trên quốc lộ 1 trước Đại học Kinh tế luật, Q.Thủ Đức.

Đồng thời, Sở GTVT cũng đang thực hiện các thủ tục xây cầu bộ hành hữu nghị do New Zealand tài trợ trên đường Điện Biên Phủ phía trước Đại học quốc tế Hồng Bàng, Q.Bình Thạnh.

NGỌC ẨN ([email protected])