24/01/2025

Mổ nhầm và cái vòng luẩn quẩn

Dư luận có thể bức xúc sau một sơ suất, tắc trách của người mặc áo blouse vài ngày, vài tháng. Nhưng đáng sợ nhất là khi nỗi bức xúc này biến thành sự thờ ơ và với nhiều người nó “không còn gì là lạ”.

 

Mổ nhầm và cái vòng luẩn quẩn

 

Dư luận có thể bức xúc sau một sơ suất, tắc trách của người mặc áo blouse vài ngày, vài tháng. Nhưng đáng sợ nhất là khi nỗi bức xúc này biến thành sự thờ ơ và với nhiều người nó “không còn gì là lạ”. 

 

 

 

Câu chuyện bệnh nhân liệt chân trái, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức – 1 trong 5 bệnh viện xếp hạng đặc biệt của Việt Nam – đã mổ nhầm sang chân phải đang làm nóng dư luận. 

Hầu hết là sự bức xúc, xen khó hiểu, vì sự cố này không xảy ra ở bệnh viện tuyến phường xã hay ở vùng sâu, vùng xa – vốn dĩ vẫn thỉnh thoảng làm xã hội âu lo khi để xảy ra những “nhầm lẫn” tai hại…

“Tấm bùa hộ mạng” được nhiều bệnh viện đưa ra trong các sai sót thường là: quá tải bệnh viện nếu là bệnh viện lớn, hoặc trình độ chuyên môn của bác sĩ còn hạn chế nếu ở vùng sâu vùng xa. Riêng ở ca mổ nhầm chân của Bệnh viện Việt Đức, theo lời người có trách nhiệm tại cuộc họp báo sáng 20-7, “đây chỉ là sai sót hi hữu mang tính cá nhân”.

Nhưng dẫu nguyên nhân gì thì người bệnh vẫn phải chịu tổn thất không thể đền bù bằng vật chất.

Còn khi chưa tới mức chịu hậu quả từ sơ suất của người thầy thuốc, thì trải nghiệm khám chữa bệnh tại bệnh viện cũng rất khó quên với người bệnh khi chịu đựng những lời nói trống không, thái độ “hạch sách”, nằm ghép giường – nằm hành lang…

Bộ Y tế từ lâu có hẳn bộ tiêu chí chấm điểm bệnh viện và dành một phần nhấn mạnh đến các tiêu chí hướng đến người bệnh, trong đó quy định rõ từ việc đón tiếp, hướng dẫn người bệnh ra sao cho đến quyền và lợi ích của người bệnh, môi trường chăm sóc người bệnh như thế nào… Song, dường như nhiều tiêu chí đó chỉ tồn tại trên văn bản.

Cách đây không lâu, tại một hội nghị về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế tư nhân do Bảo hiểm xã hội VN và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân VN tổ chức, giám đốc một bệnh viện tư nhân bày tỏ có một nghịch lý đang diễn ra giữa bệnh viện công và bệnh viện tư.

Bệnh viện công thích quá tải, tìm mọi cách để quá tải. Trong khi đó non một nửa bệnh viện tư đang sống thoi thóp dù có vốn đầu tư 500 – 700 tỉ đồng, hàng ngàn tỉ đồng.

Nghịch lý này không chỉ là một tiếng nói lẻ loi từ phía các bệnh viện tư, mà nó được cả những quan chức cao cấp tham gia hội nghị này cũng thừa nhận.

Vậy thì bệnh viện công cứ đổ thừa do quá tải mà xảy ra sơ suất, chất lượng dịch vụ kém thì câu chuyện nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện công không có lối ra. Cũng như vòng luẩn quẩn bác sĩ giỏi không muốn về vùng sâu vùng xa, phải chấp nhận chuyện vừa làm vừa đào tạo để có lúc xảy ra hậu quả đáng tiếc do yếu chuyên môn sẽ không thể giải quyết được.

Dư luận có thể bức xúc sau một sơ suất, tắc trách của người mặc áo blouse vài ngày, thậm chí vài tháng. Nhưng đáng sợ nhất là khi nỗi bức xúc trở thành sự thờ ơ nếu các sơ suất, tai biến này vẫn xuất hiện, khiến nhiều người cho rằng “không còn gì lạ”.

Bức tranh đó có u ám quá không? Lời giải cho đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh đi đôi với chất lượng dịch vụ sẽ do ai trả lời?

Hẳn ai cũng mong đợi lời giải đó xuất phát từ người có trái tim nóng, biết bức xúc trước bức xúc của bệnh nhân, sẽ đặt mình vào vai người bệnh để mưu cầu điều đơn giản: đi khám chữa bệnh là để lành bệnh và thấy an vui khi chuyện trò cùng người mặc áo blouse.

BÍCH DẬU