25/12/2024

Ca mổ nhầm chân: do không theo quy trình?

Ca mổ chân trái nhầm sang chân phải cho bệnh nhân Trần Văn T. (37 tuổi, ở Ứng Hoà, Hà Nội) được ông Trần Bình Giang, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đánh giá là hi hữu, trong khi quy trình phẫu thuật bộc lộ nhiều sơ hở và không thực hiện đủ các bước…

 

Ca mổ nhầm chân: do không theo quy trình?

 

Ca mổ chân trái nhầm sang chân phải cho bệnh nhân Trần Văn T. (37 tuổi, ở Ứng Hoà, Hà Nội) được ông Trần Bình Giang, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đánh giá là hi hữu, trong khi quy trình phẫu thuật bộc lộ nhiều sơ hở và không thực hiện đủ các bước…

 

 

 

 

Ca mổ nhầm chân: do không theo quy trình?
Bệnh viện gặp báo chí sáng 20-7, ông Trần Bình Giang, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức – áo trắng ở giữa ảnh, ngồi bên cạnh là anh trai bệnh nhân – Ảnh: THUÝ ANH

Sai quy trình 3 bước

Theo bảng kiểm an toàn phẫu thuật Bệnh viện Việt Đức đang áp dụng, bệnh nhân vào mổ sẽ được “5 tra 3 đối” theo quy trình 3 bước trước gây mê, trước khi rạch da và trước khi rời phòng mổ. Trong đó, trước gây mê, thành viên kíp mổ phải kiểm tra lần cuối về tên bệnh nhân, vị trí mổ, phương pháp mổ, giấy đồng ý phẫu thuật của gia đình bệnh nhân, đánh dấu vết mổ.

Đồng thời kiểm tra lại người bệnh có tiền sử dị ứng kháng sinh, nếu có nguy cơ sặc thì có đầy đủ thiết bị hỗ trợ không, thuốc và thiết bị gây mê sẵn sàng chưa, có nguy cơ mất trên 500ml máu trong ca mổ hay không và nếu có đã chuẩn bị sẵn máu để truyền hay chưa?

Nếu so sánh với bảng kiểm này, ca mổ nhầm chân phải thay vì chân trái cho bệnh nhân Trần Văn T. tại khoa chấn thương chỉnh hình 3, Bệnh viện Việt Đức trưa 19-7 thuộc nhóm không theo quy trình. Trong đó việc đánh dấu vết mổ chưa được thực hiện. Chưa kể theo thông tin từ bệnh viện, việc kiểm tra lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trước mổ cũng không được thực hiện.

Theo ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, lẽ ra bác sĩ điều trị và phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê cũng phải bàn giao thông tin bệnh nhân, để phẫu thuật viên nắm được tình trạng bệnh nhân và bác sĩ gây mê tiên lượng phương pháp, thời gian gây mê.

Nhầm lẫn đáng tiếc

Ông Trần Bình Giang đánh giá ca mổ nhầm này là sai sót hi hữu, mang tính cá nhân. Bệnh viện đã thành lập hội đồng chuyên môn rà soát lại toàn bộ quy trình chẩn đoán, chuẩn bị mổ, quy trình phẫu thuật.

Tuy nhiên điều gây bức xúc là ca phẫu thuật cho bệnh nhân T. được đánh giá là phẫu thuật thường quy, được thực hiện nhiều năm ở Bệnh viện Việt Đức, không phải ca mổ khó. Chưa kể, Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam!

Lý giải điều này, theo bệnh viện, các thành viên kíp mổ có liên quan chịu áp lực công việc quá lớn do bệnh nhân đông (tính chung mỗi năm bệnh viện mổ 150.000 ca, trung bình mỗi ngày trên 400 ca), phẫu thuật viên còn kiêm nhiệm giảng dạy tại ĐH Y Hà Nội. Cũng do uy tín chuyên môn, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức còn được mời đi phẫu thuật tại nhiều bệnh viện hạng sang khắp nước và tham gia đào tạo cho tuyến dưới. Với quá nhiều công việc cùng lúc, sai sót đã xảy ra.

Dù Bệnh viện Việt Đức và gia đình bệnh nhân T. đã thống nhất cơ bản về việc hỗ trợ bệnh nhân sau ca mổ nhầm (miễn viện phí, chăm sóc sau mổ vào loại tốt nhất, chịu trách nhiệm theo dõi cho bệnh nhân về lâu dài), nhưng chuyện đáng tiếc này đáng lý không được xảy ra, nhất là khi Bệnh viện Việt Đức là cơ sở đầu tiên thí điểm áp dụng quy trình chuẩn bị bệnh nhân và mẫu quy trình an toàn phẫu thuật của Tổ chức Y tế thế giới!

Kỷ luật cảnh cáo bác sĩ mổ nhầm tay

Chiều 20-7, ông Hoàng Văn Hảo, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An đã có báo cáo hình thức kỷ luật bác sĩ và êkip “mổ nhầm tay bệnh nhân”.

Theo đó, bác sĩ Trần Văn Tuấn (người thực hiện ca mổ) bị kỷ luật với hình thức “cảnh cáo trước toàn bệnh viện, đình chỉ hoạt động trong vòng một tháng và phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nếu có di chứng do cuộc phẫu thuật gây ra”.

Như Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 16-6 bác sĩ Tuấn phẫu thuật lấy đinh ở tay phải cho bệnh nhân P.T.L. (sinh năm 2010, Hà Tĩnh). Bác sĩ Tuấn rạch 1,5cm da ở tay trái bệnh nhân, do không nhìn thấy đinh nên khâu vết mổ lại và chuyển sang phẫu thuật rút đinh ở cẳng tay phải cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng cho gia đình bệnh nhân.

HỒ VĂN

LAN ANH