Tranh đấu giá ở Hồng Kông có ‘phiên bản’ tại VN
Bức tranh vẽ thiếu nữ vấn khăn ngồi trước lư hương ghi tên tác giả – hoạ sĩ Lê Văn Đệ, vị giám đốc đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn vừa được bán đấu giá tại Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong.
Tranh đấu giá ở Hồng Kông có ‘phiên bản’ tại VN
Bức tranh vẽ thiếu nữ vấn khăn ngồi trước lư hương ghi tên tác giả – hoạ sĩ Lê Văn Đệ, vị giám đốc đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn vừa được bán đấu giá tại Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong. Kỳ lạ là một bức tranh giống như vậy đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN tại Hà Nội.
Trong tạp chí Mỹ thuật (tháng 6.2016) có đăng tải hình ảnh cuộc triển lãm của phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ châu Á vào ngày 29.5.2016, trong đó có bức tranh được cho là của hoạ sĩ Lê Văn Đệ. Trên mutualart.com, một trong những trang mạng lớn nhất về thông tin và dịch vụ mua bán các tác phẩm nghệ thuật khắp nơi trên thế giới, có thông tin về việc đấu giá bức tranh tại Christie’s Hong Kong: tác giả Lê Văn Đệ, vẽ vào năm 1945, chất liệu: mực và bột màu trên lụa. Một vài tác phẩm của Lê Văn Đệ, trong đó có bức Lady of Hue đã được bán với tổng số tiền 88.518 USD tại cuộc đấu giá. Ông Jean-Francois Hubert – chuyên gia người Pháp, cũng đã có buổi nói chuyện với vai trò cố vấn mỹ thuật VN trong cuộc triển lãm của phiên đấu giá.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đã giật mình khi nhìn thấy tại phiên đấu giá bức tranh mà theo bà là “na ná” tranh của Lê Văn Đệ. “Vào những năm 1970, khi những bức tranh của các hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương vẫn còn được lưu giữ nhiều tại Hà Nội, tôi có đến một gia đình tư sản và nhìn thấy bộ tam bình (3 bức tranh) của Lê Văn Đệ, vẽ 3 quãng đời của người con gái: bức đầu tiên vẽ cô gái đứng tựa cửa sổ đan len khi còn là thiếu nữ, bức thứ hai vẽ cô ngồi trước lư hương khi lấy chồng, và bức cuối là hình ảnh cô gái đang ôm con”, bà Yến kể. Khi đó, bà đang làm việc tại Viện Nghiên cứu mỹ thuật (sau này là Bảo tàng Mỹ thuật VN), được giao nhiệm vụ đi tìm mua lại những tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương. Bà nhớ lại: “Sau một thời gian, khi tôi trở lại thì gia đình đó đã bán đi bức đầu tiên, tôi mua hai bức còn lại và hiện giờ đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN”.
Một trong hai bức tranh này là tranh giả, hay là một phiên bản khác được họa sĩ Lê Văn Đệ tự chép?
Hoạ sĩ tự chép tranh của chính mình
Những nghi vấn được đặt ra không phải là vô lý. Bởi những người trong giới mỹ thuật từng được nghe nói về việc nhiều hoạ sĩ bậc thầy VN tự chép tranh của mình. Tuy nhiên, ít người rõ thực hư việc chép tranh này như thế nào.
Bà Yến đã cho phóng viên xem tờ giấy ứng tiền của Bảo tàng Mỹ thuật VN cho họa sĩ Dương Bích Liên (50 đồng) để ông chép bức tranh Buổi chiều vàng mà ông là tác giả vào năm 1974. Bà Yến kể, vào thời kỳ đất nước chiến tranh, bảo tàng thường chọn những tác phẩm xuất sắc của các hoạ sĩ lớn như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên… thoả thuận với tác giả để họ tự chép tranh của mình. “Bảo tàng cần mang các tác phẩm đi triển lãm lưu động, nhưng vì sợ hư hỏng tác phẩm nên muốn giữ lại bản gốc, mới nhờ các hoạ sĩ chép lại thành phiên bản khác”, bà Yến cho hay.
Ngoài các triển lãm lưu động, trong trí nhớ của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, trong thời gian Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc đã có chủ trương bảo vệ những tác phẩm mỹ thuật giá trị. “Ông Nguyễn Văn Y – Viện phó Viện Nghiên cứu mỹ thuật, có sáng kiến đưa các tác phẩm lên địa điểm sơ tán an toàn ở Tuyên Quang, nhưng bên cạnh đó không được để bảo tàng “chết”. Bảo tàng phải luôn luôn mở cửa dù có bị bom. Vì thế, ông đã đưa ra quyết định là làm phiên bản của các bức tranh để trưng bày tại bảo tàng”.
Trong số những bức tranh nổi tiếng được làm phiên bản thứ 2 có bức Người đàn bà hái rau muống của Nguyễn Phan Chánh. Năm 1973, trong một lần đến gặp nhà sưu tập Nguyễn Văn Lâm (Lâm Cà phê), bà Yến đã phát hiện một bức tranh phủ bụi đặt dưới chân tường, đã bị hỏng mất phần trên, chỉ còn lại hình ảnh người phụ nữ từ phía dưới mũi trở xuống, bên dưới có ký tên: Nguyễn Phan Chánh. Nhận thấy đây là tranh quý, Viện Nghiên cứu mỹ thuật đã nhờ hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh “vá” lại bức tranh và nhờ ông chép lại một bức mới cho bảo tàng, còn bản gốc được gửi lại cho ông Lâm.
TIN LIÊN QUAN
Triển lãm Những bức tranh từ châu Âu về, trưng bày tác phẩm của các danh họa VN xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã thu hút đông đảo người xem.
Phiên bản tranh quý đi đâu?
Theo bà Nguyễn Hải Yến, những hoạ sĩ lớn khi chép tranh cho bảo tàng đã ghi phía sau bức tranh rằng đây là phiên bản thứ 2 và ký tên của mình. “Tranh phiên bản dù có giống nhưng không thể xuất sắc như bức tranh gốc”, nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo nhận xét. Ông cũng cho biết nhiều hoạ sĩ không thể tự chép tranh của mình nên cũng có trường hợp bảo tàng phải nhờ họa sĩ khác chép.
Hoạ sĩ Bùi Hoài Mai cho rằng có thể là do yếu tố lịch sử, nhưng việc sao chép tranh như vậy “chưa được nhìn nhận thấu đáo bởi bản chất của sáng tạo là duy nhất”. “Sau này, khi hoà bình rồi, việc sao chép bị cấm, các bức tranh gốc đưa về treo lại tại bảo tàng nhưng có tình trạng các bức tranh chép của các hoạ sĩ bị phát tán đi quá nhiều”, ông Nguyễn Đỗ Bảo nói. Ông Bảo cho rằng bảo tàng thoả thuận với hoạ sĩ sao chép tranh nhưng lại không quản lý tranh chép, dẫn đến việc để mất tranh, cũng có cả chuyện gia đình hoạ sĩ tự ý giữ lại bản tranh chép. Họa sĩ Bùi Hoài Mai e ngại: “Chúng ta khó biết đâu là gốc, đâu là phiên bản và những bức tranh này đã trôi dạt đi đâu”.
Việc bức tranh của Lê Văn Đệ là tranh giả hay phiên bản cần được phân tích kỹ lưỡng. Tuy nhiên, theo bà Yến, Lê Văn Đệ thường có thói quen vẽ tranh tam bình (ba tranh) hoặc nhị bình (2 tranh). Ông chỉ vẽ một bộ tam bình Thiếu nữ. Sau năm 1946, Lê Văn Đệ vào Sài Gòn, vì vậy khó có thể vẽ những bức tranh có hình ảnh theo phong cách cổ của người miền Bắc xưa.
Ngọc An