Cẩn trọng với thực phẩm tạo cơ bắp
Để có vóc dáng đẹp, nhiều bạn trẻ bên cạnh việc tập luyện thể hình đã có chế độ ăn giảm cân và dùng thêm các thực phẩm tạo cơ bắp. Nhưng sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm này có thể khiến người dùng vừa không đẹp vừa không khoẻ.
Cẩn trọng với thực phẩm tạo cơ bắp
Để có vóc dáng đẹp, nhiều bạn trẻ bên cạnh việc tập luyện thể hình đã có chế độ ăn giảm cân và dùng thêm các thực phẩm tạo cơ bắp. Nhưng sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm này có thể khiến người dùng vừa không đẹp vừa không khoẻ.
Bên cạnh luyện tập bài bản, để duy trì cơ bắp, người tập cần một chế độ ăn hợp lý theo thể trạng của mình |
Theo cảnh báo của Tổ chức MHRA (Medicines and Healthcare products Regulatory Agency) tại Anh, người dân cần thận trọng khi mua các loại thực phẩm bổ sung bất hợp pháp bởi chúng có thể chứa các thành phần nguy hiểm gây suy thận, co giật và bệnh tim.
Giảm cân bằng steroid, tạo cơ bắp với protein
Một cuộc điều tra của MHRA cho thấy 84 sản phẩm bất hợp pháp, tên gọi là “tạo năng lượng” và “tạo cơ bắp” đã được bán trên thị trường có chứa các thành phần nguy hiểm như steroid, các chất kích thích và hormone. Trong số các sản phẩm được bán rộng rãi có sản phẩm để lại hậu quả là hai người đàn ông đang nằm viện bị vàng da và tổn thương gan rất nặng.
Trong khi đó, protein là thành phần quan trọng trong chế độ ăn, là chìa khóa xây dựng và duy trì các loại mô cơ thể, gồm cả cơ bắp. Nó chứa các acid amin, tiền đề cho sự tăng trưởng cơ bắp. Nhiều sản phẩm dạng bột protein, dạng lắc hoặc viên nang được bán rộng rãi không kê toa hoặc trên mạng với lời quảng cáo: thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp của cơ thể, tăng chuyển hóa cơ bản (giúp giảm cân), tăng cường năng lượng và chống lại quá trình lão hoá.
Nhưng có bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều protein thời gian dài có thể dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương và suy thận. Ngành y tế đã khuyến cáo người lớn tránh tiêu thụ nhiều hơn gấp đôi so với lượng khuyến cáo hằng ngày (55,5g cho nam giới và 45g đối với nữ). Nên ăn thêm các loại thực phẩm giàu protein gồm thịt bò, thịt cừu và thịt lợn, gia cầm như gà, vịt, trứng, sữa, sữa chua và pho mát, đậu, đậu hũ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng để có thể hình đẹp và khỏe cần có chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh và siêng tập luyện đúng cách. Nhiều khuyến cáo được đưa ra, nhấn mạnh việc không nên tin vào các thực phẩm bổ sung trôi nổi trên thị trường, cần đọc kỹ các hướng dẫn trên nhãn và tìm các thương hiệu có uy tín và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nếu sử dụng bột protein để đạt được cơ bắp nhưng vẫn ngồi ở nhà trên ghế sofa, điều gì sẽ xảy ra?
Tác dụng phụ khi tiêu thụ nhiều protein
Sử dụng bột protein quá nhiều với mong muốn tăng cơ bắp có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Hiện nay, dạng bột sữa protein (whey protein) được phổ biến rộng rãi nhưng cũng được cảnh báo mang lại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm:
- Gây thừa cân: Bổ sung protein vào chế độ ăn tức là bổ sung calo. Khi protein dư thừa không thể được lưu trữ ở dạng ban đầu của nó trong cơ thể, nếu bạn không đốt cháy năng lượng thừa này bằng hoạt động thể chất để xây dựng cơ bắp, những calo thừa có thể sẽ chuyển đổi sang béo phì và dẫn đến sự mất cân bằng giữa chất béo và cơ bắp.
- Loãng xương: Mức độ cao của lượng protein tạo ra lượng lớn acid trong cơ thể do sự dư thừa sulphat và phosphat. Thận phải tăng cường bài tiết để khôi phục sự cân bằng của acid, đồng thời một lượng canxi cũng bị mất đi trong nước tiểu. Điều này dẫn đến việc mất canxi từ xương, mà có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và nguy cơ cao ở phụ nữ. Để khắc phục cần ăn thêm nhiều trái cây tươi và rau xanh để tăng pH kiềm. Chế độ đạm cao còn gây tổn thương cho thận và với người có tiền sử bệnh thận sẽ làm bệnh nặng thêm.
- Mất nước: Một lượng protein cao, đặc biệt là nếu bạn không ăn đủ lượng carbohydrate, có thể chuyển đổi thành cetone độc hại cho cơ thể. Thận cố gắng loại bỏ các chất này và gia tăng bài tiết nước tiểu, dẫn đến nguy cơ mất nước, đặc biệt là nếu cơ thể cũng đang mất đi rất nhiều nước thông qua mồ hôi khi tập luyện. Mất nước không chỉ tạo áp lực cho thận, mà có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim. Các tác dụng phụ không mong muốn khác như chóng mặt, hôn mê và hơi thở hôi.
- Hình thành sỏi thận: Uống quá nhiều protein có nguy cơ tạo thành sỏi và có thể làm nặng thêm ở người đang có bệnh. Để tránh điều này, khi uống protein bột nên bổ sung đủ chất xơ vào trong chế độ ăn uống. Đủ lượng chất xơ và nước sẽ giúp cơ thể bạn ngăn ngừa sự tích tụ của các muối canci có thể dẫn đến sỏi thận.
- Rối loạn đường tiêu hoá: Vì whey protein có nguồn gốc từ sữa và có chứa lactose, có thể gây hiện tượng dị ứng do không dung nạp lactose. Do đó có thể chuyển sang dùng các hình thức khác của protein như protein gạo, protein đậu nành.
- Nguy cơ bị gout: Sự hình thành các khối u do gout khi tiêu thụ lượng protein nhiều hơn so với khuyến cáo. Vì vậy cần thận trọng với người có tiền sử trong gia đình có người bị gout. Nên báo cáo rõ với bác sĩ trước khi muốn sử dụng các loại bột protein này.
Mỗi ngày chúng ta cần bao nhiêu protein? Protein không nên chiếm hơn 30% lượng calo hằng ngày, nhưng trong thực tế ít hơn nhiều so với điều này, khoảng 15%, liều đề nghị hằng ngày đối với protein là 0,8g mỗi ký trọng lượng cơ thể. Vì vậy nếu một người nặng 70kg, cơ thể sẽ cần khoảng 56g protein mỗi ngày. Một miếng bít tết trung bình chứa khoảng 42g protein, đây không phải là điều khó khăn để đạt được. |