Chuyện lạ ở Dallas
Cách đây ba tháng, vào tháng 4-2016, cảnh sát trưởng TP Dallas, sĩ quan David Brown, cùng nhiều sĩ quan cảnh sát trưởng các thành phố lớn của Mỹ có cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
NỬA THẾ KỶ THÙ HẬN SẮC TỘC – KỲ 3:
Chuyện lạ ở Dallas
Cách đây ba tháng, vào tháng 4-2016, cảnh sát trưởng TP Dallas, sĩ quan David Brown, cùng nhiều sĩ quan cảnh sát trưởng các thành phố lớn của Mỹ có cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Một người vợ mất chồng, một bé trai mất cha trong đám tang cảnh sát bị bắn ở Dallas ngày 13-7 – Ảnh: Reuters |
Tại cuộc họp, họ cam kết với lãnh đạo đất nước về việc công bố các số liệu thống kê chính xác và minh bạch về việc “sử dụng các biện pháp mạnh” ở các đơn vị do họ quản lý.
Công khai số liệu
Các số liệu của cảnh sát thành phố Dallas (bang Texas) được tiếp cận rõ ràng trên trang web này. Mọi người dân, chỉ cần vài cú nhấp chuột, đều có thể biết được số liệu về những lần nổ súng, thậm chí bắn bao nhiêu phát của từng sĩ quan cảnh sát trong 12 năm gần nhất.
Trang web thống kê này là một phần trong ý muốn của Tổng thống Obama giúp cho hình ảnh của lực lượng chấp pháp Mỹ trở nên minh bạch hơn trong mắt người dân và thế giới.
Cũng cần biết là trước khi có trang này, người ta không thể biết được đầy đủ và chính xác về các dữ liệu liên quan số người dân Mỹ bị cảnh sát bắn chết vì cấu trúc của cảnh sát Mỹ là độc lập với nhau ở các địa phương.
Vì thế lúc trước, các tổ chức phi chính phủ lưu tâm đến vấn đề lạm dụng bạo lực của cảnh sát hoặc các đơn vị truyền thông thường chỉ công bố số thống kê theo kiểu đếm thủ công từ thông tin trên các phương tiện truyền thông, qua các tuyên bố của cảnh sát và mạng xã hội.
Số liệu công bố từ tháng 4 vừa qua cho thấy cảnh sát Dallas đã sử dụng vũ lực 2.200 lần trong năm 2015 và trong số này có 11 lần nổ súng. Phần lớn các trường hợp còn lại họ có rút súng thị uy nhưng không nổ súng hoặc chỉ sử dụng súng bắn xung điện taser, dùi cui tonfa, lựu đạn cay hoặc tiếp cận quật ngã còng tay đối tượng.
Chính đại diện của phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng đáng kể) nhìn nhận Sở cảnh sát Dallas đang hoạt động tốt: số liệu minh bạch, tiếp cận dân chúng tốt và cách đáp trả cũng có mức độ.
Ngay như luật sư Carlyle Holder, đại diện của National Association of Blacks in Criminal Justice (một hiệp hội các luật sư da màu) tại bang Texas, đã xác nhận với tờ Corpus Christi Caller-Times: “Chúng tôi vẫn thường bảo nhau rằng cách hành xử ở Sở cảnh sát Dallas là một ví dụ tốt cần được nhân rộng xét về mặt căng thẳng sắc tộc. Vì thế chuyện nổ súng nhằm tiêu diệt cảnh sát ở Dallas là việc khó có thể lý giải”.
Càng khó hiểu, càng đáng lo
Thật ra trước đây tình hình ở Dallas khá tệ hại về chuyện bạo lực. Quan hệ giữa cảnh sát với người dân khá căng thẳng và hai bên luôn thiếu niềm tin vào nhau. Đỉnh điểm là vụ việc sử dụng bạo lực quá mức xảy ra vào tháng 7-2012 khi nổ ra những cuộc xung đột giữa người da màu và cảnh sát.
Đó là vụ một sĩ quan cảnh sát da trắng bắn vào lưng nghi can James Harper, 31 tuổi, khiến người này thiệt mạng. Thật ra Harper đã không tuân lệnh cảnh sát và bỏ chạy nên bị rượt đuổi và bị bắn. Vấn đề là Harper là một người da đen.
Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra khắp thành phố Dallas. Đã có những dấu hiệu xung đột lên đến mức căng thẳng nhưng may mắn là bạo lực đã không xảy ra.
Sĩ quan cảnh sát bắn Harper, ông Brian Rowden, đã bị khởi tố và đưa ra tòa nhưng cuối cùng được hội thẩm nhân dân tuyên trắng án.
Sau mùa hè nóng bỏng vì biểu tình đó, cảnh sát trưởng David Brown đã viết một văn bản dài thông qua trang Facebook của Sở cảnh sát Dallas để giãi bày với người dân về tình hình và cam kết thay đổi triệt để cách tiếp cận để lấy lại niềm tin của người dân.
Hồi năm 2012, cảnh sát Dallas từng phải nổ súng giết hại 10 người nhưng cho đến sáu tháng đầu năm nay thì chỉ xảy ra một trường hợp. Và cũng tính từ năm 2012, số vụ nổ súng từ phía cảnh sát Dallas đã giảm dần từng năm.
Trong cuộc họp báo vừa qua, thị trưởng Dallas, ông Mike Rowlings, giải thích: “Cảnh sát Dallas đã đi đầu trong số các thành phố lớn về việc giảm leo thang bạo lực khi thi hành nhiệm vụ. Năm 2016 này chúng tôi cũng đi đầu trong phương cách tiếp cận gần với dân. Xét về cơ số đạn mỗi cảnh sát bắn ra, cảnh sát Dallas có mức thấp nhất ở Mỹ”.
Các số liệu đã chứng minh cho cụm từ “giảm leo thang bạo lực” mà cảnh sát Mỹ thường dùng hiện nay. Năm 2009 ghi nhận 147 trường hợp kiện cáo của người dân về tình trạng bạo lực của cảnh sát và trong sáu tháng đầu năm 2016 con số này giảm chỉ còn bốn.
Ở nhiều thành phố lớn khác của Mỹ, số đơn kiện cáo của người dân liên quan hành vi bạo lực của cảnh sát đều giảm nhưng số giảm ở Dallas là cao nhất, đến 64%.
Tuy nhiên trong giới cảnh sát thì lại cho rằng thành tích của Sở cảnh sát Dallas chưa hẳn đã tốt đẹp như mọi người nhìn thấy qua các con số. Chẳng hạn đã có 150 cảnh sát bỏ việc ở nơi này vì không chấp nhận kiểu cải tổ của chính quyền thành phố và không nhiều người chấp nhận về làm việc ở nơi này. Vì lẽ đó Sở cảnh sát Dallas đã phải đăng tuyển lực lượng bổ sung từ những thành phố khác.
Điều khó hiểu ở đây là chính lực lượng cảnh sát Mỹ nói chung cũng đang được huấn luyện hành xử theo hướng giảm thiểu bạo lực. Trước sự kiện Ferguson (năm 2014), cảnh sát Mỹ chủ yếu được huấn luyện để phản ứng với những vụ (có thể) giết nhiều người: họ phải phản ứng nhanh, phát hiện tức thời kẻ nổ súng và ngăn chặn mối đe dọa lập tức bằng bất kỳ phương cách nào.
Sau sự kiện Ferguson, lực lượng chấp pháp ở Mỹ bắt đầu lưu tâm nhiều hơn đến các chương trình huấn luyện giúp giảm thiểu bạo lực. Họ sử dụng súng taser thay vì súng bắn đạn hoặc kiểu kẹp cổ trấn áp đối tượng vốn từng khiến đối tượng Eric Gardner chết vì nghẹt thở ở New York hồi năm 2014.
Vậy mà theo số liệu của Tổ chức Officer Down Memorial Page tính từ đầu năm đến nay, đã có 57 sĩ quan cảnh sát Mỹ thiệt mạng khi thi hành công vụ.
Dường như ở nước Mỹ, ẩn ngay dưới những đổi thay bề mặt là những sóng ngầm mạnh mẽ của hằn thù sắc tộc. Nó chỉ cần chờ một mồi lửa để bùng cháy…
Vấn đề sắc tộc dấy lên vì ông Obama? Nhà nghiên cứu chính trị Nicole Bacharan, một chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu xã hội Mỹ, nhận định việc người dân Mỹ đã bầu được ông Barack Obama làm tổng thống cho thấy đây không phải là một đất nước có nhiều người phân biệt chủng tộc. Nhưng chính việc bầu chọn vị tổng thống da màu này đã làm dấy lên trở lại những vấn đề sắc tộc. “Chúng ta chưa từng thấy nhiều phong trào mang tính phân biệt chủng tộc đến vậy và nhiều phong trào suy tôn thế thượng đẳng của da trắng đến vậy” – bà Bacharan cho biết. Theo nhà nghiên cứu người Pháp này, chưa từng có sự hoài nghi đối với tổng thống đến như vậy trong các hội nhóm theo phái bảo thủ. Về phần mình, Tổng thống Obama cũng cố gắng trở thành vị tổng thống của toàn thể dân Mỹ để không bị lên án như một lãnh đạo chỉ ưu tiên cho cộng đồng da màu. “Vì thế ông Obama đã hành xử cẩn thận quá mức” – bà Bacharan kết luận. |