28/12/2024

Triển lãm tranh Nghiêm – Liên – Sáng – Phái: thật hay giả?

Triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (có tranh của bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị phản ứng bởi nhiều ý kiến cho rằng triển lãm trưng bày nhiều “đồ giả”.

 

Triển lãm tranh Nghiêm – Liên – Sáng – Phái: thật hay giả?

 

Triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (có tranh của bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị phản ứng bởi nhiều ý kiến cho rằng triển lãm trưng bày nhiều “đồ giả”.

 

 

 

 

Triển lãm tranh Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: thật hay giả?
Khách xem tranh bên bức Nét duyên dáng được giới thiệu là của hoạ sĩ Dương Bích Liên tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu – Ảnh: HỮU KHOA

 

 

 

Từ ngày 10-7, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khai mạc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu với 17 tác phẩm được giới thiệu là của các hoạ sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 – 1945) nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung.

Triển lãm ngay lập tức bị phản ứng bởi nhiều ý kiến họa sĩ, nhà báo, nhà phê bình… cho rằng triển lãm trưng bày nhiều “đồ giả” của những bậc danh họa Việt Nam.

Trước những bức xúc trên, ông Trịnh Xuân Yên, phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cho biết vẫn mở cửa triển lãm để nhận ý kiến phản biện…

Triển lãm vẫn mở cửa để… tiếp thu ý kiến

Vấp phải những luồng ý kiến đó, chiều 11-7 có thông tin từ bảo tàng cho biết ngày 12-7, bảo tàng sẽ họp với ông Vũ Xuân Chung – chủ nhân bộ tranh – để xem có nên đóng cửa triển lãm hay không.

Tuy nhiên chiều 12-7, ông Trịnh Xuân Yên cho biết triển lãm sẽ tiếp tục mở cửa đón nhận ý kiến phản biện, chưa cân nhắc việc đóng cửa.

Ông Yên cho hay: “Hiện chúng tôi nhận được nhiều phản ảnh là triển lãm có nhiều tranh giả. Tuy nhiên, những ý kiến đó chưa có ý kiến nào là thông tin chính thống, từ những hội đồng nghệ thuật. Những người nói tranh giả vẫn chưa nói được cái giả là cái gì.

Trong khi ông Vũ Xuân Chung vẫn khẳng định bộ sưu tập của ông là tranh thật. Cho nên chưa có cơ sở để đánh giá tranh thật hay giả, nên chúng tôi không thể ngưng triển lãm…”.

Khi được hỏi liệu triển lãm vẫn mở cửa đến ngày 21-7 theo đúng kế hoạch hay không, ông Yên để ngỏ khả năng là bảo tàng vẫn tiếp thu ý kiến, đến khi nào nhận được ý kiến “có cơ sở” là tranh giả thì ông sẽ cho đóng cửa triển lãm.

Trong khi đó, phía ông Vũ Xuân Chung vẫn khẳng định ông đặt niềm tin vào ông Jean François Hubert – chuyên viên thẩm định tranh Việt Nam của sàn đấu giá Christie’s Hong Kong, người bán 17 bức tranh trên cho ông.

Ông Chung cho hay: “Tôi tin ông Hubert. Ông ấy là chuyên viên thẩm định của hãng đấu giá tầm cỡ thế giới. Còn những ý kiến khác tôi xem là một dư luận mà thôi!”.

Bảo tàng nên thẩm định trước khi triển lãm

Quả thực, có một không khí nghi ngờ bao trùm lên phòng tranh của ông Vũ Xuân Chung.

Tuy nhiên, phía bảo tàng và phía ông Chung cũng có lý phần họ khi “bẻ” lại những kết luận tranh giả rằng phải có cơ sở khoa học, tin cậy hơn là nhận xét cảm tính.

Hơn nữa, thực tế các họa sĩ Việt Nam hay nhân bản tranh của mình, một bức gốc vẽ thêm vài bức copy, khiến cho sự đối chiếu tranh gốc để xác định thật – giả của một tác phẩm càng thêm phức tạp.

Nhận xét về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành – cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm – đưa ra ý kiến:

“Tôi thấy vấn đề của vụ việc này là do năng lực và trình độ của người sưu tầm. Nhưng những trường hợp như vậy trên thế giới vẫn thường xảy ra.

Thường chúng ta hay nghĩ rằng các hãng đấu giá này nọ trên thế giới thì tên tuổi, năng lực ghê gớm lắm, nên chúng ta tin tưởng. Nhưng thật ra các chuyên gia của họ vẫn có vấn đề. Cá nhân tôi chưa bao giờ tin các chuyên gia quốc tế trong các vấn đề của hội họa Việt Nam”.

Một vấn đề nữa được đặt ra là có những hội đồng nghệ thuật để giám định những sự việc như thế này không?

Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Về việc thành lập hội đồng giám định nghệ thuật, một khi xảy ra vụ việc hoặc khi có nhu cầu tư vấn thì chúng tôi sẽ lập hội đồng. Nhưng chúng ta không có một “hội đồng cứng” để chuyên làm việc đó.

Tôi thấy trong chuyện này, lỗi chủ quan là ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Lẽ ra họ phải lập hội đồng trước khi quyết định triển lãm. Những vụ việc liên quan tranh giả sẽ rất ảnh hưởng đến thị trường mỹ thuật Việt Nam khi đi ra thế giới”.

Họa sĩ Uyên Huy – chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM – đến xem triển lãm cũng lấy làm tiếc: “Có thể người mua tranh bị lầm. Nhưng lẽ ra với những triển lãm lớn, tranh của các bậc danh hoạ như thế này bảo tàng phải lập hội đồng nghệ thuật giám định trước, chứ như thế này về mặt chuyên môn rất không ổn. Tôi thấy rất bôi bác!”.

Ông cũng tỏ ra không tán đồng việc vẫn mở cửa triển lãm: “Nếu cứ để vậy thì càng nhận nhiều ý kiến chỉ trích. Nếu cần lập hội đồng, sao chúng ta không mời các chuyên gia từ Hà Nội vào, hay đưa xe đến đón các hoạ sĩ cao tuổi như Hoàng Trầm, Huỳnh Văn Thuận, Quách Phong… thuộc thế hệ họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên để thẩm định”.

Đóng cửa phòng tranh sẽ là thảm hoạ

Ông Jean François 
Hubert (chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong) khằng định:

“Tất cả bức tranh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đều là tranh thật, được giám định, xác thực, có địa chỉ, nằm trong những bộ sưu tập ở Pháp. Chúng không những nguyên bản mà còn tuyệt đẹp, hiếm có.

Thật ra ở Việt Nam hiện đang có một nhóm người chuyên bán tranh giả trong nhiều năm mà nhiều người, nhà sưu tập biết rõ. Và điều đó gây mất niềm tin cho nhiều nhà sưu tập không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước.

Dù vậy hàng trăm bức tranh giả của nhiều người, trong đó có Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng…, cũng được bán đi cho những nhà sưu tập ở Hàn Quốc hay Nhật Bản… Christie’s và Sotheby’s đã tẩy chay những người này trong nhiều năm nay rồi.

Hơn thế, mỗi tháng chúng tôi phải từ chối rất nhiều tranh họ bán. Tôi nghĩ đó là lý do mà những người bán tranh giả trở nên lo lắng (trước sự trở về của tranh thật tại triển lãm – PV).

Trên thực tế những người sở hữu bộ sưu tập tranh tuyệt vời ở Việt Nam đều là những người mua tranh tại Christie’s Hong Kong. Trong đó, ông Vũ Xuân Chung đang sở hữu bộ sưu tập tuyệt vời như thế.

Trong khi từ trước đến nay, việc làm tranh giả đã kéo những người chuyên môn vào cuộc, vào một mê hồn trận và dần dần hợp pháp hoá tranh giả ấy để bán.

Tôi cho rằng việc thật – giả nhìn nhận chưa thấu đáo mà đã quyết định đóng cửa triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, điều đó sẽ trở thành một thảm hoạ cho Việt Nam và sẽ gây hậu quả di hại lâu dài về sau.

Ở đâu cũng vậy cả thôi, công việc giám định dựa vào nhận dạng bằng trí nhớ, kinh nghiệm cùng nhiều yếu tố khác… Và trên cơ sở đó, tôi chứng minh ngay rằng những bức tranh trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung là tranh thật.

Cho dù có một số người vì mục đích nào đó không công nhận điều này, thậm chí nói ngược lại, kể cả có những hành động bêu xấu tôi, thậm chí hăm doạ tôi.

Tôi là người yêu nghệ thuật Việt Nam trong nhiều năm rồi. Tôi sẽ sẵn sàng đương đầu với bất cứ ai trong lĩnh vực này, nếu có một cuộc gặp mặt để trao đổi trực tiếp, thẳng thắn, sòng phẳng.

QUANG THI – THÁI LỘC