27/12/2024

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN nghiên cứu chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực du học sinh. Nhiều ý kiến đã đóng góp cho việc này…

 TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ CHÍNH SÁCH (VEPR):

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”

 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN nghiên cứu chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực du học sinh. Nhiều ý kiến đã đóng góp cho việc này…

 

 

 

 

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”
TS Nguyễn Đức Thành – Ảnh: VIỆT DŨNG

 

 

 

“Cách thu hút hiệu quả nhất là làm cho cuộc sống ở VN tốt hơn, chứ không phải chỉ là các chính sách độc lập dành cho một nhóm người, tạo ra một môi trường sống nhân tạo cho họ.

TS Nguyễn Đức Thành

Xoay quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Thành (viện trưởng VEPR – Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), người đã từng thực hiện đề tài nghiên cứu về dịch chuyển lao động với đối tượng nghiên cứu là du học sinh (DHS).

TS Nguyễn Đức Thành thẳng thắn: “Khó thể thu hút các DHS, nhất là những người thật sự có năng lực, bằng những “môi trường nhân tạo”. Hãy tạo ra một môi trường tự nhiên có thể thu hút họ tự trở về bằng nhiều con đường khác nhau”.

TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ: Cần nhìn nhận theo hướng không trở về là lỗi của “mình”, chứ không phải của “người ta”. Và cũng đừng quan niệm không về là không yêu nước, không muốn cống hiến. Quan điểm cống hiến, xây dựng đất nước là một khái niệm theo tôi khá mơ hồ, trừu tượng, nếu ta chỉ đặt vấn đề đó mà không gắn với hành động, hoàn cảnh riêng của từng cá nhân DHS.

Khi xây dựng những chính sách khai thác sử dụng nguồn nhân lực, nếu không xuất phát từ quan điểm như vậy thì sẽ dễ rơi vào chung chung, không hiệu quả.

Vậy theo ông, để thu hút DHS trở về cần phải quan tâm đến những yếu tố gì, nên cụ thể hóa thành những chính sách như 
thế nào?

– Đối với DHS, qua quá trình nghiên cứu, tôi thấy quyết định dịch chuyển của họ phụ thuộc nhiều nhất vào môi trường để sống và làm việc. Để về nước làm việc, DHS sẽ cần sự tôn trọng đối với năng lực và bản thân con người họ, tự do để phát triển, môi trường làm việc, môi trường đồng nghiệp và môi trường sống cho gia đình, con cái…

Ta có thể tin rằng với phần đông DHS khi lựa chọn nơi làm việc, nơi họ có thể đóng góp, xây dựng thì họ sẽ ưu tiên chọn về VN, nếu đáp ứng được những điều kiện mong muốn.

Nhưng không thể thu hút họ bằng những “môi trường nhân tạo”. Là những người có tri thức, có điều kiện quan sát và học hỏi ở thế giới rộng lớn, va chạm với các nền văn hoá, tiếp cận với nhiều nguồn tri thức và thông tin đa dạng, các DHS thật sự mong muốn và tự nguyện trở về sẽ không muốn sống và làm việc trong một môi trường nhân tạo.

Vì thế, những điều kiện ưu đãi riêng cụ thể, những quyền lợi vật chất ngắn hạn, việc tạo ra một môi trường nhân tạo cho một đối tượng đặc biệt có hiệu quả hay không là một câu hỏi mà những nhà hoạch định chính sách cần phải trả lời khi muốn thu hút được DHS. Khi xây dựng chính sách thu hút, ta cũng nên trả lời trước câu hỏi: nếu thu hút bằng những quyền lợi vật chất đơn thuần thì thu được sự đóng góp, cống hiến đến đâu.

Nếu với quan điểm và cách nhìn nhận như vậy, chúng ta sẽ thu hút các DHS trở về bằng cách nào đây, thưa ông?

– Ở Hàn Quốc, khi quốc gia này cải cách, phát triển không thua kém những nước phương Tây phát triển, DHS Hàn Quốc trở về thành làn sóng. Đài Loan cũng là ví dụ tương tự, trước đây DHS cũng đi không về. Nhưng đến khi Đài Loan trở thành môi trường làm việc hấp dẫn, họ trở về nhiều.

Ở VN cũng đã từng xảy ra một hiện tượng: Đó là những năm 1990, khi đất nước đổi mới, có những thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế, hàng loạt lưu học sinh tại Nga và các nước Đông Âu sau một thời gian dài sống và làm việc thành công ở đó đã trở về.

Điều đó cho thấy nếu môi trường trong nước ngày càng tự do, cởi mở, văn minh, có nhiều cơ hội thành công hơn thì sẽ càng có nhiều DHS muốn trở về.

Về nước vẫn luôn là một lựa chọn tốt trong tương quan so sánh tương đương. Đó là kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Vì về nước là về với thế giới mà ta thuộc về, có gia đình, bạn bè… chỉ trừ những người quá kiệt xuất mới bắt buộc phải lựa chọn nơi có những điều kiện tối ưu.

Nhưng không nhất thiết phải về nước mới có thể đóng góp, cống hiến cho đất nước. Ông nghĩ sao về cách nhìn nhận này?

– Chúng ta không cần phải đóng góp cơ học bằng sự có mặt tại VN, mà ở chỗ họ có dành tâm trí, sự quan tâm cho đất nước hay không, họ có dành những dự án, những cơ hội mà họ có… cho đất nước hay không.

VN muốn có trí tuệ, nguồn lực tài chính, quan hệ, tri thức… từ các DHS. Nhưng khi họ mang những thứ đó về VN thì mình lại muốn sử dụng theo “kiểu VN”. Đó là kiểu của những con người trực tiếp xử lý, quản lý, những người không đặt lợi ích chung lên trên mà luôn đặt lợi ích riêng, quyền lợi riêng của mình lên trên hết. Cách xử lý, sử dụng, quan hệ như vậy làm mất đi sự hào hứng, lòng nhiệt tình, mất đi hiệu quả tri thức của các DHS. Họ bỏ cuộc vì họ không muốn mất thời gian, mất cơ hội…

* TS Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIII):

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”
Ảnh: Duyên Phan

 

Đáp ứng môi trường làm việc và sử dụng đúng

Theo tôi, một trong những hạn chế lớn nhất của việc thu hút, sử dụng hiệu quả DHS chính là môi trường làm việc để những người được đào tạo bài bản có thể phát huy năng lực của mình. Ví dụ như trong lĩnh vực KH-CN, môi trường làm việc ở đây chính là cơ sở vật chất. Một số nhà khoa học trẻ VN khẳng định sự thành công của họ ở một số nước cũng nhờ vào môi trường làm việc với cơ sở vật chất hiện đại.

Từ thực tế đó, tôi cho rằng một trong những chính sách lớn, trước tiên để có thể thu hút đội ngũ nói trên, là tạo được môi trường làm việc với cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu phát huy khả năng của những người được đào tạo bài bản. Ngoài ra, họ phải được sử dụng đúng vị trí, để những gì họ được đào tạo không bị thui chột, dần dà đâm ra nản lòng…

* TS Hồ Thiệu Hùng:

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”
Ảnh: Q.Thanh

Không thể chỉ thay đổi chính sách…

Tại sao có tình trạng “13 cháu đi du học, 12 cháu không về”? Trước hết, phải tìm được nguyên nhân của việc đi du học. Có thể kể ra:

– Tìm một nền giáo dục tốt hơn để có nghề nghiệp vững vàng hơn.

– Tìm môi trường xã hội an lành hơn từ vật chất đến tinh thần, để trước hết là tránh bị “lây nhiễm”, sau đó là phát triển tốt.

Người có tiền đưa con đi, người ít tiền cũng tìm đường cho con đi du học. Môi trường xã hội đã khiến lòng tin của dân bị xói mòn. Vì thế, muốn giải quyết được tình trạng du học rồi ở lại thì không thể chỉ thay đổi chính sách trong ngành GD-ĐT và KH-CN. Phải làm cho đại đa số người dân có niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ của đất nước thì họ mới chịu đem vốn quý nhất của họ là đứa con trở về VN.

TS Nguyễn Trọng Hiền (nghiên cứu viên cao cấp tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực, Cơ quan Hàng không và không gian Hoa Kỳ):

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”
Ảnh: Tr.Đăng

Cần có ngân quỹ hỗ trợ các đề án nghiên cứu

Tôi nghĩ thời gian tới đây chúng ta sẽ có những nhà thiên văn trẻ người Việt có khả năng. Câu hỏi cần thiết là chúng ta sẽ làm gì để thu hút những nhà khoa học trẻ này trở về?

Dựa vào kinh nghiệm bản thân, tôi thấy để thu hút họ, đầu tiên là có chế độ lương bổng tốt; thứ hai là có chương trình ngân quỹ để hỗ trợ các đề án nghiên cứu, cũng như cấp ngân quỹ để họ được đi lại, cộng tác với các đối tác quốc tế hay tham gia các chương trình hội thảo. Và thứ ba là hiện tại, cơ hội được hợp tác quốc tế về vật lý thiên văn, đặc biệt với các nước trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc… rất cao, các nhà quản lý hãy biết tận dụng.

* Đỗ Thiện (25 tuổi, đang theo học chương trình thạc sĩ báo chí – truyền thông tại CHLB Đức): 

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”
Ảnh: Đ.T.

Phải có môi trường cạnh tranh công bằng

Tôi sẽ trở về VN làm việc. Cá nhân tôi cần một môi trường cạnh tranh công bằng, có những cơ chế trọng dụng thế mạnh và ưu điểm của họ.

Việc được cạnh tranh công bằng sẽ mở đường cho nhiều DHS về cống hiến hơn, vừa giúp họ phát triển bản thân vừa có lợi cho xã hội. Cạnh tranh công bằng thể hiện ở cơ chế tuyển dụng mở, minh bạch; quy trình đánh giá hiệu quả công việc rõ ràng; môi trường pháp lý tạo được sự an tâm. Đặc biệt là có môi trường làm việc phù hợp, để thể hiện đúng chuyên môn và tạo điều kiện cho DHS có cơ hội phát triển.

Để thu hút DHS có năng lực về làm việc trong lĩnh vực công cần có nhiều cải cách. Không chỉ đăng đàn kêu gọi là đủ mà phải thuyết phục. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tức “độ phẳng của thế giới” ngày càng tối ưu, thì Nhà nước cần nghĩ thêm các giải pháp để thu hút chất xám xuyên biên giới chứ không hẳn phải về VN.

* GS Ngô Bảo Châu: 

Khó thu hút du học sinh bằng “môi trường nhân tạo”
Ảnh: Tr.Đăng

Cần thay đổi cơ chế tuyển dụng

Để thu hút các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học cơ bản về làm việc tại VN sau khi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, điểm mấu chốt là cần thay đổi cơ chế tuyển dụng.

Các trường ĐH, viện nghiên cứu phải biết cách lôi kéo các sinh viên, nghiên cứu sinh giỏi bằng cơ chế cạnh tranh giữa các trường. Các bạn trẻ sau khi học xong sẽ thấy lối ra, thấy được tương lai, được trân trọng mời gọi chứ không phải là xin xỏ công việc.

Dù không có những thống kê chính thức nhưng tôi thấy rất nhiều bạn trẻ có tài năng sau khi làm nghiên cứu sinh đã ở lại nước ngoài với điều kiện tốt hơn, cuộc sống dễ dàng hơn.

THANH HÀ thực hiện ([email protected])