Khóc cười vì đường dây nóng
Vấn đề hợp nhất các đầu số gọi khẩn cấp còn nhiều đầu số khác đang hoạt động độc lập, gây nên nhiều phiền toái cho người dân.
Khóc cười vì đường dây nóng
Vấn đề hợp nhất các đầu số gọi khẩn cấp còn nhiều đầu số khác đang hoạt động độc lập, gây nên nhiều phiền toái cho người dân.
Mới đây, TP đã kết nối đường dây nóng 0888247247 của Thành uỷ với tổng đài 1022; liên thông ba đầu số khẩn cấp 113, 114, 115. Tuy nhiên, còn nhiều đầu số khác đang hoạt động độc lập, gây nên nhiều phiền toái cho người dân.
Khoảng 21g, khi đi qua khu vực gần làng đại học Thủ Đức, anh S. (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bị cướp. Anh S. lập tức gọi 113 để trình báo. Gọi tới cuộc thứ tư mới có người nghe máy. Đầu dây bên kia sau khi nghe trình bày hết sự việc liền nói: Anh gọi cho công an địa phương đi!
“Loạn xà ngầu” đường dây nóng
“Họ chỉ nói vậy rồi cúp máy. Tôi ngơ ngác không biết công an địa phương là phải gọi công an cấp nào, số điện thoại bao nhiêu. Một lúc sau trấn tĩnh lại, tôi mới gọi được cho tổng đài 1080 hỏi xin số điện thoại cần gọi” – anh S. kể.
Chỉ tính riêng đường dây nóng hỗ trợ du khách đã có tới bốn số: 0838387200 của cảnh sát hình sự TP.HCM; số 0838300701 của thanh tra Sở Giao thông vận tải; số 0839250000 của lực lượng hỗ trợ du khách; số 0838234056 của Sở Văn hóa – thể thao. Đây là đường dây nóng của các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ hỗ trợ du khách. Để tiếp nhận thông tin về người ăn xin lang thang, người dân phải ghi nhớ tới ba đầu số 0838292491, hoặc số 0903959929, 0835553258. |
Người trực điện thoại yêu cầu anh trình báo thông tin cặn kẽ. Nhưng nghe xong họ nói vị trí anh bị cướp giáp ranh giữa các địa phương. Do đó sự vụ này không thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Quá hoảng loạn và mệt mỏi, chẳng biết phải cầu cứu tới đâu nữa, anh S. đành gọi điện cho bạn tới đón về. Anh nói: “Nói thật là tới giờ tôi vẫn không biết trong những tình huống đó phải gọi vào số nào để được lực lượng chức năng giúp đỡ”.
Trường hợp anh S. không phải là hiếm. Vài tháng trước, ngày nào đi làm anh Nguyễn Thành Lương cũng nhìn thấy ở khu vực cầu Kiệu có một thanh niên lê lết ăn xin vào buổi chiều tối, đôi lúc còn bò cả xuống lòng đường cản trở giao thông.
Biết được TP có chủ trương tập trung hết người lang thang vào các cơ sở xã hội, anh Lương muốn gọi điện báo cho lực lượng chức năng nhưng lại không nhớ được số.
Còn chị Phượng (Q.Phú Nhuận) đang đi trên đường ở Q.2 thì gặp một vụ tai nạn. Chị gọi cấp cứu 115, nhưng lại được chỉ dẫn gọi vào số của bệnh viện gần nhất. Gọi cho bệnh viện đó tới gần nửa tiếng cũng không thấy tới. Trong khi người bị nạn vẫn nằm đó chờ được sơ cứu.
Theo thống kê của Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, hiện nay ngoài các đầu số khẩn cấp 113, 114, 115 đã khá quen thuộc với người dân, ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực của TP lại có rất nhiều số đường dây nóng.
Đó quả là thử thách cho người dân khi mà tất cả đều là những đầu số dài, khó nhớ. Trong hoàn cảnh khẩn cấp, tâm lý hoảng loạn mà yêu cầu phải nhớ được một dãy số dài, đúng từng lĩnh vực quả là việc khó vô cùng.
Đường dây nóng nguội lạnh, bị quấy rối
Sự “nguội lạnh” của các đường dây nóng không chỉ là việc gọi nhiều lần không nghe máy. Nhiều người trong cuộc phản ảnh khi họ gọi tới đường dây nóng là đang rất bức xúc, rất khẩn cấp. Vậy mà từ đầu dây bên kia rất nhiều khi là thái độ lạnh lùng kiểu “dân cần nhưng quan không vội”, hờ hững, chỉ dẫn lòng vòng khiến người gọi thấy nản quá mà tự bỏ cuộc.
Theo ông Lê Quốc Cường – phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP, chính sự cục bộ, thiếu liên thông giữa các đầu số đường dây nóng đã “tiếp tay” cho việc trễ nải như trên, đồng thời cũng gây ra vô số phiền toái.
Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM và đội thanh tra địa bàn ở các quận, huyện đều có đường dây nóng riêng. Các số đường dây nóng này nhận được nhiều cuộc gọi cung cấp thông tin chưa đúng. Phần lớn người báo tin không để lại tên và không cho thông tin để liên hệ lại.
Một đội trưởng đội thanh tra địa bàn cho biết trên địa bàn ông phụ trách có một người thường gọi đến đường dây nóng của đội báo tin nhà xây sai phép nhưng nhất quyết không để lại thông tin về tên họ… Sau một thời gian, các cán bộ thanh tra này xâu chuỗi các vụ việc thì phát hiện đa số thông tin người này báo là tin… “vịt”.
Qua khoanh vùng những địa điểm và bằng biện pháp nghiệp vụ, địa phương xác định được các cuộc gọi này là của một người chạy xe ôm. Hễ trong khu vực có công trình nào xây dựng thì ông đều báo đến đường dây nóng là xây dựng sai phép, không phép, nhưng khi kiểm tra thì công trình xây dựng đúng phép.
Có những trường hợp người dân báo liên tục đến đường dây nóng của Sở Xây dựng về một công trình, sở thắc mắc tại sao đội địa bàn không xử lý để người dân báo hoài. Thanh tra sở cử cán bộ xuống kiểm tra cũng không phát hiện sai phạm.
Làm biên bản, kết luận vụ việc rồi mà hôm sau vẫn tiếp tục nhận thông tin báo công trình này có sai phạm. Có công trình nhận được cả chục tin báo xây dựng sai phép, không phép suốt quá trình xây dựng…
Qua xác minh những thông tin đường dây nóng, thanh tra địa bàn các quận, huyện cũng thường gặp những trường hợp người báo có mâu thuẫn cá nhân với hộ đang xây nhà nên báo lên đường dây nóng để nhà đó… bị kiểm tra.
Có trường hợp xây nhà làm rơi vãi vôi vữa qua nhà hàng xóm, ông hàng xóm liền báo với đường dây nóng là nhà xây không phép, trái phép. Thợ xây của công trình lén bước qua mái nhà hàng xóm để tô tường liền bị báo lên đường dây nóng là thợ từ công trình xâm nhập gia cư bất hợp pháp…
“Khoảng 10-15% thông tin báo qua đường dây nóng của thanh tra Sở Xây dựng (tại sở và tại các đội địa bàn) là thông tin mang tính chọc phá, báo để công trình bị kiểm tra cho bõ ghét… như trên. Nhiều trường hợp anh em mới nghe tiếng của người gọi qua đường dây nóng là nhận ra người thường gọi báo tin không chính xác, nhưng không thể từ chối nghe máy tiếp nhận” – một đội trưởng đội địa bàn xác nhận.
Quy tụ một tổng đài như 911 của Mỹ, được không?
Ông Lê Quốc Cường nhận xét việc có quá nhiều đầu số đường dây nóng không chỉ gây khó cho người dân. Từ góc độ quản lý, mỗi đường dây nóng đều phải có hạ tầng riêng, chi phí vận hành rất tốn kém.
Trong khi đó hiệu quả xử lý lại không cao vì một vụ việc cần đến nhiều đơn vị cùng xử lý đồng bộ, mà các đơn vị này lại không liên thông với nhau, khi cần phối hợp rất nhiêu khê. Rồi quá trình tự tiếp nhận, tự xử lý gần như diễn ra trong nội bộ, không giám sát được tiến độ, quy trình xử lý.
Những vụ việc đường dây nóng bị quấy rối, phá nhiễu hoặc trường hợp nạn nhân cầu cứu khẩn cấp không kịp báo địa điểm cũng không định vị được, theo ông Cường, những vấn đề đó sẽ được giải quyết khi quy tụ hết về một vài đầu số ngắn tương tự tổng đài 911 của Mỹ.
Theo ông Cường, sử dụng chung một vài đầu số ngắn phục vụ cứu hộ cứu nạn, ghi nhận phản ảnh của người dân là xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong xu hướng liên thông kết nối này.
“Nắm bắt xu hướng này, Sở Thông tin và truyền thông đã chủ động kiến nghị, chủ động triển khai thực hiện việc liên thông kết nối và hợp nhất. Điển hình là việc hợp nhất các đường dây nóng về điện lực, viễn thông, cấp thoát nước, cây xanh thành một tổng đài chung là 1022. Đây là tổng đài đầu tiên trên cả nước về sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đường dây nóng 0888247247 của Thành ủy cũng được kết nối, sử dụng chung hạ tầng với hệ thống 1022 này. Ngoài ra, trên cơ sở đã liên thông thành công các đầu số khẩn cấp 113 – 114 – 115, chúng tôi đang lập đề án xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ của TP.HCM thông qua đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2016-2020, dự kiến trình TP trong tháng 9 này. Lãnh đạo TP đã đồng ý về mặt chủ trương. Nhưng để thực hiện được còn phải có nhiều yếu tố thúc đẩy” – ông Cường nói.
Vẫn còn cơ quan chưa quan tâm đúng mức đường dây nóng Tháng 2-2016, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng trực tiếp chỉ đạo lập đường dây nóng0888247247, tiếp nhận ý kiến của người dân 24/24 giờ về mọi vấn đề của TP. Chỉ một tuần sau chỉ đạo đó, Sở Thông tin và truyền thông đã đưa đường dây nóng này chính thức vận hành. Lãnh đạo cao nhất của TP chỉ đạo rốt ráo, quan tâm theo dõi chỉ đạo hằng ngày. Trong báo cáo sơ kết ba tháng hoạt động của đường dây nóng, UBND TP vẫn nhìn nhận việc phản hồi thông tin tại các sở ngành, quận huyện còn chậm, chưa kịp thời, nhất là thông tin về những vụ việc phát sinh trong đời sống người dân, liên quan thiết thực đến đời sống hằng ngày. Nhiều đơn vị còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng. |
TP.HCM tập trung hợp nhất các đầu số nóng TP.HCM là một trong những đơn vị đi đầu về việc hợp nhất và sử dụng các đầu số nóng. Tiêu biểu nhất là việc vận hành tổng đài 1022 (ảnh). Đây là tổng đài đầu tiên trên cả nước về sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị. Còn với hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113 – 114 – 115, trong ba tháng của quý 2 có 150.474 cuộc gọi. Người dân khi gặp sự cố khẩn cấp, gọi vào một trong ba đầu số trên đều được tiếp nhận và hỗ trợ. |
(còn tiếp)