25/12/2024

Phải làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?

Dị vật rơi vào đường thở là tai nạn dễ gặp ở trẻ nhỏ, rất nguy hiểm nếu không được xử trí đúng, nhanh.

 

Phải làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?

Dị vật rơi vào đường thở là tai nạn dễ gặp ở trẻ nhỏ, rất nguy hiểm nếu không được xử trí đúng, nhanh.



 

Cẩn trọng với những bữa ăn của trẻ nhỏẢNH: SHUTTERSTOCK


Sơ cứu đúng
Bé trai Nguyễn Minh Q. (30 tháng tuổi) nhập Khoa Cấp cứu – chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư vào ban đêm, với tình trạng xuất tiết đờm dãi nhiều, xây xước vùng miệng. Người thân của bé thuật lại, trong lúc cho bé ăn quả vải, đột nhiên bé ho sặc sụa, tím tái và khó thở. Do quá hoảng hốt, người mẹ cho mấy ngón tay vào miệng bé tính móc dị vật, vô tình khiến bé càng khó thở, tím tái và chảy máu miệng. Lần này, người mẹ lấy lại bình tĩnh, nhớ đến cách xử trí dị vật đã từng đọc qua, liền cho bé Q. nằm sấp, đầu thấp; đồng thời vỗ vào lưng, sau đó cho bé nằm ngửa và ấn vào vùng ngực mấy cái. Rất may, dị vật là hạt vải đã “chịu” bật ra ngoài.
Sau khi bé Q. đã qua cơn nguy kịch, gia đình vẫn đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhi đã trở lại vẻ mặt hồng hào, không khó thở, chỉ số bão hoà ô xy máu trong giới hạn bình thường. Kết quả chụp X.quang phổi không thấy tổn thương. Bác sĩ kết luận tình trạng sức khoẻ của bé đã ổn định.
 
 

 


“Trẻ bị suy hô hấp do dị vật đường thở hoàn toàn có thể tử vong trước khi đến bệnh viện nếu không được xử trí kịp thời và đúng kỹ thuật. Trong trường hợp này, điều may mắn là mẹ cháu bé đã kịp nhớ ra cách xử trí và thực hiện đúng cách, cứu sống con mình”, Th.S-BS Ngô Anh Vinh, công tác tại khoa cấp cứu – chống độc chia sẻ.
Dị vật thường gặp
Bác sĩ Vinh cho hay, lứa tuổi thường mắc dị vật đường thở là nhóm trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi. Các loại dị vật thường gặp là hạt dưa hấu, đậu phộng, mảnh xương (heo, cá), thạch hoặc một số đồ vật như nắp bút, kim băng… Ở độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi; hoặc do trẻ vừa được cho ăn vừa đùa nghịch. Chuyên gia khuyến cáo không nên đùa giỡn khi trẻ đang ngậm thức ăn trong miệng; không ép ăn uống khi trẻ đang khóc. Khi thấy trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở và tím tái sau khi ăn uống, cha mẹ phải nghĩ đến trường hợp hóc dị vật đường thở. Với tai nạn này, người lớn không được dùng tay móc họng lấy dị vật hay vuốt ngực trẻ, vì như vậy có thể khiến dị vật vào sâu hơn, càng khó thở và nguy hiểm hơn.
Cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật
– Nếu trẻ tỉnh táo, không khó thở, không tím tái, thì nên khuyến khích trẻ ho để tống dị vật ra ngoài.
– Nếu trẻ khó thở, tím tái, ho yếu, thì ngay lập tức tiến hành thực hiện động tác vỗ lưng và ấn ngực. Đặt trẻ dọc theo tay người cấp cứu, cho trẻ nằm sấp, đầu thấp, đồng thời tiến hành vỗ lưng 5 lần. Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì lật ngược cho trẻ nằm ngửa, đầu thấp, và ấn ngực trẻ 5 lần cho đến khi dị vật được đẩy ra ngoài.
Th.S-BS Ngô Anh Vinh, Bệnh viện Nhi T.Ư


Nam Sơn