25/12/2024

“Nhân chứng sống” của khoa học cơ bản

“Khoa học cơ bản và xã hội” là chủ đề chính của Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 khai mạc sáng 7-7 tại Quy Nhơn (Bình Định).

 

“Nhân chứng sống” của khoa học cơ bản

 

 “Khoa học cơ bản và xã hội” là chủ đề chính của Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 khai mạc sáng 7-7 tại Quy Nhơn (Bình Định). 

 

 

 

 

“Nhân chứng sống” của khoa học cơ bản
Từ trái qua: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với hai GS đoạt giải Nobel: GS Jerome Friedman và GS Finn Kydland cùng GS Trần Thanh Vân tại Trung tâm ICISE, Bình Định – Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tập trung vào tiếp thu, ứng dụng công nghệ, còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, của các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường tiềm lực quốc gia.

Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Trong số hơn 300 đại biểu dự hội thảo, đáng chú ý có những người đứng đầu các tập đoàn lớn về hàng không, dược, công nghiệp hoá chất…

“Chúng tôi mời họ tham dự không phải là để họ tài trợ cho hội nghị, mà để lắng nghe họ nói họ đã thu được gì từ các kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản. Họ là những “nhân chứng sống” của khoa học cơ bản, họ sẽ chứng minh cho xã hội thấy tầm quan trọng thật sự của khoa học cơ bản” – giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập và là chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, đơn vị tổ chức hội thảo, lý giải.

Chìa khoá 
cho sự phát triển

Một trong các “nhân chứng sống” này, ông Jean Marie Solvay – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Solvay – giới thiệu máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 có thể bay vòng quanh thế giới được tập đoàn ra mắt năm 2014.

Hành trình của chiếc máy bay này là bay từ Abu Dhabi ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất qua châu Á, Mỹ, Nam Âu, Bắc Phi trước khi về điểm xuất phát.

Theo ông Jean Marie Solvay, chiếc máy bay này hoàn toàn không thể ra đời nếu không có các nghiên cứu cơ bản của ngành vật lý.

Còn ông Sébastien Remy – phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Airbus, giám đốc Trung tâm nghiên cứu – kể một trong những ứng dụng nổi bật nhất từ khoa học cơ bản của tập đoàn này mà Việt Nam đã sử dụng chính là vệ tinh VNREDSAT-1.

Ông Robert Sebbage – phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn dược phẩm Sanofi-Aventis (Pháp) – cho biết đối với một công ty chuyên về sức khoẻ, nghiên cứu là chìa khoá cho sự tồn tại và phát triển.

“Trước đây chúng ta không có HIV, không có Ebola, không có Zika, nhưng giờ chúng ta phải thích nghi và nghiên cứu khoa học không ngừng để tìm ra giải pháp cho các căn bệnh mới hoặc do các virút, vi khuẩn đã kháng thuốc” – ông Sebbage chia sẻ và cho biết công ty ông dành 16% doanh thu đầu tư cho việc nghiên cứu.

Có những cái rất bất hợp lý, chẳng hạn nghiên cứu sinh trong nước hầu như không có một sự trợ cấp nào cả, điều này ngược lại với quốc tế. Những người tập sự nghiên cứu phải được thù lao xứng đáng, nếu không phải là lương thì phải là trợ cấp hay gì đó

Giáo sư NGÔ BẢO CHÂU

Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế

“Nhân chứng sống” của khoa học cơ bản
Giáo sư NGÔ BẢO CHÂU - Ảnh: T.T.D.

Tại hội thảo, giáo sư – viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên viện trưởng Viện Khoa học – công nghệ Việt Nam, đặt vấn đề khoa học cơ bản ở Việt Nam nên nghiên cứu gì.

“Bệnh tật tràn lan, bệnh viện quá tải thì khoa học gì góp phần tăng cường sức khoẻ cho nhân dân Việt Nam để không bệnh tật nữa? Dù có phát triển công nghiệp, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp với tỉ lệ nông dân rất lớn, để xuất khẩu nông sản đi nhiều nước, để có sản phẩm nông nghiệp xuất sắc phải phát triển khoa học gì? ĐBSCL thì nhiễm mặn, Tây nguyên, Nam Trung bộ thì hạn hán, Tây Bắc mưa lũ khủng khiếp thì phát triển khoa học gì?” – giáo sư Nguyễn Văn Hiệu hỏi.

Và cũng chính ông đưa ra câu trả lời rằng phải nghiên cứu cơ bản theo định hướng ứng dụng và cộng đồng khoa học Việt Nam cần lời khuyên của các nhà khoa học quốc tế để giải quyết các vấn đề này.

Giáo sư David Gross, nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý năm 2004, nhận định khoa học cơ bản ở Việt Nam phát triển rất chậm. “Tôi có tìm hiểu và thấy rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam chỉ dành một phần rất nhỏ GDP đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Khi tôi hỏi một đồng nghiệp ở Việt Nam rằng mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam là bao nhiêu, người đó trả lời là 2% GDP, nhưng khi tôi nghiên cứu thì con số đó chỉ là 0,21% GDP. Mức này chỉ ngang ngửa Campuchia, còn thấp hơn Trung Quốc 10 lần, thấp hơn Ấn Độ 5 lần và tới 20 lần so với Hàn Quốc” – ông nói.

Giải pháp đưa ra của ông Koji Omi – nguyên bộ trưởng khoa học – công nghệ Nhật Bản, nhà sáng lập và chủ tịch Diễn đàn khoa học – công nghệ trong xã hội (STS Forum) – là Việt Nam cần đẩy mạnh giao lưu hợp tác với Nhật trong lĩnh vực khoa học. Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông cho biết việc thông qua luật cơ bản của khoa học – công nghệ năm 1995 là một bước tiến tích cực, quyết định mức độ Chính phủ Nhật đầu tư cho việc phát triển khoa học – công nghệ như thế nào.

Còn nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ Nguyễn Quân bày tỏ: “Không dễ gì chúng ta có thể mời các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Đây không chỉ là dịp trao đổi học thuật, mà còn là cơ hội để những nhà khoa học Việt Nam tập hợp lại, tìm kiếm các ý tưởng nghiên cứu mới. Do vậy Chính phủ nên có những giải pháp để hỗ trợ hội nghị có thể được tổ chức thường xuyên mỗi năm, hỗ trợ các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học trong nước, các trường ĐH, viện nghiên cứu tham gia đông đảo”.

TS Nguyễn Tuyết Phương 
(phó trưởng khoa hoá Trường ĐH 
Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM):

Làm nghiên cứu cơ bản 
ở Việt Nam khó lắm

Bản thân tôi thấy làm nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam rất khó vì ở đâu cũng đòi hỏi ứng dụng và đòi hỏi phải ra sản phẩm; phải cầm, nắm, sờ mó được.

Theo tôi, quan niệm như vậy là sai lầm. Vì nghiên cứu cơ bản là nền tảng và nhiệm vụ của nó là cung cấp kiến thức mới. Từ những nghiên cứu đó mới hình thành được những vấn đề mang tính ứng dụng và hiểu được bản chất thật sự của nó mới phát triển ứng dụng được. Có khi phải mất thời gian dài.

Lấy ví dụ bản thân tôi khi làm nghiên cứu cơ bản, nhiều người nghe tôi làm về pin mặt trời cứ hỏi cục pin đâu, hiệu suất bao nhiêu… nhưng đâu có dễ đi vô công nghệ hay làm ra cục pin sử dụng được. Cái đó mấy nước giàu họ làm.

Trong pin mặt trời có nhiều thứ khác và việc tôi làm là nghiên cứu cơ chế phản ứng vật liệu trong pin để từ đó phát triển vật liệu hay thay đổi các điều kiện làm vật liệu bền hơn.

Ban đầu nghe vậy ai cũng chê vì chỉ cần biết cục pin thế nào, đưa ra cục pin mới chịu.

PGS.TS PHAN BẢO NGỌC (ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Đất khô cằn không thể làm ra trái ngọt

Đội ngũ nghiên cứu khoa học cơ bản trẻ hiện nay của nước ta còn phân tán và chưa tận lực làm việc, vì vẫn phải nhìn qua lại xem nên làm cái này hay cái kia vì thiếu định hướng.

Chúng ta chưa lập được những nhóm nghiên cứu quy mô bài bản, chưa có chiến lược lâu dài lên tới 20, 30 năm, trong khi đặc thù của khoa học từ nghiên cứu cơ bản cho ra các nghiên cứu ứng dụng sẽ rất dài, thậm chí cả nửa thế kỷ hoặc hơn mới ra được công nghệ mới.

Đôi lúc cá nhân tôi cũng cảm thấy cô độc, mệt mỏi nhưng rồi lại phải cố gắng. Đất khô cằn không thể làm ra trái ngọt, đó là quy luật.

* TS Trần Hương Lan (giảng viên khoa khoa học cơ bản Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Cần phát triển song song

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, có thể nói vai trò của khoa học – công nghệ là rất lớn. Đất nước có thể tiến hành công nghiệp hoá hay không là do mức độ phát triển của khoa học – công nghệ.

Trong bối cảnh bùng nổ các công nghệ mới hiện nay, người ta có xu hướng phát triển khoa học ứng dụng và đi theo các công nghệ mới mà coi nhẹ nghiên cứu khoa học cơ bản.

Theo tôi, chúng ta cần phát triển song song cả khoa học ứng dụng và khoa học cơ bản.

Khoa học cơ bản càng phát triển mạnh bao nhiêu càng tạo tiền đề cho khoa học ứng dụng phát triển và đột phá. Chỉ có phát triển khoa học cơ bản mới tạo ra sự phát triển bền vững và độc lập cho nền khoa học nước nhà.

Thực tế cho thấy các quốc gia tiên tiến, phát triển về khoa học – công nghệ luôn là những quốc gia chú trọng phát triển khoa học cơ bản.

PGS.TS Phan Bách Thắng (phó trưởng khoa khoa học vật liệu Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM):

Không chọn vì 
không đảm bảo tương lai

Giới trẻ hiện nay chịu nhiều áp lực, tác động của xã hội, cuộc sống nên họ không chọn khoa học cơ bản là tất yếu vì không có đảm bảo tương lai. Nhà nước cần đảm bảo kinh tế, môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch cho người làm khoa học cơ bản.

Nếu những người đang làm khoa học cơ bản hiện tại có cuộc sống ổn định, không lo lắng quá về kinh tế, sức khoẻ, nhà ở thì những người trẻ nhìn vào sẽ yên tâm hơn khi chọn lựa con đường nghiên cứu khoa học cơ bản. Khi đó mới khuyến khích giới trẻ làm khoa học cơ bản. Giới trẻ có thể yêu thích, nhưng nếu không nuôi dưỡng sẽ không duy trì và thu hút được.

TRẦN HUỲNH ghi

HỒNG NHUNG – NGỌC ĐÔNG ([email protected])