23/01/2025

Tìm kẻ giết người thầm lặng

Cùng với tình trạng béo phì, lối sống tĩnh tại và sự gia tăng tuổi thọ, bệnh đái tháo đường đang trở thành đại dịch không lây trên toàn cầu.

 

Tìm kẻ giết người thầm lặng

 

Cùng với tình trạng béo phì, lối sống tĩnh tại và sự gia tăng tuổi thọ, bệnh đái tháo đường đang trở thành đại dịch không lây trên toàn cầu. 

 

 

 

Điều đáng lo là tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hoá. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy giới trẻ dưới 40 tuổi có tỉ lệ rối loạn dung nạp đường huyết khá cao. Đây là một cơn sóng thần rất lớn sẽ ập đến trong một ngày không xa.

Bệnh đái tháo đường được xem là kẻ giết người thầm lặng, có khởi phát và diễn tiến âm thầm suốt thời gian dài trước khi phát hiện, tình trạng tăng đường huyết không được kiểm soát trở nên trầm trọng dẫn đến sự xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ như biến chứng thận, biến chứng thần kinh, bệnh võng mạc, đột quỵ não và bệnh động mạch vành ngay ở thời điểm được chẩn đoán.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2016, những người có yếu tố nguy cơ sau đây nên tầm soát:

1/ Người trưởng thành có thừa cân hoặc béo phì và có ít nhất một yếu tố nguy cơ đái tháo đường:

– Ít vận động.

– Cha mẹ hoặc anh em ruột bị đái tháo đường.

– Người Mỹ gốc Phi.

– Mỹ gốc Latin, Mỹ gốc Á, người ở các đảo Thái Bình Dương.

– Phụ nữ sinh con hơn 4kg hoặc từng bị đái tháo đường thai kỳ.

– Tăng huyết áp (≥140/90 mmHg hoặc đang dùng thuốc hạ áp).

– HDL cholesterol < 35 mg/dL (0.90 mmol/L) và/hoặc triglyceride > 250 mg/dL (2.82 mmol/L).

– Nữ có tiền sử buồng trứng đa nang.

– HbA1c ≥ 5.7% (39 mmol/mol), rối loạn dung nạp glucose hoặc tăng đường huyết đói trước đó.

– Một số biểu hiện lâm sàng đề kháng insulin.

– Tiền sử bệnh mạch vành.

2/ Khi không có các yếu tố nguy cơ kể trên: tầm soát ở người trên 45 tuổi.

3/ Khi kết quả bình thường: lặp lại sau 3 năm 1 lần hoặc gần hơn tuỳ theo mức độ nguy cơ.

Việc thăm khám và xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ tìm ra bệnh nhân không được chẩn đoán đái tháo đường do không có biểu hiện khác thường này. Nhóm người tiền đái tháo đường được tư vấn hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý nhằm làm chậm diễn tiến đến đái tháo đường thật sự.

Lợi ích của việc can thiệp tích cực và sớm sẽ giúp cải thiện các kết quả điều trị cũng như làm chậm diễn tiến đến các biến chứng phức tạp của đái tháo đường đã được chứng minh trong rất nhiều nghiên cứu lớn trước đây.

Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) dự đoán đái tháo đường ảnh hưởng đến 415 triệu người trong năm 2015 và tăng lên 642 triệu người vào năm 2040, gia tăng nhiều nhất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bệnh đái tháo đường tập trung ở lứa tuổi từ 20 đến 79 tuổi; 70% trong số đó sống ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Hơn nữa, có khoảng 50% người đái tháo đường không được chẩn đoán.

Theo IDF, tại Việt Nam năm 2012 tỉ lệ mắc đái tháo đường là 5,78%. Có 52.226 ca tử vong liên quan đái tháo đường. Phần lớn người bệnh phát hiện và điều trị muộn, mỗi năm có trên 70% bệnh nhân không được phát hiện và điều trị.

BS TRƯƠNG THỊ VÀNH KHUYÊN