Đừng để chết do hen
Dù có thuốc ngừa cơn hen giúp bệnh nhân sống khoẻ và làm việc như bình thường nhưng hiểu biết của nhiều bệnh nhân về hen chưa đúng, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Đừng để chết do hen
Dù có thuốc ngừa cơn hen giúp bệnh nhân sống khoẻ và làm việc như bình thường nhưng hiểu biết của nhiều bệnh nhân về hen chưa đúng, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hướng dẫn một bệnh nhân xịt thuốc trị hen – Ảnh: Hữu Khoa |
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan – trưởng Trung tâm Chăm sóc hô hấp và thăm dò chức năng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết như vậy.
3,6 triệu người VN bị hen
Theo PGS Tuyết Lan, hen là vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng trên toàn cầu, tần suất mắc hen gia tăng ở nhiều nước, trong đó có VN.
Hen ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và là gánh nặng cho ngành y tế, gia đình và xã hội. Nhiều bệnh nhân hen không được điều trị hoặc điều trị không đúng thường xuyên bị khó thở, khò khè, mất ngủ, phải đi cấp cứu vì cơn hen cấp.
Một khảo sát năm 2010 của Bộ Y tế VN cho thấy có khoảng 3,6 triệu người VN (chưa kể trẻ em) mắc hen, nhưng chỉ gần 40% bệnh nhân được kiểm soát hen đúng. Còn rất nhiều bệnh nhân hen chưa được tiếp cận với liệu pháp điều trị tiêu chuẩn, phải đi cấp cứu thường xuyên vì cơn hen cấp.
Chính vì việc kiểm soát hen chưa tốt nên đầu tháng 5-2016 đã có một nữ bệnh nhân 36 tuổi ở Quảng Trị đến bệnh viện cấp cứu vì khó thở, mệt. Sau khi được tiêm thuốc cấp cứu bệnh nhân đã tử vong. Theo người nhà, bệnh nhân này bị hen nhiều năm nay.
Sai lầm trong điều trị hen
Những sai lầm này xảy ra từ cả phía người bệnh và một số thầy thuốc, cơ sở y tế. ThS.BS Nguyễn Như Vinh – giảng viên Đại học Y dược TP.HCM – cho biết thêm. Theo bác sĩ Như Vinh, hen là bệnh mãn tính của đường hô hấp, chữa được nhưng không chữa khỏi.
Mục tiêu của điều trị hen là kiểm soát cơn hen, giúp bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở ban ngày (dưới 2 lần/2 tuần); giúp bệnh nhân hoạt động thường ngày kể cả tập thể dục; không có triệu chứng ban đêm hay không thức giấc vì hen; không cần điều trị cắt cơn (dưới 2 lần/tuần); chức năng phổi bình thường hay gần bình thường; không có cơn hen cấp.
Tuy nhiên, thực tế việc kiểm soát hen không đơn giản. Về phía cơ sở y tế, bác sĩ điều trị, việc chẩn đoán đúng bệnh hen còn chưa tốt do nhiều cơ sở y tế chưa có máy hô hấp ký nên chỉ dựa vào khám lâm sàng, bảng câu hỏi tầm soát hoặc đo bằng lưu lượng đỉnh kế.
Có nơi tuy có máy đo nhưng kỹ thuật viên chưa được tập huấn kỹ nên đo bị sai. Khi điều trị, vẫn còn một số nơi cho bệnh nhân dùng thuốc giãn phế quản (uống, chích) dạng uống hoặc bệnh nhân tự mua thuốc này uống, gây nhiều tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài…
Bác sĩ Như Vinh nhấn mạnh bản chất của hen là viêm đường thở (tức phải dùng thuốc kháng viêm). Khi lạm dụng thuốc giãn phế quản sẽ không kiểm soát được tình trạng viêm của đường hô hấp, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn không hồi phục.
Nguy hiểm hơn, nếu dùng thuốc giãn phế quản 5-10 năm sẽ dẫn đến tắc nghẽn đường thở cố định, làm bệnh nhân chuyển sang bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng nề hơn và gần như không có thuốc trị.
Về phía bệnh nhân, một số ít không có thuốc ngừa cơn hen để trị, hoặc có thuốc nhưng sử dụng không đúng hướng dẫn. Đặc biệt, việc điều trị sai khi dùng các biện pháp không chính thống, không có bằng chứng khoa học khiến tình trạng kiểm soát hen kém đi.
Ngoài ra, hiểu biết của bệnh nhân về điều trị hen còn chưa đúng: lạm dụng thuốc cắt cơn, sử dụng thuốc ngừa cơn, khi thấy khoẻ lên thì ngưng thuốc… Hậu quả là dẫn đến kết quả điều trị không như mong muốn, bệnh nhân phải thường xuyên đi cấp cứu, thậm chí tử vong vì cấp cứu không kịp.
Ngừa cơn hen: quan trọng nhất!
“Với mục đích không còn tử vong và người bệnh hen được sống như một người bình thường, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và đa số các bệnh viện ở VN đã thực hiện theo tiêu chí của GINA là phòng ngừa cơn hen” – PGS Tuyết Lan nói.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, theo PGS Tuyết Lan, các cơ sở y tế phải đáp ứng 6 mục tiêu trong kiểm soát hen cho bệnh nhân là: đạt được và duy trì việc kiểm soát triệu chứng; ngừa cơn hen duy trì chức năng hô hấp càng gần với mức bình thường càng tốt; duy trì mức độ hoạt động bình thường kể cả gắng sức; tránh các tác dụng phụ của thuốc điều trị hen; phòng ngừa tắc nghẽn đường thở không hồi phục; và ngăn ngừa tử vong do hen.
Ngoài ra, mỗi tỉnh cần ít nhất một đơn vị quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trong cộng đồng, phát triển đến các quận huyện và phường xã.
Về phía các bác sĩ phải kiểm soát được bệnh hen cho bệnh nhân trên cả hai phương diện: kiểm soát được triệu chứng hiện tại và ngăn ngừa các nguy cơ trong tương lai: đợt kịch phát, tác dụng phụ của thuốc và tổn hại đường thở vĩnh viễn.
Đồng thời hiện nay, Hội Hen – dị ứng – miễn dịch lâm sàng TP.HCM và VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP.HCM đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình giáo dục sức khoẻ cộng đồng, nhằm tuyên truyền rộng rãi cách phòng và điều trị bệnh hen cho người dân.
Một nghiên cứu về ảnh hưởng của bệnh hen tới chất lượng cuộc sống trên 2.323 người bệnh ở sáu quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore và VN) cho thấy hen ở VN chưa được chú trọng và chưa được kiểm soát tốt so với các nước bạn. Cụ thể, 88% bệnh nhân chưa biết hen suyễn có thể kiểm soát được nên rất nản lòng; chỉ có 29% đi bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế khám. Đáng lưu ý là tình trạng bệnh nhân hen tự mua thuốc điều trị hoặc mua theo toa cũ là rất cao. |