23/01/2025

Bất thường đề án làng nghề hàng ngàn tỉ đồng

Quy hoạch khôi phục và bảo tồn làng nghề truyền thống Hà Nội đang đặt ra nhiều nghi vấn về tính khả thi, khi trong danh sách có những làng nghề đã biến mất hàng chục năm nay.

 

Bất thường đề án làng nghề hàng ngàn tỉ đồng

Quy hoạch khôi phục và bảo tồn làng nghề truyền thống Hà Nội đang đặt ra nhiều nghi vấn về tính khả thi, khi trong danh sách có những làng nghề đã biến mất hàng chục năm nay.




Làng giấy dó Bưởi đã không còn làm nghề cách đây hàng chục năm /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Làng giấy dó Bưởi đã không còn làm nghề cách đây hàng chục nămẢNH: NGỌC THẮNG

 


Việc khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền là một trong 6 nội dung nằm trong đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội đến năm 2020 được UBND Hà Nội phê duyệt vào năm 2011. Hai năm sau, năm 2013, quy hoạch Phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND Hà Nội phê duyệt, giao Sở Công thương Hà Nội chịu trách nhiệm, tiếp tục đưa ra mục tiêu về việc bảo tồn và khôi phục làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền.
Theo đó, 21 làng được đưa vào danh sách khôi phục và bảo tồn gồm: tết thao Triều Khúc (H.Thanh Trì), sơn mài Đông Mỹ (xã Đông Mỹ, H.Thanh Trì), dệt the La Khê (Q.Hà Đông), đúc đồng Ngũ Xã (Q.Tây Hồ), giấy dó Bưởi (Q.Ba Đình), nhạc cụ dân tộc Đào Xá (H.Ứng Hoà), dệt the, lụa Cổ Đô (H.Ba Vì), sơn mài Đông Mỹ (H.Thanh Trì), tre trúc Xuân Thuỷ (H.Sóc Sơn), tò he Xuân La (H.Phú Xuyên), dâu tằm tơ Thụy An (H.Mê Linh), dâu tằm tơ Đẹp Thôn (H.Mê Linh), nón lá Đại Áng (H.Thanh Trì), giấy sắc Nghĩa Đô (Q.Cầu Giấy), gốm Tô Hiệu (H.Thường Tín), dâu tằm tơ Tráng Việt (H.Mê Linh), thêu ren Hạ Mỗ (H.Đan Phượng), dệt chồi, lượt Phùng Xá (Thạch Thất), ren Bình Đà (Kim Hoàng (H.Hoài Đức), tranh sơn mài Kim Hoàng (H.Hoài Đức), giấy dó Vân Canh (H.Hoài Đức). Theo quy hoạch, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, sẽ khôi phục và bảo tồn 10 làng; trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, sẽ tiếp tục với 11 làng còn lại.
Bản phê duyệt quy hoạch cũng đưa ra nhiều mục tiêu khác như phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo việc làm ổn định cho phát triển làng nghề…, bên cạnh đó dự kiến vốn đầu tư lên tới 8.525 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố, ngân sách địa phương, xã h̉ội hoá.
Những tưởng một quy hoạch có quy mô lớn như thể phải được chuẩn bị bài bản trước khi được phê duyệt, tuy nhiên khi tìm hiểu về những làng nghề trong diện được quy hoạch khôi phục và bảo tồn cũng như việc triển khai, phóng viên Thanh Niên đã phát hiện ra nhiều điểm bất thường.
Nhiều làng nghề đã… chết
Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy nhiều làng nghề đã chết, không tồn tại, không còn nghệ nhân, không còn hộ gia đình làm nghề đã từ nhiều năm nhưng vẫn nằm trong bản danh sách được đưa ra trong quy hoạch. Ông Nguyễn Thành Sơn, Chánh văn phòng UBND H.Ba Vì (Hà Nội), khẳng định: “Hồi xưa ở Ba Vì có làng lụa Cổ Đô, nhưng từ lâu rồi không còn nữa”. Cán bộ Phòng Văn hoá – Thông tin, P.La Khê (Q.Hà Đông, Hà Nội) cũng xác nhận: “Làng the La Khê không còn nghệ nhân”.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến làng nghề giấy sắc Nghĩa Đô. Một con đường lớn vừa mở chạy qua làng, nhiều hộ gia đình nằm trong diện giải toả, di dời đi nơi khác, trong đó có gia đình ông Lại Phú Thạch – người làm giấy sắc cuối cùng của dòng họ Lại.
Ngạc nhiên hơn, có làng nghề đã biến mất từ cách đây 20 – 30 năm nhưng vẫn nằm trong danh sách. Người dân làng giấy dó Bưởi đã rất ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về làng nghề. Chúng tôi được mách tìm tới nhà cụ Nguyễn Văn Tình năm nay đã trên 90 tuổi, một trong số ít ỏi người thợ làm giấy năm xưa còn sống và còn minh mẫn. “Làng nghề giấy dó chuyển đổi thành hợp tác xã vào khoảng những năm 1980. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, hợp tác xã cũng tan rã. Gần 30 năm rồi, chẳng còn gia đình nào trong làng giữ nghề này cả”, cụ Nguyễn Văn Tình kể.
Các làng nghề như dâu tằm tơ Mê Linh, nón lá Đại Áng, gốm Phú Sơn, giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng… cũng không còn nghệ nhân và rất ít hộ còn làm nghề.
Mới chỉ trên giấy
Quy hoạch được thông qua từ năm 2013, nhưng sau 3 năm, đến nay gần như vẫn bất động trên giấy. Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, 4 làng nghề truyền thống đã được khôi phục và công nhận là: tết thao Triều Khúc, nhạc cụ Đào Xá, tre trúc Xuân Thuỷ, tò he Xuân La.
Tuy nhiên, không hiểu việc khôi phục này đã được triển khai ra sao, số vốn đầu tư được phân bổ thế nào, bởi nhiều nghệ nhân đang gặp khó khăn khi giữ nghề lại chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Chúng tôi đã liên hệ với UBND xã Tân Triều, H.Thanh Trì để tìm gặp nghệ nhân ở làng tết thao Triều Khúc. Ông Triệu Đình Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều, cho biết trong làng chỉ còn lại duy nhất gia đình bà Tạ Thị Vĩnh làm nghề. Khi được hỏi về quy hoạch khôi phục và bảo tồn làng nghề truyền thống, trong đó có làng tết thao Triều Khúc, ông Tâm cho biết chưa từng được nghe đến. Nghệ nhân Tạ Thị Vĩnh cũng cho hay bà vẫn phải chật vật làm nghề, tự truyền nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm mà chẳng được ai giúp đỡ.
“Không có quy hoạch nào đúng tuyệt đối”
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Tiến Thắng – Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai quy hoạch Phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thưa ông, trước khi đưa ra quy hoạch bảo tồn và khôi phục 21 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, Sở có tiến hành khảo sát các làng nghề và tính đến mức độ khả thi khi thực hiện?
Sở Công thương Hà Nội tư vấn và lập quy hoạch này. Chúng tôi có phiếu khảo sát gửi đến các làng nghề, để biết những làng nghề nào bị mai một, có khả năng khôi phục. Tất cả phải khả thi thì chúng tôi mới đề xuất, trình các cấp có thẩm quyền. UBND Hà Nội đã phê duyệt có nghĩa quy hoạch phải khả thi. Nhưng không có quy hoạch nào đúng đến mức tuyệt đối, có thể làm được hơn thế, hoặc làm gần bằng thế. Quy hoạch là khuôn khổ pháp lý để xây dựng kế hoạch thực hiện.
Vậy nhưng có những làng nghề đã chết từ hàng chục năm, nghệ nhân cũng không còn, làm sao để khôi phục lại được?
Chúng tôi chưa làm nên chưa thể trả lời được, trả lời bây giờ là hơi sớm. Làm thế nào cũng không phải do chúng tôi nghĩ ra mà còn có sự phối hợp của nhiều đơn vị.
Theo dự kiến, số vốn đầu tư cho tổng thể quy hoạch là 8.525 tỉ đồng. Vậy số vốn dành riêng cho việc khôi phục và bảo tồn 21 làng nghề này là bao nhiêu?
Đây là con số dự toán theo quy hoạch. Chúng tôi chưa có chương trình cho mục tiêu riêng này nên các hoạt động nằm trong chương trình phát triển của làng nghề chung. Nguồn vốn đầu tư là chương trình khuyến công. Chương trình này đi vào nhiều lĩnh vực nên kinh phí nhiều, năm ngoái là 20 – 30 tỉ đồng, năm nay là 36 – 37 tỉ đồng cho chương trình khuyến công, phát triển nghề và làng nghề.
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, 4 làng nghề truyền thống đã được khôi phục và công nhận. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân ở làng nghề cho biết họ chưa nhận được hỗ trợ nào, thưa ông!
Có hơn 1.350 làng nghề và có nghề, 292 làng nghề được công nhận, 214 nghệ nhân (nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú…) chúng tôi không thể đến hỏi từng người được. Hằng năm, bao giờ, chúng tôi cũng có chỉ đạo đến từng quận, huyện. Các chính sách khuyến khích phát triển phải do từ dưới địa phương đưa lên. Còn việc nghệ nhân có đảm bảo cuộc sống hay không thì phải theo cơ chế thị trường.

 

Ngọc An