23/01/2025

Hũ mắm và người miền Trung…

Chén mắm nhắc nhớ quê nghèo, nhắc nhớ tuổi thơ bươn chải mưu sinh như con cá biển quê mình, gắp miếng dưa cà, lát thơm giòn rụm nhớ góc vườn quê khét nắng…

 

Hũ mắm và người miền Trung…

 

Chén mắm nhắc nhớ quê nghèo, nhắc nhớ tuổi thơ bươn chải mưu sinh như con cá biển quê mình, gắp miếng dưa cà, lát thơm giòn rụm nhớ góc vườn quê khét nắng…

 

 

 

 

Chuyện cá, chuyện biển đang là thời sự của mấy tháng qua.

Dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế… thiếu cá biển thèm đã đành, nhiều người dân gốc xứ vùng này ở Sài Gòn hay Hà Nội dù ly hương nhưng vẫn kêu thèm con cá biển quê nhà.

Bởi dù sống xa quê nhưng với nhiều người, con cá biển quê vẫn được đóng vào thùng xốp ướp đá, theo những chuyến xe đường trường về tận trong căn bếp người ly hương. Ô hay, con cá biển miền Trung cũng là cá, cớ sao quay quắt nhớ với thèm?

Hoá ra cũng là cá, nhưng con cá biển miền Trung khác với cá các vùng biển khác. Không riêng cá biển mà cá sông miền Trung cũng thế.

“Hằng mắm ruốc” – cô gái tốt nghiệp thạc sĩ ở Úc, từ bỏ luôn học bổng học tiếp lên tiến sĩ để về quê làm mắm, bán mắm – đã nhập môn cho tôi về chuyện vì sao con cá miền Trung lại ngon:

Quê nghèo miền Trung không có những châu thổ mỡ màu, nhưng chính những con sông chảy xiết (vì thế nên xanh trong) đã cho xứ sở này những đặc ân không vùng đất nào có được.

Dòng sông nước xiết, không nhiều phù sa để con cá sông quê kiếm nhiều phù du, vì thế mà phải quẫy đạp lội bơi nhiều hơn con cá của những dòng sông khác.

Bởi thế mà cũng một loài cá ấy, nhưng con cá trên dòng sông miền Trung săn chắc hơn, thơm ngon hơn, như một đền bồi cho “cái tội” không ăm ắp phù sa bồi tưới ruộng đồng.

Rồi khi dòng sông đổ ra biển, vùng biển cuối sông cũng không nhiều thức ăn cho cá như những con sông của vùng châu thổ hai đầu đất nước.

Chính những vùng biển mà cửa sông đổ ra hiếm hoi phiêu sinh vật, phù du… nên điều kiện sống của con cá vùng biển miền Trung cũng khắc nghiệt hơn, con cá bơi lội kiếm ăn vất vả hơn!

Vì kiếm ăn vất vả nên cá phải bơi lội nhiều, bơi lội nhiều nên thịt cá chắc hơn, thơm hơn, ruột cá không có nhiều bùn như cá ở vùng biển có cửa sông giàu có phù sa.

Chính nhờ ruột cá ít bùn, thịt cá săn chắc nên con cá biển quê miền Trung khi được đánh bắt về ủ làm mắm thì chất lượng nước mắm ngon hơn, độ đạm cao hơn (từ sông ra bể, từ chuyện cá nghĩ qua chuyện người.

Nghe chuyện con cá biển quê nhà mà sao giống phận đời người quê xứ miền Trung đến vậy!).

Cũng vì quê nghèo khắc nghiệt nên “dự trữ chiến lược” của người miền Trung luôn có thêm… hũ mắm.

Dân xứ này có thành ngữ “hũ mắm đầu giàn”, có nhiều cách hiểu, nhiều cách ví von, nhưng thông dụng nhất vẫn hàm chứa ẩn ý về một thứ của để dành, quý giá và dễ vỡ.

Nhất là những cậu con trai độc đinh của gia đình, của dòng họ. Trong một xã hội vốn còn trọng chuyện nối dõi tông đường, vậy mà đứa con gánh nhiệm vụ trọng đại ấy không ví như vàng bạc châu báu kim cương mà lại ví với… hũ mắm!

Bảo rằng: “Thằng đó là “hũ mắm đầu giàn” của nhà ông A, bà B” là đủ hiểu rằng cậu con trai ấy rõ là con một, là nối dõi thừa tự, là cẩn thận gìn giữ kẻo vỡ! Nôm na là như thế.

Nhưng thật ra ông bà mình xưa luôn hàm chứa sự thâm hậu trong những so sánh nôm na. Ví đứa con nối dõi hiếm hoi là hũ mắm, vậy hẳn hũ mắm này quý hơn tiền muôn bạc vạn, nhưng vì sao lại là hũ mắm?

Quê nghèo xứ khó, đắp đổi cả một mùa giá rét, dân miền Trung thường kiếm dưa cà dưa quả, thêm ít cá nục cá trích… từ dạo mùa hè rồi ướp cá, đem ủ phơi ngoài nắng qua vài ba tháng mới thành hũ mắm dành dụm ngày đông tháng giá đắp đổi những bát cơm độn sắn độn khoai.

Tôi quen biết nhiều đồng hương miền Trung nay thành đại gia giữa Sài Gòn, dù bữa ăn có đầy cao lương mỹ vị nhưng không thể thiếu chén mắm.

Chén mắm nhắc nhớ quê nghèo, nhắc nhớ tuổi thơ bươn chải mưu sinh như con cá biển quê mình, gắp miếng dưa cà, lát thơm giòn rụm nhớ góc vườn quê khét nắng…

LÊ ĐỨC DỤC