23/12/2024

Bí ẩn ‘gói tác quyền’ 50 triệu đồng

Nhiều nhà văn đã “tá hoả” tìm hiểu xem mình có nằm trong danh sách “gói tác quyền 50 triệu đồng” mà Ban Bản quyền Hội Nhà văn VN đã bán cho Waka hay không.

 

Bí ẩn ‘gói tác quyền’ 50 triệu đồng

Nhiều nhà văn đã “tá hoả” tìm hiểu xem mình có nằm trong danh sách “gói tác quyền 50 triệu đồng” mà Ban Bản quyền Hội Nhà văn VN đã bán cho Waka hay không.




Quyên được bán bản quyền để làm phim với giá 200 triệu đồng, nhưng lại được đọc với phí 0 đồng trên Waka  /// Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Quyên được bán bản quyền để làm phim với giá 200 triệu đồng, nhưng lại được đọc với phí 0 đồng trên WakaẢNH: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP


Sau khi vụ việc tác phẩm Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ được cho đọc miễn phí trên mạng bị phanh phui, nhiều nhà văn đã “tá hoả” tìm hiểu xem mình có nằm trong danh sách “gói tác quyền 50 triệu đồng” mà Ban Bản quyền Hội Nhà văn VN đã bán cho Waka hay không.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ gọi điện ngay cho nữ nhà văn Đỗ Bích Thuý khi biết Ban Bản quyền Hội Nhà văn (VLCC) đã bán tác quyền của nhiều nhà văn với giá 50 triệu đồng trong thời hạn 1 năm cho Waka.
 
 

“Siêu quyền lực” đối với con đẻ của nhà văn

Theo nhà văn Đỗ Bích Thuý, rất nhiều nhà văn đã ký hợp đồng uỷ quyền cho VLCC. Có những lúc, các nhà văn tới hội dự một cuộc họp được phát hợp đồng trước khi vào hội trường. Sau khi họp xong họ nộp lại bản đã ký. Tất cả đều ký trong tinh thần tin tưởng vào việc Hội Nhà văn sẽ bảo vệ quyền lợi về bản quyền cho mình. Tuy nhiên, nội dung cụ thể của hợp đồng thì cả ông Thọ lẫn bà Th, tới Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trần Đăng Khoa đều… không nhớ.
Trong khi đó, đấy lại là một bản hợp đồng trao “siêu quyền lực” cho VLCC. Theo đó, nhà văn uỷ quyền cho ban này quản lý, khai thác và bảo vệ toàn bộ các quyền tài sản được công bố tác phẩm theo quy định tại điều 19 và 20 luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học mà nhà văn đang sở hữu, đồng sở hữu hợp pháp hoặc sẽ sở hữu trong tương lai. Chúng bao gồm: quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm, quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác… VLCC còn được quyền thực hiện việc uỷ quyền lại mà không cần phải báo trước với các nhà văn.
Với tất cả các “siêu quyền lực trên”, VLCC đã ký hợp đồng cho phép Waka sử dụng các tác phẩm của nhiều nhà văn với giá 50 triệu đồng/năm. Điều này dẫn đến việc nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã phải sững sờ khi thấy tiểu thuyết Quyên của mình có thể đọc với giá 0 đồng trên mạng của Waka. Được hỏi, có phải như vậy các nhà văn đã cho VLCC quá nhiều quyền mà không hiểu hết có đúng không, ông Trần Đăng Khoa nói: “Đúng rồi, không hiểu đâu”.
Bản thân Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, ông Trần Đăng Khoa khi được hỏi cũng không rõ mình có thuộc danh sách “gói tác quyền 50 triệu” hay không. Mặc dù vậy, trên trang Waka tác phẩm Góc sân và khoảng trời của thần đồng thơ năm nào cũng có một vị trí. Nhà văn Tạ Duy Anh cũng chia sẻ không hề biết về hợp đồng này, cho dù cuốn Thiên thần sám hối của ông cũng có mặt trên trang của Waka.
Không chuyên nghiệp về bản quyền
Trả lời Thanh Niên, phía Waka cho biết sẽ không trả lời câu hỏi của báo về việc có tên tác giả này hay kia trong danh sách không vì nó liên quan đến nội dung chi tiết hợp đồng và điều khoản bảo mật thông tin. Về phía mình, Waka muốn đính chính con số 189 (con số do VLCC cung cấp cho báo chí - NV). Đây không phải số nhà văn hay số tác giả mà là số tác phẩm tính đến hiện tại của hợp đồng giữa Waka và VLCC. Về việc nhà văn Nguyễn Văn Thọ muốn xem hợp đồng giữa Waka và VLCC mà không được, Waka cho rằng do trong hợp đồng đã ký có điều khoản bảo mật thông tin nên Waka hay VLCC không được đơn phương cung cấp hợp đồng cho bên thứ 3 xem khi chưa có sự đồng ý của bên kia.
Khi được hỏi về việc tại sao không thông báo để người trong “gói 50 triệu” biết, ông Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội Nhà văn, cũng là Phó trưởng ban thường trực của VLCC, nói: “Nói luôn là thông báo thì chỉ một số người được thông báo chứ hàng trăm người làm sao báo hết được”.
Về vấn đề tác quyền, ông Hàn phân bua những người làm trong VLCC đều không phải chuyên nghiệp về bản quyền. Trưởng ban, nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, chủ yếu làm bên truyền hình, thỉnh thoảng mới qua. Còn 3 nhân viên cũng không học về bản quyền. “Ông Thọ bảo chúng tôi thế thì không chuyên nghiệp, tôi cũng cười bảo đúng rồi”.
Ông Trần Đăng Khoa cho biết, đã có văn bản báo cáo lên Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh. “Tôi cũng đang chờ ông Thỉnh quyết định thế nào”, ông Khoa nói.
Nên xem xét điều chỉnh hợp đồng
Theo luật sư Lê Quang Vy, Giám đốc Công ty LVT Lawyers: “Thứ nhất, việc nhà văn Thọ ký với VLCC cả hai bên đều tự nguyện. Khi ông Thọ trao toàn bộ quyền khai thác đã trao cả quyền khai thác tác phẩm trên mạng. Thứ hai, nếu ông Thọ huỷ hợp đồng thì thời hiệu của việc hủy sẽ tính từ lúc ông Thọ huỷ hợp đồng. Nó không có hiệu lực hồi tố nên các hợp đồng VLCC ký với Waka vẫn có hiệu lực. Waka cho độc giả của họ đọc miễn phí là quyền của họ. Còn nếu sau khi ông Thọ đã chấm dứt uỷ quyền mà VLCC vẫn cố tình ký bán tác phẩm thì VLCC sai. Về mặt luật pháp là vậy”.
Về việc các nhà văn trong danh sách đã được Waka mua tác quyền, trong hợp đồng giữa VLCC và nhà văn có thoả thuận khi ký với đối tác khác VLCC không cần thông báo cho tác giả, vì thế theo ông Vy, Hội Nhà văn không cần thông báo.

 

Trinh Nguyễn