24/12/2024

Sài Gòn mất thêm biệt thự cổ tuổi đời gần trăm năm

Ngôi biệt thự xây kiểu châu Âu tọa lạc tại số 237 Nơ Trang Long gần cầu Băng Ky (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị tháo dỡ để xây lại, khiến khách qua đường mấy ngày nay ngẩn ngơ vì đây là ngôi “nhà xưa” hiếm hoi còn lại ở Sài Gòn.

 

Sài Gòn mất thêm biệt thự cổ tuổi đời gần trăm năm 

 

Ngôi biệt thự xây kiểu châu Âu tọa lạc tại số 237 Nơ Trang Long gần cầu Băng Ky (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị tháo dỡ để xây lại, khiến khách qua đường mấy ngày nay ngẩn ngơ vì đây là ngôi “nhà xưa” hiếm hoi còn lại ở Sài Gòn.

 

 

 

 

Các thanh gỗ kèo và đòn tay đang xếp đầy trước sân ngôi biệt thự 237 Nơ Trang Long sáng 26-6 sau 3 ngày tháo dỡ -  Ảnh: Hữu Thuận
Các thanh gỗ kèo và đòn tay đang xếp đầy trước sân ngôi biệt thự 237 Nơ Trang Long sáng 26-6 sau 3 ngày tháo dỡ – Ảnh: Hữu Thuận

 

 

Có mặt tại hiện trường vào sáng 26-6, PV Tuổi Trẻ chứng kiến công trình tháo dỡ ngôi biệt thự cổ đang bị dừng lại.

Nhóm thợ tụ lại bên kia đường đối diện ngôi nhà để uống cà phê. Trước nhà có cán bộ phường 11, quận Bình Thạnh đang lập biên bản.

Tạm đình chỉ việc tháo dỡ căn nhà

Ông Sáu – người đại diện phía chủ nhà – cho biết công trình tháo dỡ ngôi nhà này bắt đầu từ ba ngày trước. Khi hỏi về giấy phép xây dựng, ông Sáu nói ông xin giấy phép để tháo dỡ ngôi nhà cũ này xây mới lại, nhưng suốt mười tháng nay ông đi từ phường, quận, lên đến thành phố mà vẫn không xin được giấy phép.

Trước tình trạng ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng, mục rệu có nguy cơ đổ sập gây nguy hiểm trước mùa mưa năm nay, ông Sáu “tự làm” bằng cách đập ra với ý định sẽ xây mới lại, “sẽ xây lui ra phía sau so với ngôi nhà cũ này”, ông Sáu 
nói thêm.

Về việc công trình bị đề nghị ngưng thi công, ông Sáu cho biết đó là lệnh của phường yêu cầu ngưng thi công, giữ nguyên hiện trạng để báo cáo về quận và thành phố.

Tuy nhiên, ông Sáu khẳng định ngôi nhà đang tháo dỡ nửa chừng như thế này nếu ngưng lại cũng rất nguy hiểm, cho nên trong nay mai ông sẽ xin phép tiếp tục tháo dỡ để tránh sập đổ gây nguy hại. Sau đó sẽ tiếp tục xin giấy phép xây dựng nhà mới.

Tại hiện trường, ngôi nhà tháo dỡ hết phần mái, các khung cửa tháo đi, tường đập dang dở, hành lang chỉ còn trơ các hàng cột.

Những thanh gỗ vì kèo, đòn tay sau khi tháo dỡ vẫn còn xếp ở sân trước sát mé rào. Sau khi phía phường lập biên bản, ông Sáu cho thợ thu dọn đồ nghề về nghỉ.

Cùng ngày, một lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh cho biết sáng 26-6, UBND phường 11 của quận này lập biên bản tạm đình chỉ tháo dỡ căn nhà số 237 Nơ Trang Long theo yêu cầu của Sở Quy hoạch – kiến trúc và Hội đồng bảo tồn TP.

Theo lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh, biệt thự này hiện chưa được xếp hạng. Trước đây, chủ nhà xin phép sửa chữa và UBND quận có văn bản xin ý kiến của UBND TP về việc này.

Cách đây khoảng hai tháng, Sở Quy hoạch – kiến trúc TP có văn bản gửi UBND quận yêu cầu tạm ngừng việc cấp phép sửa chữa chờ các cơ quan chức năng thực hiện xếp hạng biệt thự.

Ngày 25-6, quận phát hiện chủ nhà tự ý tháo dỡ. “Trong tuần này, UBND Q.Bình Thạnh sẽ có văn bản báo cáo UBND TP để xin ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết nhu cầu của chủ nhà” – lãnh đạo này cho biết.

“Nhà cổ ven đường” 
tuổi đời gần trăm năm

Đây là một trong những ngôi biệt thự đẹp, được xây cất theo lối kiến trúc châu Âu rất đẹp. Ngôi nhà này từng được nhà báo Phạm Công Luận gọi là “Nhà cổ ven đường” – tên một bài viết trong tập Sài Gòn – Chuyện đời của phố (tập 1).

Theo đó, chủ nhân ngôi biệt thự này là ông Lê Minh Tri. Gia đình ông Tri khá giả vào thời đó, con cháu “cất nhiều căn nhà sống gần nhau từ ngã ba Trung Thành (Nơ Trang Long – Trần Quý Cáp) cho đến tận cầu Băng Ky”.

Cũng theo tác giả Phạm Công Luận, ngôi nhà của ông Lê Minh Tri được “xây cao trên nền đất đắp từ hàng ngàn xe bò chở đất, là căn nhà tráng lệ, đẹp đẽ nhất ở khu vực ngã năm Bình Hoà”.

Trong bài viết này, tuy chỉ đề cập “nhà xây kiểu phương Tây từ đầu thế kỷ 20”, nhà báo Phạm Công Luận cũng mô tả hiện trạng ngôi nhà vào năm 2013 – lúc tác giả đến gặp chủ nhà đang sống ở đây:

“Ngôi nhà bên ngoài đẹp đẽ nhưng nhìn kỹ có những mảng tường nứt phải vá lại bằng ximăng. Trần nhà nay rụng lớp ximăng, lộ ra sườn gỗ mục, tưởng chừng có thể sớm sập bất cứ lúc nào”.

Điểm mô tả này trùng với cách mô tả của ông Sáu nói trên. Đồng thời, ông Sáu cho biết ngôi biệt thự này xây từ năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923.

Ông Sáu cho biết ông là chủ mới của ngôi nhà này từ 10 tháng nay, khi mua ông có hỏi và phía gia đình chủ bán cho biết ngôi nhà xây từ năm 1921.

“Sau đó tôi hỏi thêm bà con chòm xóm ở đây thì biết ngôi nhà xây xong vào năm 1923” – ông Sáu cho biết thêm.

Như vậy là Sài Gòn lại chia tay với một ngôi biệt thự có tuổi đời gần trăm năm.

Mặt tiền ngôi biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long  - Ảnh: Nguyễn Đình
Mặt tiền ngôi biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long – Ảnh: Nguyễn Đình

Chưa ban hành dự thảo đánh giá, phân loại biệt thự

Theo quy định, nhà biệt thự được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 là biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá, biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng bảo tồn (thành lập theo Luật nhà ở) xác định và lập danh sách để trình UBND TP phê duyệt.

Những biệt thự này được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.

Nhóm 2 là biệt thự có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hoá, không thuộc nhóm 1, cũng do Hội đồng bảo tồn xác định, lập danh sách và do UBND TP phê duyệt.

Các biệt thự nhóm này phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, có thể thay đổi cấu trúc bên trong. Các biệt thự nhóm 3 là biệt thự không thuộc nhóm 1 và nhóm 2 trên.

Chủ nhà được xây, sửa theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng hiện hành.

Một thành viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP cho biết hội đồng này và cơ quan chức năng đã xây dựng dự thảo các tiêu chí để đánh giá, phân loại biệt thự trên địa bàn TP trình UBND TP.

Tuy nhiên, dự thảo trên còn điều chỉnh nhiều lần nên chưa được ban hành. Vì vậy, biệt thự số 237 Nơ Trang Long và nhiều biệt thự khác đều chưa được xếp loại. UBND TP phải ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự làm cơ sở để Hội đồng bảo tồn thực hiện phân loại. Lúc đó, các địa phương mới có cơ sở để quản lý, cho phép tháo dỡ, xây dựng mới hoặc từ chối.

Vị này cũng cho hay dự thảo tiêu chí đánh giá trên cũng soạn sẵn những chính sách hỗ trợ cho người sở hữu, quản lý những biệt thự nhóm 1 và nhóm 2.

Trong thực tế, người sở hữu các biệt thự cũ bị hạn chế rất nhiều trong việc tháo dỡ, xây dựng mới hoặc sửa chữa. Bảo quản, trùng tu để giữ đúng đặc điểm kiến trúc, giá trị nghệ thuật hoặc giá trị lịch sử của một ngôi nhà cổ rất tốn kém, đòi hỏi người thiết kế, thi công phải có những kiến thức sâu sắc và chuyên biệt về mảng bảo tồn.

Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì người dân (chủ nhà) sẽ không có khả năng thực hiện.

 

LAM ĐIỀN – D.N.HÀ