24/01/2025

Xả rác, tiểu bậy… tràn lan

Tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành vi phản cảm làm mất mỹ quan đô thị xảy ra tràn lan, nhưng việc xử phạt để chấn chỉnh dường như bỏ ngỏ.

 

Xả rác, tiểu bậy… tràn lan

Tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành vi phản cảm làm mất mỹ quan đô thị xảy ra tràn lan, nhưng việc xử phạt để chấn chỉnh dường như bỏ ngỏ.



Rác thải tràn ra đường Hồ Xuân Hương, Q.3 (TP.HCM)  /// Ảnh: Khả Hòa

 

Rác thải tràn ra đường Hồ Xuân Hương, Q.3 (TP.HCM)ẢNH: KHẢ HOÀ


Tiếp giáp với 4 mặt phố của Q.Hai Bà Trưng, công viên Thống Nhất được xem là một trong những công viên lớn nhất thủ đô Hà Nội và thường xuyên đón lượng khách lớn.
Những người đàn ông đứng úp mặt vào tường
Thế nhưng, bộ mặt của công viên Thống Nhất đang ngày một bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn tiểu bậy. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là quanh cổng chính tiếp giáp với phố Trần Nhân Tông. Theo đó, nằm ngay bên cổng chính ra vào công viên Thống Nhất là một điểm dừng chờ xe buýt, nên chẳng mấy khó khăn để người đi đường tận mắt chứng kiến cảnh tượng, cứ mỗi lần xe dừng là cánh tài xế cũng như phụ xe, rồi cả hành khách đi xe… lại đua nhau tiểu bậy vào góc tường rào sắt của công viên nằm kế đó.
 
 
Xả rác, tiểu bậy... tràn lan - ảnh 1
Trong lúc chờ ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên thì đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng phải được nâng lên. Mỗi quy định được đưa ra đều có lực lượng chức năng để thực thi việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm…

Xả rác, tiểu bậy... tràn lan - ảnh 2
 
TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ)
 

Và hậu quả là mùi xú uế bốc lên nồng nặc, khiến ai đi ngang qua cũng phải bịt mũi. Những đống nước tiểu lênh láng chảy thành vũng, thấm cả xuống lòng đường. Tới độ lãnh đạo công viên Thống Nhất đã phải cắm biển “Khu vực cấm đái bậy” và cho giăng dây khoanh vùng cấm… Nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua. Lúc 10 giờ ngày 24.6, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, do mùi xú uế từ tiểu bậy, phía công viên Thống Nhất đã phải điều xe téc có gắn vòi rồng phun nước làm sạch…

Cách đó không xa, con đường gốm sứ ven sông Hồng chạy dọc theo các phố Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư vốn đẹp, nổi bật là vậy nhưng cũng phải chịu cùng cảnh ngộ.
Cứ vài chục mét là người ta lại bắt gặp cảnh tượng một người đàn ông đứng úp mặt vào tường rồi thản nhiên kéo khoá quần tiểu bậy… Lâu dần, con đường gốm sứ có nhiều đoạn bị ố vàng, ăn mòn do nước tiểu. Còn trong dịp thời tiết ở Hà Nội nắng nóng như những ngày qua, mùi hôi hám từ những vũng nước tiểu bốc lên khiến người qua đường phải bịt mũi, nín thở.
Bà Nguyễn Thị Hà (nhà ở đường Hồng Hà) phản ảnh: “Họ cứ ngang nhiên tiểu bậy mà chẳng biết xấu hổ là gì. Lắm hôm đi ngang qua con đường gốm sứ để vào nhà, rõ ràng là họ nhìn thấy mình mà vẫn coi như chỗ không người”. Điều đáng nói là những điểm tiểu bậy này chỉ cách nhà vệ sinh công cộng có vài bước chân. Cụ thể như “điểm đen” tiểu bậy bên bờ tường Cung văn hoá Hữu nghị Việt – Xô, ngay gần ngã ba Yết Kiêu – Trần Hưng Đạo, điểm tiểu bậy trên phố Hỏa Lò, điểm đối diện cổng bán vé tham quan khu di tích Nhà tù Hỏa Lò… Ven các hồ lớn của Hà Nội như hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Giảng Võ…, nhiều người thiếu ý thức vẫn hồn nhiên tiểu bậy xuống hồ.
Xả rác, tiểu bậy... tràn lan - ảnh 3

Thản nhiên tiểu bậy trước cổng công viên Thống Nhất (Hà Nội)ẢNH: HÀ AN

Người đi rác ở lại
Tương tự, nhiều năm qua, người dân TP.HCM cũng bức xúc trước tình trạng phóng uế bừa bãi trên đường phố. Điển hình, tại khu vực phía sau nhà thờ Huyện Sĩ, góc đường Lương Hữu Khánh – Nguyễn Trãi (Q.1), theo ghi nhận của PV vào trưa 25.6, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ từ 13 – 14 giờ mà có khoảng 10 người đến tiểu tiện vào chân trụ biến áp điện. Ở đây, vào giờ nghỉ trưa có rất nhiều xe taxi đậu quanh đây nên trong góc đường trở thành khu vực kín đáo, khá lý tưởng để “xả nỗi buồn”. Trên tường rào có để tấm biển với nội dung: “Cấm vứt rác, tiểu tiện nơi tôn nghiêm” nhưng không mấy ai quan tâm.
Ngay công viên 30.4 nằm cạnh nhà thờ Đức Bà (Q.1), ngày nào cũng có nhóm người buôn bán hàng rong tụ tập, cùng nhiều nhóm người đến ngồi hóng mát, ăn uống… Cảnh xả rác theo đó cũng rất phổ biến với đủ loại giấy, bọc ni lông vương vãi khắp lối đi, mặc dù tại đây có đặt biển cấm buôn bán hàng rong, xả rác. Tương tự, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tuy cũng cắm biển cấm xả rác và TP đặt nhiều thùng rác kích thước lớn, nhưng rác thải vẫn bị vứt bỏ bừa bãi, đặc biệt là vào ban đêm. Nghiêm trọng hơn, trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa (Q.1, Q.3, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình…), đường Phạm Văn Đồng (Q.Tân Bình, Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh…), hàng loạt quán nhậu tràn ra vỉa hè, hoạt động nhốn nháo, xả rác, chất thải vô tội vạ ra đường.
Ngay cả trên đường Mai Chí Thọ (Q.2), phía đầu đường hầm sông Sài Gòn (Q.1, Q.2) nơi thường xuyên có nhiều nhóm người đến trải bạt ngồi ăn uống, nhưng khi người rút đi thì rác ở lại. Điều đáng nói là tình trạng này lặp đi lặp lại hằng ngày nhưng rồi “đâu vẫn còn đó”. Trong khi đó, các hành vi xả rác, đổ nước thải, hút thuốc nơi công cộng… có mức phạt cao nhất 400.000 đồng/lần vi phạm theo Nghị định 179/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, khi được hỏi về kết quả xử lý vấn đề này, thông tin từ UBND các quận đều có “mẫu số chung”, là số trường hợp bị xử lý không đáng kể, thậm chí có quận chưa bao giờ thống kê cụ thể là trong một năm hoặc trong một tháng, lực lượng chức năng trên địa bàn lập biên bản, xử phạt được bao nhiêu trường hợp xả rác, phóng uế… Tương tự, TP.HCM đã ra lệnh cấm đánh bắt cá nhưng tình trạng đánh bắt, câu cá trái phép vẫn diễn ra hằng ngày ở dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
TS Diệp Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), nhận định: “Trong lúc chờ ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên thì đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng phải được nâng lên. Mỗi quy định được đưa ra đều có lực lượng chức năng để thực thi việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm… Nếu lực lượng đó không làm đúng chức trách thì rõ ràng gây ra sự lãng phí về nguồn lực con người, ngân sách, bởi những con người đó được trả lương bằng tiền ngân sách. Đó là chưa kể trật tự kỷ cương bị xem thường, buông lỏng”, TS Sơn nói.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM, đề nghị: “Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức, để đảm bảo mỹ quan đô thị, phải tăng cường kiểm tra, xử phạt những người cố tình vi phạm, công khai danh sách lên phương tiện truyền thông. Cần phải lắp đặt đầy đủ camera ở nơi công cộng để vừa làm bằng chứng phạt nguội người vi phạm, vừa làm cơ sở chế tài lực lượng quản lý địa bàn khi không thường xuyên tuần tra, xử lý”.
Q.1 xử phạt gần 300 người tiểu bậy
Riêng đối với hành vi tiểu bậy nơi công cộng, trong số 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, duy chỉ có Q.1 ra quân xử phạt. Sau hơn 2 tháng (tháng 4.2016) Đội quản lý trật tự đô thị Q.1 đồng loạt ra quân, có gần 300 trường hợp bị lập biên bản.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết hằng ngày lực lượng quản lý đô thị thường xuyên tuần tra địa bàn, nếu phát hiện người tiểu bậy thì lập tức ghi hình để làm bằng chứng xử lý. Với lần vi phạm đầu tiên, mỗi trường hợp bị xử phạt 200.000 đồng. Chế tài kèm theo là bắt buộc người vi phạm phải dội nước nơi đã tiểu bậy. Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng lên 300.000 đồng/lần, theo quy định tại điều 7, Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
Sau khi Q.1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm trong vòng 10 ngày phải đến Kho bạc Nhà nước TP nộp phạt. Nếu không nộp phạt thì Q.1 sẽ gửi thông báo đến chính quyền địa phương nơi người vi phạm cư trú để đôn đốc, yêu cầu thực hiện. Nếu vẫn chây ì, Q.1 gửi thông báo đến nơi cư trú, đồng thời tiến hành cưỡng chế bằng cách kê biên tài sản hoặc trừ lương đối với người làm việc có hưởng lương theo quy định.
Cùng với chủ trương xử phạt tiểu bậy nơi công cộng, Q.1 mở đợt vận động cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh miễn phí khi có nhu cầu.
Tân Phú

Xả rác, tiểu bậy... tràn lan - ảnh 4

Ảnh: NVCC

       

PGS-TS Phạm Thuý Loan, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc quốc gia: Cùng lúc giáo dục, phạt và đầu tư cho văn minh công cộng

Người dân có xu hướng dửng dưng, không lên án hành vi thiếu văn minh nơi công cộng vì nó diễn ra quá nhiều. Trả lờiThanh Niên, PGS-TS Phạm Thúy Loan chia sẻ cách “chặn” xu hướng đó lại.
Người nước ngoài đến VN nhặt rác và nói, rác dọn hôm trước hôm sau lại xuất hiện. Những đoạn đường gốm kỷ lục Guinness sực mùi khai. Khách qua đường bị hắt nước. Các khu vệ sinh công cộng bẩn không tả nổi. Điều này có phải phổ biến và tràn lan trên đất nước hay không, hay nó chỉ là cá biệt?
Tất nhiên trong thành phố có chỗ này chỗ khác, trên toàn VN cũng có thành phố này thành phố khác, có những nơi cũng rất văn minh sạch sẽ. Nhưng khách quan mà nói thì những hiện tượng mất vệ sinh, thiếu văn hóa như trên là khá phổ biến, theo quan sát của tôi.
Ở Hội An, người dân nhắc nhau từng việc nhỏ. Không xả rác. Tuyệt đối không dùng túi ni lông ở Cù Lao Chàm. Có phải vì Hội An bé mà người ta có thể làm thế, và vì những thành phố khác lớn nên không thể giữ văn minh ứng xử hay không.
Hành vi của mỗi người, đặc biệt là những hành vi nơi công cộng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nền tảng giáo dục, trình độ văn hoá, thói quen vô thức, ý thức thái độ, các quy định pháp luật và cả bối cảnh – khung cảnh xung quanh.
Một người có được sự dưỡng dục tốt thì không vứt rác, không làm ô nhiễm không gian công cộng dù bất cứ hoàn cảnh hay điều kiện nào. Ví dụ ở Nhật Bản, nếu chưa có thùng rác thì họ sẽ cầm rác cho đến khi gặp thùng rác chứ không vứt rác hay tàn thuốc bừa bãi. Những cộng đồng nhỏ, có sự đồng nhất, có niềm tự hào địa phương như Hội An, Cù Lao Chàm cũng thuận lợi hơn so với những thành phố lớn.
Khung cảnh và bối cảnh cũng quan trọng. Chúng ta sẽ có xu hướng giữ vệ sinh nếu môi trường vốn sạch đang sạch và được giữ gìn sạch (lau dọn thường xuyên). Ngược lại, cũng là chúng ta thôi nhưng có thể vứt rác điềm nhiên nếu chúng ta thấy xung quanh đầy rác. Điều này tạo nên vòng xoáy khuếch đại tiêu cực: đã bẩn sẽ càng bẩn, bẩn đến mức không thể làm sạch được.
Như vậy, vấn đề giữ vệ sinh môi trường cần được can thiệp đồng thời ở nhiều cấp độ và lãnh địa: giáo dục ý thức cộng đồng, áp dụng chế tài pháp luật, và cả việc đầu tư để tạo ra những môi trường sạch sẽ có tác dụng chi phối hành vi người dân. Cả ba lãnh địa trên đều đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ và kiên trì của những nhà lãnh đạo đô thị. Khó nhưng không phải là không thể.
Hiện tại, việc phạt các hành vi đổ rác, xả rác bừa bãi được quy định trong Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tới giờ chưa có ai bị phạt vì hành vi đổ rác như vậy. Bà đánh giá điều này ra sao?
Để giám sát thực thi việc chế tài, xử phạt hành vi đổ rác cần nguồn lực con người để đảm bảo tính hiệu quả. Người giám sát thì ít, người đổ rác thì quá nhiều, có lẽ vì thế mà chúng ta “buông”. Ở đây, việc kết hợp công cụ pháp luật và việc xây dựng ý thức và văn hóa quan trọng ngang nhau.
Một số khu đô thị biệt lập, giá thành cao đang rất sạch. Liệu việc văn minh có liên quan đến thu nhập không?
Những nơi đó sạch vì luôn có người dọn dẹp và cư dân có thể chi trả cao cho phí dịch vụ, nên họ được một môi trường sạch sẽ. Một số nơi còn đào tạo cả người giúp việc của các gia đình trong khu để họ biết cách giữ vệ sinh, chẳng hạn không xả rác nơi công cộng, không vứt bỉm bên bể bơi sau khi thay cho trẻ em. Như vậy, họ kết hợp cả việc tạo môi trường sạch với xây dựng lối sống sạch.
Tôi nghĩ văn minh không có liên quan trực tiếp đến thu nhập. Nhưng cũng phải thừa nhận một logic chung là trong các xã hội phát triển hợp lý thì những người giàu có luôn là những người giỏi giang, tài ba và có văn hóa.
Ai cũng sẽ nói về chuyện giáo dục, tuyên truyền các hành vi ứng xử văn minh nơi công cộng. Nhưng giáo dục tuyên truyền khó có hiệu quả ngay. Kinh nghiệm các nước ra sao, thưa bà?
Khi vẫn còn nhiều hoặc quá nhiều người thiếu ý thức, thì pháp luật là cực kỳ cần thiết. Ví dụ, ban đầu ở Singapore vứt rác ra đường bị phạt nặng, hàng trăm USD, và đến bây giờ thì không còn ai vứt rác nữa. Có thể do ban đầu là sợ bị phạt, rồi dần dà hình thành nên ý thức, thái độ tôn trọng vệ sinh chung.
Trinh Nguyễn
(thực hiện)

 

Thanh Niên