25/12/2024

Giấc mơ siêu nhí – Kỳ 4: Tivi đang cổ xúy điều gì?

Nhiều bé thi game show được quảng bá bằng những lời có cánh: “Thần đồng”, “Cô nể phục con”… Đã có khán giả nhận xét: “Như thế này thì cả nước có hàng triệu thần đồng. Đừng biến con thành máy kiếm tiền”.

 

Giấc mơ siêu nhí – Kỳ 4: Tivi đang cổ xúy điều gì?

 

Nhiều bé thi game show được quảng bá bằng những lời có cánh: “Thần đồng”, “Cô nể phục con”… Đã có khán giả nhận xét: “Như thế này thì cả nước có hàng triệu thần đồng. Đừng biến con thành máy kiếm tiền”.

 

 

 

 

Giấc mơ siêu nhí - Kỳ 4: Tivi đang cổ xúy điều gì?
Các thí sinh dự thi Người hùng tí hon – Ảnh: THVL1

“Đừng biến con thành máy kiếm tiền”

Không ít khán giả màn ảnh nhỏ có băn khoăn giống chị Thanh: “Các bé ngây thơ lắm, được hát được diễn trên sân khấu là vui. Vậy mà mỗi khi có ai bị loại là các bé khóc như mưa. Trông giả tạo sao đó. Liệu có bàn tay sắp đặt của người lớn để tạo thêm kịch tính bi thương cho chương trình?”.

Mà không chỉ nước mắt, các nhà sản xuất game show nhí hiện tìm mọi cách để “bơm”… nhân vật của mình lên.

Các bé được quảng bá, giới thiệu với những lời có cánh: “Thần đồng”, “Cô nể phục con”… Đã có khán giả nhận xét trên YouTube: “Như thế này thì cả nước có hàng triệu thần đồng. Đừng biến con thành máy kiếm tiền”.

Gay gắt hơn, anh Bình (Gò Vấp) bình luận: “Xem các chương trình tôi thấy sửng sốt quá. Trẻ con sao lại như vậy. Đó không phải là văn hoá, mà là sự lệch chuẩn. Tivi đang cổ xuý điều gì vậy?”.

Ngay như Trúc Thy – người trực tiếp dạy các bé đi thi game show – cũng bày tỏ băn khoăn: “Đôi khi tôi cũng thấy trăn trở không biết mình dạy cho bé học tốt hay cho cha mẹ vui lòng. Thật sự cũng có nhiều cha mẹ bị ảo vọng về con.

Nhiều người khát khao cho con nổi tiếng nhưng chỉ ngày một ngày hai thì bé làm sao đủ khả năng. Các phụ huynh cũng nên cân nhắc: Học nghệ thuật là để phát triển cho bản thân cá nhân của con chứ không học để thoả mãn mong muốn của bản thân”.

Giấc mơ siêu nhí - Kỳ 4: Tivi đang cổ xúy điều gì?
Ku Tin – gương mặt dễ thương nổi tiếng từ các game show truyền hình – Ảnh: Điền Quân Media

Những màn thi… lệch tuổi

Chị Thanh – nhà ở P.10, Q.Tân Bình (TP.HCM) – cho biết chị và hai con nhỏ thường xuyên xem các chương trình thiếu nhi trên màn ảnh nhỏ. Chị chia sẻ:

“Tôi thích chương trình mang tính giáo dục hơn. Xem Con biết tuốt với phần nhận xét rất lém lỉnh, tự nhiên của các bé về cha mẹ như ghét cha uống bia, mẹ không giữ lời hứa giúp tôi phần nào hiểu thêm tâm lý giới trẻ.

Khi xem Con đã lớn khôn, tôi cũng dặn dò các con khi lâm vào trường hợp với các bé trong chương trình như khi bị lạc thì phải làm sao, vì sao phải thuộc số điện thoại của cha mẹ… Mình nói suông bé không nhập tâm bằng những hình ảnh mắt thấy tai nghe trên màn hình”.

Tuy nhiên, không phải ở game show nhí nào ta cũng được học một điều gì đó. Nhiều khán giả nhìn nhận ở một số cuộc thi có bé trang điểm quá đậm, mặc trang phục hở hang và uốn éo động tác như người lớn.

Phần lớn các bé chọn những bài hát người lớn không phù hợp với lứa tuổi. Trong đêm live show 3 của Thần tượng âm nhạc nhí phát sóng tối 19-6, có bảy ca khúc được trình diễn thì có đến ba ca khúc nước ngoài, bốn bài hát tiếng Việt thì toàn là bài hát người lớn.

Bé An Khang đang nổi đình nổi đám cả trên mạng lẫn truyền hình qua những tiết mục tấu hài bắt chước y chang các nghệ sĩ hài mà bé tự xem và tự học ở các clip. B

é thông minh, thuộc thoại rất tốt và diễn khá duyên. Tuy nhiên, một đứa trẻ mới hơn 4 tuổi mà diễn trên sân khấu oang oang “con này”, “mày, tao”… nghe thật xót xa.

“Game show bây giờ đang cào nát sự duyên dáng sẵn có của một đứa trẻ. Tôi nghĩ nhà đài không nên tổ chức cuộc thi dài hơi và mang tính thắng thua. Các bé còn vô tư, hồn nhiên lắm, đừng biến những đứa con nít thành ông bà cụ non. Chúng không biết gì về thế giới hào nhoáng và phức tạp của showbiz đâu…” - Đạo diễn Hữu Tiến 
- phụ trách lớp nhỏ của đội kịch Tuổi Ngọc.

*Bạn nghĩ gì về nhận định “Game show bây giờ đang cào nát sự duyên dáng sẵn có của một đứa trẻ“? Xin vui lòng để lại ý kiến ở phần bình luận bên dưới.

HOÀNG LÊ – QUỲNH NGUYỄN