01/11/2024

Sắc phong nay trở lại đình

Người làng Hậu Xá thuộc xã Phương Tú, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội trong những ngày này vui vẻ hẳn lên vì vừa đón về bốn đạo sắc phong vốn được xem là “hồn cốt” của làng.

 

Sắc phong nay trở lại đình

 

Người làng Hậu Xá thuộc xã Phương Tú, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội trong những ngày này vui vẻ hẳn lên vì vừa đón về bốn đạo sắc phong vốn được xem là “hồn cốt” của làng.

 

 

 

 

Sắc phong nay trở lại đình
Đình làng Hậu Xá
“Nhiều năm liền cả làng rất buồn chú ạ. Đình thì to đẹp vậy mà cứ thấy trống rỗng sao sao. Trong nhiều năm trời tìm kiếm, nhắn tin nhiều nơi nhưng vô vọng. Nhất là những ngày giỗ lớn, người đến đình rất đông, cũng phẩm vật, lễ nghi đầy đủ, mà cứ thấy trống, thấy vắng. Trong lòng ai cũng buồn vì như mất đi linh hồn của làng vậy!
Cụ thủ từ Đặng Văn Thao 

 

 

Bị đánh cắp, kiếm tìm trong vô vọng, bỗng một ngày làng nhận được tin nhóm Nhân sĩ Hà Đông đang nắm trong tay bốn bản sắc. Làng đã long trọng tổ chức lễ rước vào đình.

Hồn đã về đình

Đình Hậu Xá quy mô rất lớn, cổ kính với những mảng chạm rồng, mây, hoa lá cỏ cây tuyệt đẹp, hướng mặt ra hồ nước thoáng rộng. Hôm chúng tôi về, dù bốn đạo sắc đã được nghinh đón từ một tuần trước, nhưng các cụ trong ban giới lão vẫn cứ huyên thuyên như lễ rước vừa mới diễn ra. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem, các cụ ậm ừ, cũng ngại trước người lạ. Sau một hồi chuyện trò, rằng câu chuyện đón sắc của làng sẽ được lên báo như một lời tri ân với nhà hảo tâm, các cụ mới bàn nhau và cùng gật đầu. Bốn đạo sắc nằm trong cái két sắt lớn, mới toanh, vừa được tậu về. Các cụ phân công một cụ giữ chìa khóa két thật cẩn thận. Cụ Phan Văn Đông, trưởng ban giới lão, đi thắp nhang khấn vái trên hương án. Xong, hai cụ khác vào trong mở két. Các cụ thỉnh bốn bản sắc ra, trải giữa bàn, thành kính và 
cẩn trọng.

Theo lời kể của cụ thủ từ Đặng Văn Thao, một buổi sáng khoảng bảy năm trước, những người đi tập thể dục thấy cửa đình mở toang đã hét toáng lên. Mọi người chạy vào thì hoảng hồn trước cảnh nội điện trống hoác, bộ chấp kích (lỗ bộ), lư đồng và nhiều khí tự khác đã bị lấy đi. Điều khủng khiếp nhất của làng, đó là chiếc hộp gỗ duối mở nắp, nằm ngổn ngang giữa nền. 10 đạo sắc phong được xem là “thần cốt” của làng nằm trong đó đã bị cuỗm mất. Lúc bấy giờ các cụ bô lão đi báo công an và chính quyền địa phương. Có vị công an bảo của quý như vậy sao các cụ không đem về nhà giữ, sao lại để ở đình. Các cụ lắc đầu, thất vọng.

Về đình, các cụ bàn nhau tìm cách đi xin cấp lại. Có cụ bảo rằng ngày xưa triều đình ở Huế sắc phong cho thần hoàng của làng, giờ chắc còn giữ một bản. Các cụ định xin giấy giới thiệu vào Huế, nếu còn giữ bản xưa thì xin cấp lại. Có cụ lý luận hiện nay thì nhà nước cách mạng, cơ quan cấp cao là Bộ Văn hoá chắc còn giữ. Các cụ cũng bảo thử xin giấy ra bộ để hỏi, nếu có thì xin cấp lại cho làng. “Nhiều năm liền cả làng rất buồn chú ạ. Đình thì to đẹp vậy mà cứ thấy trống rỗng sao sao. Trong nhiều năm trời tìm kiếm, nhắn tin nhiều nơi nhưng vô vọng. Nhất là những ngày giỗ lớn, người đến đình rất đông, cũng phẩm vật, lễ nghi đầy đủ mà cứ thấy trống, thấy vắng. Trong lòng ai cũng buồn vì như mất đi linh hồn của làng vậy!” – cụ Thao kể.

Một buổi chiều mới đây, các cụ già trong làng báo nhau mà như hét toáng trong điện thoại trước thông tin: nhóm Nhân sĩ Hà Đông đang nắm giữ bốn đạo sắc của làng và họ đang tiếp tục xác minh để đưa về làng… Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đại diện nhóm Nhân sĩ Hà Đông, kể một thành viên trong nhóm là ông Đỗ Văn Hiếu, vốn làm trong ngành đông dược, sưu tầm nhiều hiện vật, văn bản liên quan đến y dược ngày xưa. Khi mua được bốn đạo sắc mà người bán nói liên quan đến ngự y ngày xưa, ông đem dịch thì biết đó là đạo sắc thần hoàng làng Hậu Xá.

Tuy nhiên, tên làng trong các bản sắc cũng có sự không trùng khớp vì làng từng thay tên trong lịch sử. Cũng may, người dịch là ông Nguyễn Vĩnh Hảo, vốn từng trọ học ở làng Hậu Xá một thời gian dài nên biết rõ về làng này. Sau khi xác định chính xác, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã ngỏ ý tặng làng. Hôm 10-6, buổi lễ rước sắc được tổ chức long trọng, nghiêm trang tại đình làng. “Hôm ấy, chúng tôi làm lễ, đặt tiền xăng cộ, nhưng nhóm Nhân sĩ Hà Đông nhất quyết không nhận. Chúng tôi biết họ mua nhiều tiền, mất công đi dịch rồi đi tìm. Họ dâng biếu không cho làng. Nghĩa cử ấy đẹp lắm chú ạ. Cả làng vô cùng phấn khởi!” – cụ Đại kể. Cũng theo lời cụ Đại, làng mất tổng cộng 10 đạo sắc, nghĩa là còn thiếu sáu đạo sắc nữa mới đầy đủ. Cụ Đại rất thiết tha, gửi gắm: “Nếu ai tìm thấy sáu đạo sắc liên quan đến làng Hậu Xá, hay là Bạch Xá Trang (tên xưa của làng) thì xin báo để chúng tôi tìm cách đi chuộc, thỉnh về!”…

Sắc phong nay trở lại đình
Các cụ trong ban giới lão làng Hậu Xá bên bản sắc phong quý giá – Ảnh: T. LỘC

Ngày đêm mong ngóng

Làng Gòi Thượng thuộc xã Xuân Lôi, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam trong những ngày này như một đại nông trường. Dưới ruộng, nơi thì người dân lo gặt lúa, nơi thì làm đất, tát nước hay gieo sạ… Trên bờ đê, trên đường làng hay trong sân nhà, người thì đảo lúa, người phơi rơm rạ, hối hả, tất bật. Phía bên kia con đường lộ bốn làn xe từ Phủ Lý đi Nam Định là làng Gòi Hạ, cũng là làng có nhiều mối liên quan, về nguồn gốc, sự hình thành… với làng này. Đặc biệt, đến năm 2007, một mối hiềm khích “không hề nhẹ” nảy sinh liên quan đến việc mất cắp sắc phong của làng.

Đầu thập niên 2000, ngành văn hoá tỉnh Hà Nam đã về làng Gòi Thượng khảo sát văn bản Hán – Nôm. Khi các cụ trong ban khánh tiết thỉnh hòm đựng sắc xuống thì hỡi ôi, chỉ còn những bản photocopy. Cả bảy đạo sắc quý giá của làng không cánh mà bay. Cả làng nháo nhác đi tìm nhưng vô vọng. Đình làng, vốn cổ kính, giữa um tùm cổ thụ, ở bên cánh đồng bỗng trở nên rỗng tuếch, vô hồn. Vào năm 2007, đình làng Gòi Hạ kế bên được tỉnh Hà Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh thì làng Gòi Thượng mới rộ lên chuyện làng Gòi Hạ tổ chức ăn cắp sắc của Gòi Thượng để về làm hồ sơ di tích.

“Hồi đó đình không kh cửa nên không biết sắc phong bị mất năm nào. Cả làng ai cũng buồn mà không biết kêu ai. Đến khi Gòi Hạ được công nhận di tích, có cụ già bảo làng Gòi Hạ tổ chức ăn cắp sắc phong của Gòi Thượng mới đủ tiêu chuẩn công nhận di tích. Có người còn ngồi rượu chè với nhau, nói thẳng mặt chuyện đó, rất nhiêu khê!” – cụ Trần Văn Hoà, uỷ viên ban khánh tiết làng Gòi Thượng, kể.

Trong khi đó, cũng trong thập niên 2000, khi ngành văn hóa Hà Nam khảo sát văn bản, làng Gòi Hạ vẫn còn nguyên 16 sắc phong thần. Ông Trần Minh Nghe, trưởng ban khánh tiết Gòi Hạ, cho biết giai đoạn 2007-2014, làng này đã bị đánh cắp bảy sắc phong thần. Đến cuối năm 2015, chín đạo sắc còn lại cũng bị kẻ cắp cuỗm mất. Làng nỗ lực tìm kiếm trong nhiều năm trời nhưng những bản sắc quý giá vẫn bặt vô âm tín. Nhớ lại chuyện nghe người dân Gòi Thượng nghi ngờ làng mình tổ chức ăn cắp sắc, ông Nghe cho biết làng cũng có người giận. Riêng ông thì thấy buồn cười vì: “Thánh làng nào thì làng ấy thờ chứ. Họ nói bậy như thế, ai mà đi chấp làm gì!”.

Khoảng giữa tháng 5-2016, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã tìm về làng Gòi Hạ để báo việc đang giữ bảy đạo sắc và ngỏ ý muốn dâng cho làng. Cả làng rất mừng. Nhưng khi đọc qua bản dịch, oái ăm thay, ông Nghe phát hiện đó là bảy bản sắc của làng Gòi Thượng bên cạnh. Ông thông báo và cung cấp bản sao cho Gòi Thượng liên hệ để nhận về. Nhờ đó, ban khánh tiết của làng Gòi Thượng đã liên hệ ngay với nhóm Nhân sĩ Hà Đông.

Và hai bên đã thống nhất tổ chức một lễ đón sắc ngay khi vụ mùa kết thúc. Không chỉ đồng ý dâng bảy bản sắc quý giá, nhóm Nhân sĩ Hà Đông còn ngỏ ý nếu làng không đủ điều kiện sẽ tài trợ một phần kinh phí tổ chức buổi lễ. “Cả làng chúng tôi đang rất vui chú ạ. Nhất là các cụ, ngày đêm ngóng cho đến lúc đón được các ngài về đình!” – ông Hòa mừng rỡ cho biết.

Kêu gọi người giữ sắc phong tặng lại các làng

“Nhóm Nhân sĩ Hà Đông chúng tôi gồm những văn nghệ sĩ, doanh nhân, công chức… rất coi trọng đời sống văn hoá. Trong nhóm có một số anh em sưu tập cổ vật, trong đó có văn bản cổ, gồm cả sắc phong chữ Hán. Chúng tôi đã gửi những cơ quan có uy tín dịch lại, và xác định thuộc làng quê nào để tổ chức trả về cho làng đó. Việc mất cắp văn bản, sắc phong ở đình miếu, chùa chiền diễn ra dai dẳng nhiều năm nay. Một số văn bản mất cắp ấy, rất tiếc đã bị tẩu tán ra nước ngoài.

Đó không chỉ là những văn bản thông thường, mà đối với cộng đồng, chính là hồn cốt của vùng đất, của di tích được sắc phong ấy. Do vậy, chúng tôi bàn nhau tìm cách mang trả về đúng nơi của những bản sắc ấy, như là sự gìn giữ, hồi phục lại tinh thần, giá trị văn hoá của địa phương. Chúng tôi kêu gọi những người đang lưu giữ, sưu tập sắc phong không phải của làng mình, nên tặng lại cho các địa phương. Nếu không có ý dâng tặng thì xin báo để chúng tôi có thể chuộc, mua lại để mang về địa phương đó”.

Nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU 
(đại diện nhóm Nhân sĩ Hà Đông)

THÁI LỘC – V.V.TUÂN