27/12/2024

Dẹp nạn “COCC” cần sự thấu hiểu liêm sỉ trong mỗi người

Diễn đàn “Làm sao dẹp nạn “con ông cháu cha?” đã thu hút hơn 400 ý kiến phản hồi của bạn đọc. Chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến bàn về vấn đề này.

 

Dẹp nạn “COCC” cần sự thấu hiểu liêm sỉ trong mỗi người

 

Diễn đàn “Làm sao dẹp nạn “con ông cháu cha?” đã thu hút hơn 400 ý kiến phản hồi của bạn đọc. Chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến bàn về vấn đề này.

 

 

 

 

Dẹp nạn "COCC" cần sự thấu hiểu liêm sỉ trong mỗi người
Người dân xếp hàng nộp hồ sơ dự thi công chức tại Cục thuế Hà Nội (8-2014) – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

 

 

Khi bàn luận về hiện tượng (hay vấn nạn?) “con ông cháu cha” (COCC), đã nhiều ý kiến đề cập đến quy trình, quy định về bổ nhiệm cán bộ trong bộ máy công quyền và công doanh.

Đúng là không có những thứ mang tính pháp lý để điều chỉnh hành vi xã hội ấy là không được.

Cái vòng kim cô pháp luật cũng đã ngăn được lòng tham quyền tham lợi của không ít người. Nhưng, nếu pháp luật thật sự là vòng kim cô trên đầu mỗi đối tượng mà nó điều chỉnh thì giải thích thế nào về những vụ thất thoát, thua lỗ ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà điển hình là hàng ngàn tỉ đồng bị thất thoát ở 
Vinashin năm nào?

Thế nên, bên cạnh pháp luật vẫn phải cần đến sự song hành của văn hóa lãnh đạo, văn hoá quản trị, văn h gia đình trong công cuộc gìn giữ giềng mối xã hội.

Và vấn nạn COCC mà chúng ta đã từng nói và hiện nay vẫn phải đang nói tới quả thực có mối quan hệ thật khăng khít với các nội dung văn hóa trên đây.

Trước khi xã hội có pháp luật thì gia đình đã có gia quy. Trong mỗi nếp nhà tử tế người ta không bao giờ dạy con cái thói ăn cắp những thứ không phải là của mình. Của cải, tiền bạc, kiến thức và cả cơ hội nữa.

Một người đã trên 50 tuổi, chẳng phải đảng viên, cũng chẳng có bất cứ chức vụ nào ở nơi làm việc, dù chỉ là chức quèn, khi lập di chúc đã ghi như thế này: “Căn nhà đứng tên tôi sau khi tôi chết sẽ để lại cho hai đứa con của tôi. Hai đứa phải tự chia nhau căn nhà sao cho đúng với đạo lý. Hai đứa phải để ba của chúng ở trong ngôi nhà này và phải cùng nhau nuôi ba của chúng cho đến khi ông ấy chết nếu ông 
không tái hôn”.

Một người khác, từ địa phương đi lên, ba khóa liền là ủy viên Trung ương Đảng và đứng đầu một ủy ban của Quốc hội khóa 12 và 13, đã nói với con gái duy nhất của mình khi cô tự xin học bổng du học, học rất giỏi, nay học xong muốn về nước làm doanh nghiệp tư nhân: “Con hãy thông cảm cho ba, nếu con làm việc ở Việt Nam, dù con không xin chắc chắn cũng có nhiều người muốn xin làm quen với con để bắc cầu lợi ích với cái chức vụ mà ba đang làm. Con hãy ráng chờ để khi ba kết thúc nhiệm kỳ làm việc, không còn ai mưu cầu gì nữa ở ba, và khi con cần làm việc gì thì cũng bằng chính sức của con chứ không cần đến cái thế của ba nữa”.

Còn nữa, có những vị từng giữ vị trí lãnh đạo đất nước, dù con cái của các vị học giỏi, quan điểm sống rất đàng hoàng, nhưng cũng chưa từng để thuộc cấp cất nhắc (hay bị cất nhắc) con của mình vào những vị trí lãnh đạo người khác. Nếu các vị muốn thì có khó gì một ghế chủ tịch quận nọ, tỉnh kia, bộ ấy cho những người con.

Xa hơn nữa, lâu hơn nữa là các vị tiền liệt công thần của đất nước: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Văn Lương, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp… không thấy cụ nào, bằng cách nói ra hay cách im lặng, để cho người ta cất nhắc con cháu mình vào những vị trí mà cơ hội lẽ ra phải dành cho người khác mới công bằng, mới phải phép, phải đạo.

Hình như để dẹp dần, dẹp hẳn nạn COCC, cũng chẳng có giải pháp gì ghê gớm lắm đâu. Chỉ cần mỗi thành viên trong từng gia đình, từng cơ quan thấu hiểu sự liêm sỉ có ý nghĩa đến thế nào với một con người, rằng mình được trao quyền để làm việc công thì không thể dùng quyền ấy để tư lợi – trong đó có sự tư lợi về chức vụ, bổng lộc cho con cái.

Tạo cơ chế 
cạnh tranh 
bằng năng lực

* Con ông cháu cha hay không, không quan trọng, quan trọng nhất là năng lực và hệ thống đánh giá năng lực minh bạch.

Một vị trí sẽ có nhiều người muốn đạt được, cho nên phải thi tuyển, cạnh tranh năng lực công bằng mà không xét đến ưu tiên, không phân biệt vùng miền hay hộ khẩu, công bố kết quả thi minh bạch. Người giỏi chỉ cần cơ chế bấy nhiêu thôi, còn lại họ sẽ tự tỏa sáng.

SINH THÁI

* Muốn triệt tiêu tình trạng COCC thì hệ thống phải mở cho các bạn trẻ có năng lực vào nhiều hơn nữa. Việc này ví như sự cân bằng tự nhiên khi số lượng người cài cắm do quen biết nhiều hơn số đi lên bằng năng lực.

Khi tăng số lượng các bạn trẻ tài năng, trao cho họ nhiều cơ hội thể hiện và từ đó đưa lên các vị trí cao hơn, thì chính họ sẽ tạo lại động lực chống lại hệ thống COCC và tự có ý thức phản ứng các trường hợp sai phạm.

Nguyên (demynguyen@…)

* Tôi ủng hộ quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi xem đây là cơ hội để chấn chỉnh nạn COCC. Bắt đầu từ những vụ việc cụ thể, làm thật nghiêm sẽ tạo hiệu ứng để truyền thông và xã hội đưa ra những vụ việc khác.

Chỉ cần làm nghiêm vài vụ tự khắc những người có chức có quyền họ sẽ hiểu đúng, làm đúng mà không cần tốn công sửa đổi hoặc ban hành thêm quy định mới.

XUÂN ANH

Một người từng là ủy viên Thường vụ Thành uỷ, phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, đã có lần mở lòng với cấp dưới rằng ông biết con trai của ông không xuất sắc trong tư duy và thực tiễn, vì vậy ông đã ngăn không để cấp dưới giới thiệu quy hoạch con ông vào các chức vụ ở cấp quận. Ông bảo nếu con mình thật xuất sắc thì cũng phải đắn đo xem có ai xuất sắc hơn nhưng không phải là con ông lớn, vì không thể chỉ có mỗi cái ưu thế là COCC mà lấy mất cơ hội thăng tiến của người có năng lực giỏi hơn và phẩm chất tốt. Quan sát nhiều năm qua, thấy việc ông làm đúng với lời ông đã nói.

N.T.THANH

NGUYỄN THẾ THANH