TP.HCM xoá độc quyền nhà mạng ở chung cư
Xung quanh việc “xoá thế độc quyền nhà mạng ở chung cư” tại TP.HCM mà Tuổi Trẻ ngày 1-6 phản ánh, ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, cho biết TP đang tiến hành rà soát nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng mạng viễn thông.
TP.HCM xoá độc quyền nhà mạng ở chung cư
Xung quanh việc “xoá thế độc quyền nhà mạng ở chung cư” tại TP.HCM mà Tuổi Trẻ ngày 1-6 phản ánh, ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, cho biết TP đang tiến hành rà soát nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng mạng viễn thông.
Lắp đặt cáp quang Internet tại chung cư Miếu Nổi (P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: CHÂU ANH |
Ông Cường nói:
– Về nguyên tắc, người dân dù sống trong chung cư hay bất kỳ khu vực nào cũng phải được bình đẳng trong việc trả phí sử dụng mạng viễn thông. Tình trạng độc quyền nhà mạng ở chung cư, đẩy giá thành lên cao gây bất lợi cho người dùng là không đúng.
Ông Lê Quốc Cường – Ảnh: TỰ TRUNG |
* Thưa ông, ở TP.HCM đã có kiểm tra thống kê về tình trạng này hay chưa?
– Ở TP.HCM chưa thực hiện khảo sát thống kê con số cụ thể, nhưng tình trạng này hiện có ở rất nhiều chung cư. Có tình trạng là ký hợp đồng với công ty sân sau.
Chúng tôi có trong tay những hợp đồng mà chủ đầu tư chung cư ký với một nhà thầu có chức năng lắp đặt, vận hành hệ thống viễn thông, truyền hình cáp. Nhà thầu này tự bỏ tiền đầu tư hệ thống, sau khi hoàn thiện thì hệ thống này trở thành tài sản của nhà thầu, toàn quyền đấu nối với các nhà cung cấp dịch vụ.
Những nhà thầu này thường là sân sau của một doanh nghiệp viễn thông, hoặc của chính chủ đầu tư đó, khi nắm trong tay hệ thống họ sẽ có sự ưu ái hoặc đối xử không công bằng giữa các nhà cung cấp dịch vụ, dẫn đến tình trạng độc quyền.
Trong khi đó, về mặt nguyên tắc, hệ thống viễn thông được tính là hạ tầng cơ bản, giống như hạ tầng điện, nước, giao thông, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện và đã tính vào chi phí bán nhà cho khách hàng.
Nếu như chủ đầu tư để nhà thầu tự vận hành, kinh doanh dẫn đến việc họ tính thêm chi phí đầu tư ban đầu, bảo dưỡng vào phí dịch vụ thì nghĩa là người dân đã bị buộc đóng tiền tới hai lần cho hệ thống này.
* Tới đây, TP.HCM sẽ xử lý tình trạng này như thế nào?
– Chúng tôi đã phối hợp với Sở Xây dựng để kiểm tra đánh giá khi nghiệm thu công trình. Việc này nhằm đảm bảo khi công trình nhà chung cư đi vào hoạt động thì hệ thống hạ tầng viễn thông đã phải hoàn chỉnh, không có sự nhập nhằng trong cung cấp dịch vụ cho toà nhà.
Thực tế là trong thời gian dài vừa qua chúng ta đã không lưu ý nhiều đến tình trạng này.
Bằng nhiều biện pháp, sẽ rà soát tình hình cung cấp dịch vụ tại các toà nhà chung cư nói riêng, các toà nhà cao tầng nhiều chủ sử dụng nói chung (toà nhà văn phòng, khách sạn), các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị. Làm sao đó để người dân phải được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.
Thực hiện chỉ thị 04 ngày 15-1-2016 của Bộ Thông tin và truyền thông về tăng cường quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng cố định mặt đất, sở đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ, đề nghị các đơn vị báo cáo giá cước.
Các thông tin về giá cước, phương thức tính cước phải được công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, niêm yết tại nơi sử dụng dịch vụ.
Các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp rà soát và báo cáo sở về tình trạng kinh doanh, cung cấp dịch vụ, giá cước, các khó khăn và đề xuất giải pháp. Mục đích của việc này là để các đơn vị cung cấp thông tin về những vi phạm như độc quyền cung cấp dịch vụ, nâng giá cước…
Trước đây, ở một số khu đô thị mới có tình trạng độc quyền, hoặc hạn chế chỉ cho vài nhà mạng cung cấp dịch vụ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp cũng dần phải “buông” trước sự phản ứng từ khách hàng và sự kiểm tra của các cơ quan quản lý.
Theo tôi, đó là một xu hướng chung tất yếu vì độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp, tăng giá sai quy định trong bối cảnh hiện nay là điều khó chấp nhận.