25/12/2024

Nghệ thuật chữa lành những vết thương

Khai mạc tối 18-6, triển lãm tranh sơn mài Nét cọ chữa lành tại Viện Trao đổi văn hoá với Pháp (IDECAF – số 28 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) mang màu sắc khác biệt hẳn các triển lãm tranh thông thường.

 

Nghệ thuật chữa lành những vết thương

 

Khai mạc tối 18-6, triển lãm tranh sơn mài Nét cọ chữa lành tại Viện Trao đổi văn hoá với Pháp (IDECAF – số 28 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) mang màu sắc khác biệt hẳn các triển lãm tranh thông thường.

 

 

 

 

Nghệ thuật chữa lành những vết thương
Nguyễn Văn Tiến giới thiệu những bức tranh của mình bằng ngôn ngữ điệu bộ – Ảnh: Q.THI

Bởi lẽ, bốn “tác giả” của triển lãm này gồm Nguyễn Văn Tiến, Lê Xuân Lãm, Huỳnh Thị Thanh Thảo và Phan Đình Công đều là những học sinh của Trường giáo dục chuyên biệt Tịnh Trúc Gia (Huế).

Trong đó, chỉ duy nhất Lê Xuân Lãm (25 tuổi) là nói được, dù khả năng diễn đạt của Lãm cũng không liền lạc lắm. Khả năng kể đầy đủ một câu chuyện đối với Lãm cũng khó.

Ngày đầu được đưa đến Tịnh Trúc Gia, Lãm được nhận xét là “hiếu động, khả năng tập trung kém”… Nhưng giờ đây, Lãm có thể nói chuyện với mọi người, hỏi thăm về kỹ thuật vẽ tranh sơn mài.

Chỉ một bức tranh, Lãm nói: “Đây là bức tranh em vẽ con trâu. Em vẽ năm năm”. Dù rằng, khi nhìn vào bức tranh, chắc người xem cũng khó hình dung ra… con trâu của Lãm. “Em thích vẽ. Ngoài giờ vẽ ở Tịnh Trúc Gia, em về nhà phụ ba mẹ bán mía. Em bán mía ở phía trước Phu Văn Lâu” – Lãm nói thêm.

Nghệ thuật chữa lành những vết thương
Lê Xuân Lãm bên bức tranh vẽ con trâu trong 5 năm – Ảnh: Q.Thi

Khác với Lãm, ba “tác giả” còn lại đều bị câm. Để giao tiếp với các học viên này, mọi người phải nhờ đến sự trợ giúp của giáo viên ngôn ngữ điệu bộ. Nguyễn Văn Tiến ra dấu cho biết em không những bị câm mà còn khiếm thính. Ngày mới đến lớp vẽ tranh sơn mài, Tiến gặp khó khăn ở chỗ không phân biệt được màu sắc. Nhưng với sự giúp đỡ của các hoạ sĩ tình nguyện viên, giờ đây Tiến có thể vẽ những bức tranh về con phố mình đang ở, có bạn bè, có cảnh sát giao thông…

Những bức tranh khác của Lãm, Tiến, Công hay Thảo đều có những đề tài dễ nhìn, dễ thấy. Là con trâu, là bãi biển thả diều, là hoa sen… hoặc Huỳnh Thị Thanh Thảo vẽ hoa cúc từ một câu chuyện về lòng hiếu thảo mà em nghe kể.

Những bức tranh ấy dù rằng thiếu trí tưởng tượng hay cách diễn đạt hoàn chỉnh, nhưng là tất cả sự cố gắng hồn nhiên để diễn đạt một điều gì đó mà các em muốn nói. Chỉ cần vậy thôi đã… rất khó!

Nghệ thuật chữa lành những vết thương
Một góc triển lãm – Ảnh: Q.Thi

Anh Trần Minh Khánh – một trong những thành viên sáng lập nhóm – cho biết trong khi các trường giáo dục trẻ em chuyên biệt khác gồm tự kỷ, câm, điếc… cố gắng phát triển sự nhận thức của các em, thì nhóm của anh chú trọng đến sự an ủi, chữa trị những thương tổn trong tinh thần.

“Các em ở đây đều bị những thương tổn về tinh thần và thể xác. Cho nên dạy vẽ chính là cách chúng tôi khuyến khích sự hào hứng, bộc lộ cảm xúc của các em để vượt qua những thương tổn ấy. Hoạ sĩ chỉ giúp các em về mặt kỹ thuật, như hướng dẫn đưa màu sắc vào tranh như thế nào. Nhưng những bức tranh vẫn là sự bộc lộ cảm xúc của chính các em!”.

Anh Trần Minh Khánh cũng cho hay Tịnh Trúc Gia ở Huế có khoảng 30 học viên như vậy, với nhiều xưởng hỗ trợ dạy nghề cho các em như xưởng làm bánh, làm vườn, vẽ tranh sơn mài, làm mứt… Những nhà từ thiện đã giúp đỡ đưa tranh của bốn học viên lớp học vẽ sơn mài đến IDECAF.

Triển lãm Nét cọ chữa lành diễn ra đến hết ngày 30-6, vừa là để bán tranh gây quỹ từ thiện (từ 2,5 triệu đồng đến 18 triệu đồng/bức), vừa nhắc nhớ cộng đồng về một phương cách giáo dục cảm xúc: nghệ thuật có thể chữa lành những vết thương.

QUANG THI