28/12/2024

Xe hàng rong Sài Gòn vào tranh

Bộ tranh vẽ các xe hàng rong trên phố Sài Gòn thuộc một dự án công nghiệp sáng tạo trẻ khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ.

 

Xe hàng rong Sài Gòn vào tranh

Bộ tranh vẽ các xe hàng rong trên phố Sài Gòn thuộc một dự án công nghiệp sáng tạo trẻ khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ.




Tranh vẽ các xe hàng rong Sài Gòn trong dự án Vietnamese Street Carts

 

Tranh vẽ các xe hàng rong Sài Gòn trong dự án Vietnamese Street Carts


Ngày mới đặt chân đến Sài Gòn, tô hủ tiếu đầu tiên mà Su Trần được ăn có vị thật lạ. Sau này, Su Trần ăn hủ tiếu nhiều hơn. Và cô đặc biệt nhớ những chiếc xe hủ tiếu nghi ngút khói đậu ở những khu dân cư bình dân mà chủ nhân của chúng thường là những người miền Trung. Nhiều gia đình nuôi con học đại học nhờ vào chiếc xe hủ tiếu này.
Rồi sự quyến luyến xe hủ tiếu hàng rong của Su Trần đã biến thành tranh khi các học viên của Học viện Nghệ thuật thiết kế sáng tạo ADC Academy (TP.HCM) làm dự án sáng tạo vẽ những xe hàng rong. “Tình cờ một lần em tham khảo dự án về xe hàng rong của Ấn Độ, em nghĩ tại sao nhóm lại không cùng vẽ các xe hàng rong ở VN. Sau đó, em đề xuất với nhóm cùng làm dự án về các xe hàng rong ở VN có tên Vietnamese Street Carts”, Huyền My – người điều phối dự án, cho biết.
My cho biết việc phân công vẽ xe nào phụ thuộc đăng ký của các thành viên của nhóm gồm Huyền My, Rồng Phạm, Su Trần, Minh, Bắp, Tea. Tuy là xe hàng rong Việt nhưng cho tới nay phần lớn những tác phẩm này vẽ xe hàng rong Sài Gòn. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trên con phố nào của Sài Gòn mà chẳng từng có những xe hàng rong, và những chiếc xe này đã trở thành một phần của cuộc sống nơi đây. Thế nhưng cùng với sự phát triển của đô thị, xe hàng rong đang vắng dần ở những khu phố trung tâm.
Tuy thế, những xe hàng rong trong bộ tranh không mang màu hoài niệm man mác, mà dưới cái nhìn của những người trẻ, chúng hiện ra tươi tắn, sống động và trẻ trung. Những bức tranh có phong cách khác nhau khi được đặt cạnh nhau trở nên duyên dáng hơn, đa góc nhìn hơn. Huyền My có cái nhìn trìu mến với những mảng màu nóng với tông màu cam hồng khi vẽ xe mứt. Xe cam vắt của Bắp cho cảm giác rất vui. Tea lại vẽ chiếc xe bán cóc rất thân thuộc. Những trái cóc vàng ươm được chất ngay ngắn trên xe. Gánh hủ tiếu của Su Trần dù không vẽ người nhưng chiếc nón úp trên quang gánh làm người ta nhớ rằng chủ nhân của nó hẳn là một người phụ nữ tần tảo mưu sinh…
Có lẽ biểu dương lực lượng xe hàng rong nhất là Rồng Phạm với hàng loạt xe: xe bóng bay, xe cá vàng, xe chuối. Tranh của tác giả này như đang kể một câu chuyện tuổi thơ vui nhộn. Lẫn trong đám túi bóng đựng nước và cá vàng, có cả túi đựng hình vẽ một cậu bé đang đùa. Hay chiếc xe đạp bán bóng bay được buộc nhiều bóng đến mức phần đuôi bay bổng cả lên trời.
Khi Huyền My đưa những bức tranh này lên mạng vào hồi tháng 5, cô chỉ muốn chia sẻ những gì mình cùng bạn bè đã làm. Nhưng, rất nhanh chóng, chùm tranh đã có hơn 2.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội.
Ông Tạ Minh Trãi, sáng lập viên của ADC Academy cho biết đây là một thử nghiệm của trường. Học viện hỗ trợ học viên một không gian làm việc gọi là ADC Coworking. Đây là nơi các bạn tự học, tự giao lưu và tự rủ nhau xây dựng những dự án độc lập/tự do như dự án vẽ xe hàng rong. Học viện này mới đây cũng được mời giới thiệu mô hình trong hội thảo quốc tế về công nghiệp sáng tạo do Hội đồng Anh tổ chức. Cũng như công nghiệp sáng tạo ở nước ngoài, họ hướng tới khuyến khích sáng tạo để sinh lợi.
“Hiện tại tụi em đang triển khai tiếp dự án này thành sản phẩm. Trong thời gian sắp tới tụi em sẽ thương mại hoá nó”, Huyền My cho biết. Điều này có lẽ là một tin vui cho thị trường quà tặng du lịch đang “hẻo” tại TP.HCM và cả nước.
 

Trinh Nguyễn