02/11/2024

Sức mạnh của báo chí phản biện

Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), hai bạn đọc gắn bó gửi đến Tuổi Trẻ bài viết bày tỏ mong muốn báo chí luôn tỏ rõ tinh thần phản biện xã hội lành mạnh trên báo chí. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Sức mạnh của báo chí phản biện

 

Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), hai bạn đọc gắn bó gửi đến Tuổi Trẻ bài viết bày tỏ mong muốn báo chí luôn tỏ rõ tinh thần phản biện xã hội lành mạnh trên báo chí. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

 

Sức mạnh của báo chí phản biện
Hai cộng tác viên Trần Mai (bước lên) và Tiến Long (cầm phao) trong giây phút được tàu HP 17 cứu sống. Đây là hai trong số những CTV, phóng viên của báo Tuổi Trẻ tác chiến trên vùng biển Hoàng Sa trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng biển VN năm 2014 – Ảnh: Chu Văn Túc

 

 

Mỗi đầu giờ sáng, tôi mở thùng thư, lấy tờ báo thứ nhất vào 6g sáng và tờTuổi Trẻ bao giờ cũng được người đưa thư bỏ vào thùng thư của tôi sớm nhất (giữ được cách đưa báo sớm từ nhiều năm nay là một cử chỉ rất đẹp về phát hành của báo Tuổi Trẻ.

Tôi rất thích khi nhìn thấy tờ báo nằm trong thùng thư vào lúc 6g). Sáng 14-6-2016, đập vào mắt tôi ở trang nhất báo Tuổi Trẻ, khi tôi đọc lướt 10 tít báo, là cái tít bắt mắt “Lãnh đạo TP.HCM sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện”, trang 3.

Đọc ngay trang 3, tôi nghĩ đây là bài không thể không đọc. Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã bày tỏ rõ ràng thái độ của mình, ngay trong cách đặt tít bài của Tuổi Trẻ, bởi trong bài báo ông bày tỏ sự sẵn sàng lắng nghe “ý kiến phản biện của các nhà khoa học”, với tinh thần “cầu thị, cầu hiền và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học có thể cống hiến hết mình”.

Muốn vậy, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: TP.HCM cần phải thể chế hoá hoạt động tư vấn phản biện độc lập vì đây là nhu cầu thật sự của lãnh đạo và người dân TP.

Tôi tin rằng với tinh thần lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học TP.HCM, ông bí thư sẽ biết cách lắng nghe ý kiến phản biện của báo Tuổi Trẻ và báo chí nói chung.

Và đó cũng là phẩm chất rất đáng quý và rất hiện đại trong tư duy lãnh đạo của ông, khi tìm thấy điểm tựa vững chắc và chính xác trên tinh thần phản biện xã hội của báo chí Việt hiện đại nói chung.

Là một nhà báo, tôi vẫn cho rằng với một xã hội Việt hiện đại đang gặp thách thức phát triển và đang phải vượt thoát khỏi “bi kịch” của sự phát triển (chữ dùng của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh) đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam đầu thế kỷ 21, thì phải biết cách trườn qua những trở lực từ mặt tiêu cực của “căn tính nông dân” (chữ dùng của GS Trần Quốc Vượng), với bản chất “tiểu nông” đang trì kéo sự phát triển của chính xã hội Việt hôm nay.

Vì thế, tinh thần phản biện xã hội buộc phải và luôn phải chiếm vị trí thượng phong trong nền báo chí hiện đại Việt Nam.

Sức mạnh của báo chí phản biện
Bà Nguyễn Thị Minh Thái – Ảnh: T.N.

Báo chí Việt Nam không có cách gì tồn tại tích cực và vững chắc trong lòng người đọc nếu đứng ngoài những vấn đề nóng đang đặt ra ngày càng khẩn trương, bức thiết, quyết liệt trong sự phát triển bộn bề phức tạp của xã hội Việt Nam hiện đại

Một trong những đặc điểm của phản biện xã hội trên báo chí là gọi thẳng sự vật bằng tên của nó. Cũng báo Tuổi Trẻ sáng 14-6, chạy tít trên trang 4 mục Thời sự “Lại vỡ tiến độ hoàn thành đường sắt Cát Linh – Hà Đông”.

Trọng lực phản biện nằm ngay 4 chữ trên tít báo: “Lại vỡ tiến độ”, nghĩa là không chỉ một lần vỡ! Trong khi có báo cùng ngày, cũng chạy tít về sự kiện này, ngay trên trang nhất “Không lùi tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông”.

“Không lùi” và “Lại vỡ tiến độ” là hai cách đánh giá với hai thái độ đưa tin và bình luận khác nhau trước cùng một sự kiện. Tôi thích cách của báo Tuổi Trẻhơn, với tư cách người đọc báo và của cả người làm báo!

Tôi vẫn nhớ mấy năm về trước, trong khi một số báo còn chưa tìm được cách gọi tên chính xác thủ phạm làm ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, thì báo Tuổi Trẻ đã chỉ đích danh bằng một tít báo quyết liệt “Ai đã “bóp cổ” sông Thị Vải?”.

Sau đó sự cố sông Thị Vải đã được giải quyết đến tận cùng. Dân sống ven sông Thị Vải được đền bù thỏa đáng. Người dân nào ở ven sông Thị Vải cũng biết là nhờ công của báo chí, nhất là báo Tuổi Trẻ.

Hơn bao giờ, bạn đọc cần những nhà báo có “lòng trong, bút sắc” (chữ dùng của nhà báo lão thành Hữu Thọ) mới có thể tỏ rõ cái tinh thần phản biện xã hội lành mạnh trên báo chí, mà báo Tuổi Trẻ là một tờ báo đã tỏ rõ nhất cái vẻ đẹp hiện đại đáng giá ấy…

Phản biện sẽ tạo sự khác biệt

Điều gì làm cho bạn đọc chú ý đến một bài báo, đến tác giả bài viết, làm cho một tờ báo thu hút được đông đảo bạn đọc, và sức ảnh hưởng của nó không chỉ lan toả trong công chúng mà còn dội ngược lên chính quyền?

Tôi cho rằng đó chính là khả năng phản biện và bình luận của người viết.

Một nhà xã hội học danh tiếng là Peter Berger có nói “tìm ra một con số chính xác đã khó, nhưng khả năng bình luận về nó còn khó hơn và quan trọng hơn gấp nhiều lần”. Cũng một sự kiện ấy thôi, nếu chỉ đưa lên báo một vài dòng ngắn ngủi thì đó mới chỉ là tin tức. Một chính sách mới ban hành được chép ra mặt báo thì mới chỉ là bố cáo.

Một con số phần trăm, phần nghìn trưng lên mặt báo chỉ là con số thống kê thuần tuý… Nhưng nếu những sự kiện, con số chính sách đó được ai đó phản biện sâu sắc có tình có lý, được bình luận dưới góc nhìn đa chiều, được phát hiện ra những điều mới mẻ, thậm chí khác lạ ít ai thấy thì không chỉ nâng tầm của tờ báo mà góp phần rất lớn cho sự thay đổi xã hội.

Những phản biện, bình luận của chuyên gia giỏi sẽ tác động đến những người làm chính sách, làm thay đổi những quan niệm xưa cũ, thậm chí là những quyết định đã được xác quyết ở cấp cao nhất tưởng chừng như đinh đã đóng cột.

Việc lãnh đạo TP.HCM ủng hộ di dời ga Sài Gòn ra Bình Triệu và cho Tập đoàn Bitexco làm hai cây cầu nối từ đường Phạm Văn Đồng sang Thanh Đa và từ Thanh Đa sang xa lộ Hà Nội không thể không nói là những phản biện của chuyên gia đã đến được địa chỉ cần đến.

Những bình luận và bàn luận của người dân được các báo đăng tải về chuyện nâng đường biến nhà dân thành hầm, chặt bỏ cây xanh trăm năm tuổi, màu sơn quá chói cho tòa nhà Bưu điện thành phố, sự ra đi của toà nhà Eden và suýt ra đi của Tax cũng như trăm chuyện dân sinh khác nữa đã lan tỏa trong xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho mọi giới.

Những tờ báo có uy tín cao, ảnh hưởng lớn là nhờ quy tập được đội ngũ chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực khác nhau, nhờ sự chung tay của bá tánh và đội ngũ phóng viên xông xáo. Trong xã hội hiện đại, làm nên sự khác biệt là điều sống còn nhất của bất cứ doanh nghiệp, công ty, hội đoàn nào, trong đó có cả báo chí.

Sự khác biệt của một tờ báo này với các tờ báo khác chính là ở chỗ trình độ phản biện, khả năng bình luận và cấp độ nhạy bén. Nhờ nó mà tạo nên đẳng cấp và chân dung của bản báo.

Dù vậy, cũng phải nói thêm một chút nữa cho trọn vẹn, là tất cả mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa một khi lãnh đạo của bản báo thiếu bản lĩnh, chỉ mong tìm kiếm sự an toàn, lúc nào cũng trông lên, ngó xuống, dòm trước ngó sau, đón gió ngó mưa. Loại báo ấy chỉ sống được nếu được bao cấp mà thôi.

TS NGUYỄN MINH HOÀ

NGUYỄN THỊ MINH THÁI