Phát hiện sớm viêm não vi rút
Theo Bộ Y tế, viêm não vi rút có thể gây di chứng lâu dài, gây tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Phát hiện sớm viêm não vi rút
Theo Bộ Y tế, viêm não vi rút có thể gây di chứng lâu dài, gây tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Nhầm với cảm sốt thông thường
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), một bé trai 10 tuổi sau 3 ngày điều trị viêm màng não, dấu hiệu bệnh đã lui, các đợt đau đầu đã giảm. Mẹ của bệnh nhi cho biết sau mấy ngày về quê ra thì bé bị sốt, đau đầu, buồn nôn. Gia đình cho là bé cảm sốt do thời tiết, nhưng vẫn cẩn thận cho đi khám. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm dịch não tuỷ, kết quả khẳng định bé bị viêm màng não.
Theo thông tin từ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư, số trẻ nhập viện do viêm màng não/viêm não gia tăng trong các tuần qua. Đã có trẻ tử vong do chuyển đến trong tình trạng nặng. Trước đó, bệnh nhi này điều trị tại cơ sở y tế khác nhưng không được chẩn đoán kịp thời, chỉ được điều trị viêm phổi.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thêm, trong 5 tháng đầu năm đã ghi nhận 215 ca mắc viêm não. Riêng ổ dịch viêm não có nguyên nhân do vi rút Coxsakie tại Cao Bằng (trong tháng 4 – 5 năm nay) đã có 7 trẻ tử vong trong số 27 ca mắc với biểu hiện ban đầu là sốt, nôn, tiêu chảy. Ông Phu lưu ý, một số trẻ mắc viêm não với các triệu chứng ban đầu như sốt, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy; sau đó mới xuất hiện các dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật. Vì vậy gia đình và nhân viên y tế cần theo dõi diễn biến. Bệnh nhi cần được làm xét nghiệm chẩn đoán để điều trị đúng.
Di chứng nặng nề
Theo ông Phu, trong số các trường hợp viêm não/màng não nhập viện những năm gần đây, số mắc viêm não Nhật Bản đã giảm nhanh sau nhiều năm triển khai tiêm chủng với khoảng 95% trẻ trong độ tuổi. Tuy nhiên, mới đây vẫn ghi nhận 2 bệnh nhân viêm não Nhật Bản tại Thanh Hoá và Phú Thọ.
TIN LIÊN QUAN
Bộ Y tế cho biết số ca mắc viêm não trong 7 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ 2014.
TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo: “Mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản (thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi). Bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25 – 35%). Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu, khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não”.
Viêm não Nhật Bản thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 – 40OC hoặc hơn. Triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 – 2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, rối loạn sự vận động nhãn cầu; có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao có thể thấy đi tiêu lỏng, đau bụng, nôn. Theo TS-BS Nguyễn Văn Lâm, bệnh nhân viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện những biến chứng sớm như viêm phế quản, viêm phổi. Hoặc quá trình điều trị có thể bị viêm bể thận, bàng quang… Những di chứng sớm có thể gặp là: bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…
Liên Châu