24/12/2024

40.000 người đọc Kinh Truyền Tin với ĐTC: 19-6-2016

VATICAN – Trưa Chúa Nhật 19-6-2016, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với 40.000 tín hữu và mời gọi mọi người hãy xác nhận tương quan của mình với Chúa Kitô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên năm C (Lc 9,18-24) và tái đưa ra những câu hỏi của bài Tin Mừng: “Ai là Đức Giêsu đối với con người thời nay? Ai là Chúa Giêsu đối với mỗi người chúng ta?”

 40.000 người đọc Kinh Truyền Tin với ĐTC: 19-6-2016

 

 

 

VATICAN – Trưa Chúa Nhật 19-6-2016, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với 40.000 tín hữu và mời gọi mọi người hãy xác nhận tương quan của mình với Chúa Kitô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên năm C (Lc 9,18-24) và tái đưa ra những câu hỏi của bài Tin Mừng: “Ai là Đức Giêsu đối với con người thời nay? Ai là Chúa Giêsu đối với mỗi người chúng ta?”

Ngài nói:

Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật này (Lc 9,18-24) có thể nói một lần nữa kêu gọi chúng ta hãy đối chiếu “diện đối diện” với Chúa Giêsu. Tại một trong những lúc yên hàn hiếm hoi ở một mình với các môn đệ, Chúa hỏi các ông: “Dân chúng nói Thầy là ai?” (c. 18). Và họ thưa: “Gioan Tẩy Giả; người khác thì nói là Elia; những người khác nữa thì cho là một trong các vị ngôn sứ thời xưa sống lại.” (c. 19). Vì vậy, dân chúng quí chuộng Chúa Giêsu và coi Ngài như một đại ngôn sứ, nghĩa là Ngài là Đức Messia, là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến để cứu độ mọi người.


Bấy giờ Chúa Giêsu ngỏ lời trực tiếp với các Tông đồ – vì đây là điều Ngài quan tâm hơn cả – và hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô nhân danh mọi người trả lời ngay: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (c. 20) nghĩa là: Thầy là Đức Messia, là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến để cứu độ dân Người, theo Giao Ước và lời hứa. Thế là Chúa Giêsu thấy rằng 12 môn đệ, đặc biệt là Phêrô, đã nhận được từ Chúa Cha hồng ân đức tin, và vì thế Ngài bắt đầu nói với các ông một cách rõ ràng công khai về những gì đang chờ đợi Ngài ở Jerusalem: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, tư tế và các thày thông luật phủ nhận, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại.” (c. 22).

Cũng những câu hỏi ấy ngày nay được tái đề ra cho mỗi người chúng ta: “Đối với dân chúng thời nay, ai là Đức Giêsu? Ai là Đức Giêsu đối với mỗi người chúng ta? Đối với tôi, với anh? Chúng ta được mời gọi chọn câu trả lời của thánh Phêrô như của chúng ta, vui mừng tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha đã nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại, đổ tràn trên loài người dồi dào lòng thương xót của Chúa.”

“Hơn bao giờ hết, thế giới đang cần Chúa Kitô, cần ơn cứu độ và tình yêu thương xót của Chúa. Nhiều người cảm thấy một sự trống rỗng quanh mình và trong mình; có những người khác sống trong lo âu và bất an vì sự bấp bênh và các cuộc xung đột.”

“Tất cả chúng ta đều cần những câu trả lời thích đáng cho các vấn nạn cụ thể của chúng ta. Trong Chúa Kitô, chỉ trong Chúa, mới có thể tìm được an bình đích thực và sự mãn nguyện cho mọi khát vọng của con người. Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của con người hơn ai khác. Vì thế, Chúa Có thể chữa lành, trao ban cho con người sự sống và an ủi.”

“Sau khi kết thúc cuộc đối thoại với các Tông đồ, Chúa Giêsu ngỏ lời với tất cả mọi người và nói: ”Ai muốn theo tôi, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình mà theo tôi mỗi ngày.” (c. 23). Đây không phải là thánh giá để trang trí hoặc ý thức hệ, nhưng là thập giá nghĩa vụ mỗi người, hy sinh cho tha nhân vì yêu thương – cho cha mẹ, con cái, gia đình, bạn hữu, và cả những kẻ thù nữa – thánh giá sẵn sàng liên đới với người nghèo, dấn thân cho công lý và hoà bình.”

Khi đón nhận những thái độ như thế, chúng ta luôn mất mát một cái gì. Không bao giờ chúng ta được quên rằng “ai mất mạng sống mình [vì Chúa Kitô] thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Đó là mất đi để tìm lại. Chúng ta hãy nhớ đến tất cả anh chị em chúng ta đang dâng hiến thời giờ, cơ cực hoặc thậm chí cả mạng sống của mình để khỏi chối bỏ niềm tin của họ. Qua Thánh Linh, Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước trong hành trình đức tin và chứng tá. Và trong hành trình này chúng ta luôn có Mẹ Maria gần gũi và đi trước chúng ta. Chúng ta hãy để Mẹ cầm tay khi chúng ta tiến qua những lúc đen tối và khó khăn nhất.

Chào thăm và kêu gọi

Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước hôm 18-6-2016 tại Foggia, nam Italia, cho cho Mẹ Maria Celeste Crostarosa, đan sĩ, sáng lập Dòng Nữ Chúa Cứu Thế. Ước gì vị tân chân phước, qua tấm gương và sự chuyển cầu, giúp chúng ta làm cho trọn cuộc sống của chúng ta được giống Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta.

[Nữ tu Maria Celeste Crostarosa từ trần cách đây 261 năm, thọ 59 tuổi, và được coi là một trong những nhà thần bí lớn nhất ở Italia trong thế kỷ 18, với các tác phẩm tu đức sâu xa, lòng chiêm niệm cao độ và nhân cách mạnh mẽ.]

 ĐTC cũng nhắc đến Công đồng Liên chính Thống giáo khai diễn ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm 19-6-2016 theo lịch Chính thống tại đảo Creta của Hy Lạp và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho anh chị em Chính thống giáo. [Có 4 Giáo hội Chính thống vì những lý do khác nhau không đến tham dự Công đồng này]. ĐTC nói: “Chúng ta hãy hiệp nguyện với các anh chị em Chính thống của chúng ta, cầu xin Chúa Thánh Thánh ban ơn trợ giúp các Thượng phụ, các TGM và GM đang họp nhau trong Công đồng này.”

ĐTC đã cùng mọi người đọc Kinh Kính Mừng. Rồi ngài nhắc đến Ngày Thế giới Người tị nạn, cử hành hôm 19-6 với chủ đề “Với những người tị nạn. Chúng ta đứng về phía những người buộc lòng phải chạy trốn”. ĐTC nói: “Những người tị nạn cũng là những người như tất cả mọi người, nhưng chiến tranh đã làm mất của họ gia cư, việc làm, thân nhân và bạn hữu. Cuộc sống và khuôn mặt của họ kêu gọi chúng ta hãy canh tân sự dấn thân kiến tạo hòa bình trong công lý. Vì thế chúng ta hãy đứng cạnh họ: gặp gỡ, đón tiếp, lắng nghe, và cùng họ trở thanh những người xây dựng hoà bình theo ý Chúa.”

 

 

G. Trần Đức Anh OP