02/11/2024

Chính phủ cần quyết định dứt khoát

Câu chuyện Bộ GD-ĐT kiến nghị quản lý giáo dục nghề nghiệp đã nhận được nhiều quan tâm của 
dư luận.

 

Chính phủ cần quyết định dứt khoát

 

Câu chuyện Bộ GD-ĐT kiến nghị quản lý giáo dục nghề nghiệp đã nhận được nhiều quan tâm của 
dư luận.

 

 

 

 

Chính phủ cần quyết định dứt khoát
Việc kéo dài tình trạng chia cắt trong giáo dục nghề nghiệp gây ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, trong đó có cả người học nghề. Trong ảnh: một buổi học thực hành trên máy ôtô của sinh viên Trường CĐ kinh tế – kỹ thuật Phú Lâm, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

 

 

Xin giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia giáo dục về vấn đề 
nói trên.

Chính phủ cần quyết định dứt khoát
Ảnh: N.Khánh

*GS.TSKH NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Không nên kéo dài tình trạng 
nhùng nhằng này

Việc giao dạy nghề cho Bộ 
LĐ-TB&XH quản lý tuy đã thực hiện từ rất lâu rồi nhưng vẫn luôn là một vấn đề gây tranh luận.

Vào thời điểm dạy nghề được giao về Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động dạy nghề đang bị “teo”, không phát triển được. Bộ GD-ĐT lúc đó có nhược điểm là tập trung vào giáo dục ĐH, không quan tâm lắm đến mảng giáo dục nghề nghiệp.

Lúc đó Bộ GD-ĐT mới được sáp nhập từ hai bộ về chung một nhà, khối lượng công việc do bộ quản lý rất lớn, có thể vì thế đã không bao quát, quản lý chặt chẽ mảng giáo dục nghề nghiệp.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết định giao dạy nghề cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Từ khi được giao nhiệm vụ này, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có những cố gắng để phát triển dạy nghề, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…

Nhưng ở một quốc gia, cùng là hoạt động GD-ĐT mà tách ra làm đôi, giao hai bộ cùng quản lý như hiện nay là không hợp lý.

Khi xây dựng Luật giáo dục 2005, đã có những ý kiến đề xuất nên giao về Bộ GD-ĐT thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2009, khi sửa Luật giáo dục, một lần nữa vấn đề này được đặt ra vì rõ ràng tách riêng dạy nghề ra khỏi hệ thống GD-ĐT, giao một bộ khác quản lý là không hợp lý. Tuy nhiên, những kiến nghị này đã không thực hiện được.

Khi xây dựng Luật giáo dục nghề nghiệp, sau nhiều thảo luận, Quốc hội đã thống nhất thành luật việc tách thành hai hệ thống trường CĐ, trung cấp giao hai bộ quản lý.

Điều này tôi cho rằng rất không hợp lý. Đáng lẽ cần thống nhất chỉ có một hệ thống CĐ, trung cấp nhưng vì không thể nào giao hết cho một bộ quản lý (ví dụ như Bộ LĐ-TB&XH không thể quản lý các trường CĐ sư phạm chuyên đào tạo giáo viên…) nên tuy có luật, trên thực tế vẫn giữ tình trạng trường thuộc bộ nào do bộ đó quản lý.

Việc này kéo dài tình trạng nhùng nhằng trong quản lý giáo dục nghề nghiệp nói riêng và cả hệ thống GD-ĐT nói chung.

Vì vậy, tôi cho rằng ý kiến của Bộ GD-ĐT kiến nghị với Chính phủ là cần thiết. Chính phủ cũng cần có quyết định dứt khoát về việc tập trung một đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp, không nên kéo dài tình trạng chia cắt như hiện nay.

Quan điểm của tôi là thống nhất quản lý, nhưng giao toàn bộ cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý là không ổn. Nên giao nhiệm vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp cho Bộ GD-ĐT, đưa toàn bộ Tổng cục Dạy nghề về trực thuộc Bộ GD-ĐT thống nhất với Vụ Giáo dục chuyên nghiệp.

Chỉ riêng phần dạy nghề ngắn hạn gắn với tạo việc làm tại doanh nghiệp hoặc địa phương thì nên tiếp tục giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Chính phủ cần quyết định dứt khoát
nh: Nguyễn Khánh

*GS.TSKH NGUYỄN MINH ĐƯỜNG (ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực):

1 hệ thống, 2 cái đầu, sao mà nhất quán!?

Hiếm nước nào như VN cho tồn tại hai loại hình trường cùng một trình độ đào tạo: CĐ thì có CĐ nghề và CĐ, trung cấp có trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp với hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, không theo một quy hoạch phát triển chung thống nhất.

Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm ba hệ thống thành phần là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Nhưng hiện nay đang tồn tại hai cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương về giáo dục nghề nghiệp, ở mỗi địa phương cũng có hai cơ quan quản lý nhà nước tương ứng.

Đây là một trong những điểm bất hợp lý nhất của hệ thống giáo dục quốc dân chúng ta hiện nay. Điều này đang làm trở ngại việc quản lý hệ thống cũng như thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta đang có hai loại trường trung cấp, hai loại trường CĐ với mục tiêu đào tạo gần như nhau. Trong một địa phương lẽ ra chỉ nên có một trường thì lại thành lập hai trường đào tạo cùng trình độ, do hai sở GD-ĐT và LĐ-TB&XH quản lý. Điều này đã làm đầu tư bị phân tán khi nguồn lực tài chính và nhân lực dành cho GD-ĐT của VN còn rất hạn hẹp.

Đồng thời khiến việc thực hiện những chủ trương quan trọng về giáo dục không đạt được hiệu quả như mong muốn: không thực hiện được phân luồng học sinh sau THCS và THPT, không thực hiện được liên thông giữa các trình độ đào tạo cũng như giữa các ngành nghề khác nhau, không ban hành được danh mục đào tạo các trình độ có tính hệ thống, không chuẩn hoá được hệ thống GD-ĐT.

Ngoài ra cũng không có được mạng lưới cơ sở đào tạo hợp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của cả nước, cũng như ở từng địa phương trong từng giai đoạn phát triển và còn không thực hiện được kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục để thực hiện quản lý hệ thống GD-ĐT theo chất lượng. Nhân lực quốc gia là một chỉnh thể, nhưng việc quy hoạch lại thiếu tổng thể vì Bộ LĐ-TB&XH quản lý một mảng, Bộ GD-ĐT quản lý một mảng.

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải sáp nhập các loại hình đào tạo cùng trình độ này lại. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã nêu rõ: “Thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra”. Nhưng nếu vẫn giữ tình trạng như hiện nay, một hệ thống và hai cái đầu thì sao mà nhất quán!?

Theo tôi, cần phải có một cuộc cải tổ hệ thống đào tạo nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng một cách cơ bản và toàn diện.

Sáp nhập Tổng cục Dạy nghề và Vụ Giáo dục chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT thành cơ quan quản lý duy nhất đối với giáo dục nghề nghiệp để tạo thuận lợi cho việc hoạch định những chính sách quốc gia thống nhất, tránh những chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn làm cản trở việc thực hiện các chủ trương đổi mới về giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Phải sớm sáp nhập trường trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, CĐ với CĐ nghề thành một hệ thống trường thống nhất thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

THANH HÀ ghi