04/01/2025

Dân lập chốt thu phí ‘BOT’ tự phát

Bức xúc tình trạng xe tải né trạm thu phí đi vào đường bê tông do dân đóng góp xây dựng, một số người ở ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom (Đồng Nai) lập barie để thu phí ô tô có trọng tải lớn.

 

Dân lập chốt thu phí ‘BOT’ tự phát

Bức xúc tình trạng xe tải né trạm thu phí đi vào đường bê tông do dân đóng góp xây dựng, một số người ở ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom (Đồng Nai) lập barie để thu phí ô tô có trọng tải lớn.




Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai kiểm tra yêu cầu tạm ngừng việc thu phí	 /// Ảnh: Tiểu Thiên

 

Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai kiểm tra yêu cầu tạm ngừng việc thu phíẢNH: TIỂU THIÊN


Theo phản ánh của một số người dân, trước đây con đường này hư hỏng, sình lầy, ổ trâu, ổ gà chi chít, đi lại rất khó khăn. Ban điều hành ấp Lộ Đức đã kêu gọi các hộ dân cùng đóng góp và vay nợ để làm đường bê tông khang trang. Mỗi hộ đóng góp trung bình từ 1 – 1,5 triệu đồng để làm đường. Con đường hoàn thành cách nay gần hai năm thì xe tải “né” trạm thu phí ở xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) thường xuyên chạy qua để ra QL1. Lo sợ đường hư hỏng, người dân thống nhất lập chốt thu phí xe có trọng tải lớn đi qua nhằm hạn chế tình trạng xe tải “né” trạm thu phí. Số tiền thu được sẽ dùng để tu sửa, nâng cấp con đường khi có hư hỏng.
“Muốn dừng thu phải có văn bản”
 
 
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư Đồng Nai) cho rằng về góc độ pháp luật, việc người dân tự ý lập chốt và thu phí là sai. Tuy nhiên, về góc độ xã hội thì cần thông cảm, bởi người dân chỉ nghĩ đơn giản là tài sản do họ bỏ ra thì phải giữ, thu lại để bù đắp. “Việc đặt chốt thu phí đã sai thì không thể để người dân tiếp tục thu nữa. Nhưng cơ quan chức năng có thể phối hợp đặt các biển hạn chế xe trọng tải lớn, hoặc ấp lắp đặt các chốt, barie để ngăn xe trọng tải lớn đi vào gây hư hỏng đường sá”, luật sư Quân nói.
 

Bà Đinh Thị Sen, người trực tiếp đứng ra thu tiền, cho biết quán tạp hoá của bà ở gần chốt nên ấp nhờ thu hộ, chứ không có kinh phí thuê người đứng trực thường xuyên để thu tiền. Xe tải của những hộ dân trong ấp có đóng tiền làm đường thì đi lại tự do, còn những xe từ nơi khác ra vào thì phải đóng phí. Tiền thu được đều bỏ vào thùng gỗ, khoảng một tháng Ban điều hành ấp đến mở khóa lấy tiền một lần. “Xe tải đi qua, tôi thu tiền bỏ vào hộp gỗ chứ không viết hoá đơn hay giấy tờ gì nên cũng không biết mỗi tháng thu được bao nhiêu cả. Có xe thì thu 5.000 – 7.000 đồng, xe thu cao nhất là 20.000 đồng/lượt”, bà Sen nói.

Ông Trần Xuân Thống, Trưởng ấp Lộ Đức, cho hay con đường liên ấp này dài khoảng 4 km. Ban điều hành ấp phải kêu gọi người dân hỗ trợ làm từng đoạn một. Sau khi hoàn thành đã cho thu phí để bù vào, bởi mỗi lần dặm vá rất tốn tiền. “Việc này chúng tôi tự làm nên cũng không xin phép hay hỏi ý kiến xã. Giờ có phản ánh nếu sai mà cấp trên bắt dừng thu phí thì phải có văn bản, nêu rõ lý do. Chúng tôi cũng yêu cầu hỗ trợ người dân để trả nợ vì tiền làm đường giờ vẫn chưa trả hết”, ông Thống giải thích.
Tự ý lập chốt thu tiền là sai
Người dân ấp Lộ Đức lập chốt, thu tiền phí xe tải
Dân lập chốt thu phí 'BOT' tự phát - ảnh 1


Thiếu tá Nguyễn Văn Quyết, Trưởng công an xã Hố Nai 3, cho biết trước nay không biết việc người dân tự ý lập chốt thu tiền xe tải. Người dân cũng không phản ánh công an xã về tình trạng xe có trọng tải lớn chạy vào làm hư hỏng đường sá. “Nhưng cho dù có phản ánh thì công an xã cũng không có chức năng và đủ thẩm quyền để xử lý, mà chỉ có thể chuyển phản ánh lên cấp trên”, ông Quyết nói.
Sáng cùng ngày, Tổ thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT) tỉnh Đồng Nai cũng đã tới kiểm tra, nắm tình hình về chốt thu phí ở ấp Lộ Đức. Tổ thanh tra yêu cầu bà Sen tạm ngừng việc thu tiền và mở barie cho xe qua lại, đồng thời chờ hướng xử lý của cơ quan chức năng. “Trước mắt chúng tôi đã yêu cầu người dân tạm ngưng việc thu phí. Sau khi có báo cáo và nắm tình hình cụ thể, chúng tôi mới đưa ra hướng xử lý phù hợp. Đường này của địa phương thì xã, huyện quản lý. Tuy nhiên, việc tự ý đặt chốt thu tiền mà chưa xin phép cơ quan chức năng là sai rồi”, ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT Đồng Nai), nói.
Còn ông Vương Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND H.Trảng Bom, giải thích thực hiện chủ trương xã hội hóa đường giao thông nên trên địa bàn huyện có rất nhiều con đường 100% vốn do người dân đóng góp xây dựng. Nhiều nơi để hạn chế xe có trọng tải lớn, xe “né” trạm đi vào, người dân vẫn thường làm các barie để hạn chế chiều cao, bảo vệ đường. “Việc tự lập chốt, thu phí thì bây giờ tôi mới nghe và cũng chưa nắm được thông tin chính xác nên chưa biết đúng sai ra sao. Huyện sẽ cho kiểm tra và có phương án xử lý”, ông Tuấn nói.
 

 

Tiểu Thiên