26/12/2024

Ngó số nhà xuyệt liên khúc kiểu này mà xanh mặt

Hiện nay, tình trạng các số nhà nhảy vọt, lộn xộn chẵn lẻ, cũ mới, trùng số… tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM như “mê hồn trận” đánh đố người tìm nhà.

 

Ngó số nhà xuyệt liên khúc kiểu này mà xanh mặt

 

Hiện nay, tình trạng các số nhà nhảy vọt, lộn xộn chẵn lẻ, cũ mới, trùng số… tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM như “mê hồn trận” đánh đố người tìm nhà.

 

 

 

 

Ngó số nhà xuyệt liên khúc kiểu này mà xanh mặt
Một số nhà “siêu xuyệt” tại Q.Bình Tân, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

Mặc dù quyết định 22 của UBND TP.HCM về ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà tại TP.HCM đã thực hiện ba năm nay nhưng thực tế số nhà tại nhiều tuyến đường vẫn lộn xộn, cách đánh số không thống nhất khiến người dân “tìm hoa mắt mới ra…”. Đặc biệt, có những số nhà siêu xuyệt dài dằng dặc.

Nhà 5 xuyệt

Những căn nhà có số xuyệt dài “khủng” làm đau đầu cả chủ nhà lẫn người tìm nhà. Tại đường Huỳnh Tấn Phát chạy qua các xã thuộc H.Nhà Bè, hầu như nhà trong hẻm đều có ba xuyệt trở lên. Có nhà địa chỉ dài đến năm xuyệt như số nhà 1806/127/26/15/48/4B.

Để tìm được nhà phải chạy quẹo liên tục như lạc vào “mê hồn trận”. Đã thế, rất nhiều căn nhà vẫn để số cũ nên để tìm ra một số nhà trong khu vực này rất khó khăn. Người dân ở đây cho hay có bạn bè hay người thân đến thăm đều phải ra tận đầu đường đón vào.

Tương tự, trên đường Bùi Tư Toàn, P.An Lạc (Q.Bình Tân) có những số nhà tới năm xuyệt như 36/45/32/49/13/54, 36/45/32/49/13/55…

Ông Trương Công Huấn – tổ trưởng tổ 89, khu phố 4, P.An Lạc – cho biết số nhà nhiều xuyệt khi giao dịch rất khó khăn. Mấy lần đặt mua hàng, ông phải chạy ra đầu ngõ nhận. Người quen đến chạy được hai, ba hẻm là lạc đường. Thư từ không đến tận nơi, ông đều ra bưu điện nhận.

“Xe ôm trong khu còn tìm không ra, huống chi người lạ” – ông Huấn nói.

Tìm không ra

Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Văn Năm mồ hôi nhễ nhại, loay hoay tìm đến một địa chỉ trên đường Tô Ký. Con đường này bắt đầu từ Chợ Cầu 1, P.Đông Hưng Thuận (Q.12) đi qua địa bàn Q.12 và H.Hóc Môn.

Trên cả tuyến đường, số nhà nhảy vọt, chẵn lẻ lộn xộn, chồng chéo cũ mới. Cách đánh số giữa hai quận, huyện cũng khác nhau. Vừa qua cầu Chợ Cầu 1, địa chỉ số nhà ghi A9 Tô Ký, khi qua cầu vượt Quang Trung lại đổi thành số nhà Lô 49 C Tô Ký. Đi thêm một đoạn qua địa bàn P.Tân Chánh Hiệp (Q.12) số nhà lại trở thành 2/7.

Càng đi xuôi về hướng Hóc Môn số càng thay đổi không theo trật tự nào, nhiều nhà gần nhau nhưng số nhảy vọt từ 129 lên 282, 350 xuống 252…. Chưa kể, khi vừa qua địa bàn H.Hóc Môn, cách đánh số chuyển thành có xuyệt rất khó tìm.

Mỗi lần lố đường, ông Năm phải chạy thêm một đoạn dài khi có ngã tư mới quay ngược lại tìm tiếp. Sau hồi lâu vòng qua vòng lại nhiều lần tìm kiếm, ông phải dừng lại một chỗ để bạn ra đón.

Tại đường Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè), đường Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), đường Nguyễn Văn Quá (Q.12), đường Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Hoàng (Q.2)… số nhà cũng nhảy lung tung từ chẵn sang lẻ, từ số nhỏ nhảy vọt lên số lớn, một nhà có đến hai, ba số…

Không chỉ người dân ở xa đến, ngay cả người trong vùng cũng “vàng mắt” nhận biết. Khi chúng tôi hỏi số nhà, một người dân ở đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) khuyên: “Anh hỏi mà chỉ biết số nhà và tên đường thì tìm đến sáng mai không ra đâu. Đứng một chỗ gọi người ra đón cho nhanh…”.

Chỉ đánh số nhà 
một, hai xuyệt

Ông Nguyễn Thanh Hải – trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM – cho hay tình trạng nhà siêu xuyệt thường xảy ra ở các quận huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Bình Tân…

Tại đây, quá trình hình thành khu dân cư đô thị hoá, người dân xây dựng nhà ở thường tự mở, nâng cấp phân ra rất nhiều hẻm. Hiện các quận, huyện đang đề xuất hướng từ đường chính chỉ đánh số nhà vào một, hai hẻm. Còn các hẻm nhánh khác gom lại đánh số thành cụm khu dân cư của từng khu phố, từng hẻm để tránh số nhà nhiều xuyệt.

Ông Hải cho biết việc cấp và đánh số nhà thuộc thẩm quyền UBND quận, huyện. Theo quyết định 22, việc đánh số nhà trên một tuyến đường không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, cùng một tuyến đường nhưng mỗi quận, huyện lại đánh số khác nhau dẫn đến tình trạng trùng, nhảy số.

Hiện sở đang yêu cầu các quận, huyện báo cáo tình hình khó khăn khi cấp số nhà. Nếu có gì vướng mắc, sở sẽ tham mưu UBND TP.HCM thay đổi, sửa chữa phù hợp. Về lâu dài, có một đơn vị tư vấn đang hợp tác với sở đánh mã số nhà thông minh. Ngoài số nhà hiện tại, mỗi căn nhà sẽ gắn thêm mã số. Mã số này giúp việc xác định căn nhà cách đường chính bao nhiêu mét, chỉ dẫn đi hướng nào rất dễ dàng.

Theo ông Hà Ngọc Hùng – trưởng Phòng quản lý đô thị H.Hóc Môn, việc điều chỉnh để số nhà thống nhất phải thực hiện có kế hoạch và thống nhất trên cả tuyến đường và khi thực hiện sẽ phải điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan như sổ đỏ, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân…

Điều này sẽ ảnh hưởng sinh hoạt của nhiều hộ dân nên phải có sự đồng thuận của người dân và tốn nhiều kinh phí. Tuy nhiên, về lâu dài, muốn quản lý khoa học thì phải thực hiện. “Nếu không điều chỉnh thống nhất dẫn đến nhiều tình trạng bất cập. Chuyện liên lạc từ chỗ khác với người dân trong địa bàn rất cực, khó khăn” – ông Hùng nói.

* PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Hạn chế việc 
phân lô, tách thửa

Một trong những nguyên nhân tình trạng số nhà lộn xộn là do việc phân lô bán nền, chia tách thửa tràn lan hình thành nhiều hẻm mới. Trong quy hoạch đã quy định số lượng thửa, cả những khu Pháp để lại có bao nhiêu thửa rõ ràng nhưng chúng ta cho tách thửa thoải mái nên “đẻ” ra số.

Chính quyền luôn “chạy” theo khi người dân chia tách xong lại cho số. Vì vậy, về mặt quản lý đô thị các quận, huyện phải rà soát lại rõ ràng tình trạng lộn xộn số nhà. Cần khống chế tình trạng phân lô, chia tách thửa tự tiện, không đúng quy hoạch để hạn chế phát sinh nhiều hẻm mới.

Nên áp dụng gắn mã bưu chính vào số nhà

Việc đổi số nhà thống nhất trên các tuyến đường ảnh hưởng rất lớn đến người dân và thực hiện không đơn giản.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, UBND TP.HCM phải lập một tiểu ban chuyên xử lý tình trạng lộn xộn số nhà. Trước mắt, tiểu ban này cần khảo sát, lập danh sách các khu vực có số nhà lộn xộn và nghiên cứu giải pháp điều chỉnh sao cho ảnh hưởng ít nhất đến người dân và ít tốn kém ngân sách.

Nếu thiếu công cụ về chính sách, tiểu ban sẽ đề xuất UBND TP ra những quyết định bổ sung để làm cơ sở pháp lý giải quyết.

Ngoài việc điều chỉnh số nhà theo một nguyên tắc chung thống nhất, tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội nên bắt đầu phân vùng địa chỉ theo mã bưu chính (zip code) như các nước Âu Mỹ áp dụng.

Theo đó, mỗi TP được chia thành các lô đất, diện tích bằng một hay nhiều khu phố, to nhỏ tùy theo mật độ dân cư và quy mô cộng đồng, nhưng nhỏ hơn so với quy mô phường xã và quy định mã bưu chính cho các lô đất này.

Ở Mỹ, chỉ cần năm con số là có thể lập mã bưu chính cho toàn quốc. Khi ghi địa chỉ số nhà có gắn thêm mã bưu chính vào phía sau, người tìm chỉ việc đến đúng lô đất có mã bưu chính cần tìm. Mã bưu chính sẽ giúp ích thêm cho việc gửi thư và tìm nhà trong khu vực lộn xộn số nhà.

Đặc biệt khi có nhiều nhà cùng số, sắp xếp lộn xộn trong cùng một phường. Trường hợp viết sai số nhà, tên đường nhưng đúng mã bưu chính, thư vẫn đến đúng chỗ.

TIẾN LONG – TÂM ĐỨC ([email protected])