Trách nhiệm nhỏ đắm thuyền to
Thật đau đớn khi chuyến du lịch để nghỉ ngơi, trải nghiệm… lại phải trả giá bằng mạng sống của những người thân yêu bởi những lỗi mà nếu cơ quan quản lý nghiêm khắc hơn có thể đã không xảy ra.
Trách nhiệm nhỏ đắm thuyền to
Thật đau đớn khi chuyến du lịch để nghỉ ngơi, trải nghiệm… lại phải trả giá bằng mạng sống của những người thân yêu bởi những lỗi mà nếu cơ quan quản lý nghiêm khắc hơn có thể đã không xảy ra.
Sau vụ tai nạn chìm tàu chở khách du lịch trên sông Hàn vào đêm 4-6, đội tàu du lịch trên sông Hàn đã bị TP Đà Nẵng tạm dừng hoạt động từ ngày 5-6 để TP kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động – Ảnh: V.Hùng |
Tôi có hơn 20 năm ở Việt Nam làm công việc tư vấn liên quan đến hoạt động của du thuyền và du lịch. Vợ tôi là người Đà Nẵng nên sau tai nạn chìm tàu du lịch trên sông Hàn, tôi muốn chia sẻ một số ý kiến để tai nạn tương tự không xảy ra.
Phải kiểm soát chặt chẽ tàu du lịch
Ở Đà Nẵng loại hình du lịch trên thuyền không phổ biến, nếu có chỉ thi thoảng có một số thuyền đi vài giờ du ngoạn trên sông nên phần lớn là hoạt động thiếu kinh nghiệm, không chuyên nghiệp. Bằng chứng là chiếc tàu bị nạn vừa qua là tàu hoán cải từ tàu cá thành tàu du lịch mà không được cơ quan chuyên môn kiểm soát chặt chẽ.
Tàu du lịch một khi đã được đóng đúng thiết kế, có lực lượng nhân viên được đào tạo nghiêm túc, chuyên nghiệp, thủy thủ đoàn có giấy phép hành nghề thì các cơ quan chức năng vẫn phải tiếp tục thường xuyên kiểm tra, giám sát theo đúng quy trình an toàn.
Ở châu Âu, các tàu này được theo dõi và ghi chú kiểm soát chặt chẽ: bao lâu thực hiện công tác bảo trì, bao lâu huấn luyện thủy thủ đoàn, nhân viên về công tác an toàn…
Ở Việt Nam nhiều năm, tôi thấy điều này chưa được quan tâm nên việc kiểm tra giám sát tàu chở khách du lịch cũng không nghiêm túc.
Tôi vẫn nghe các cơ quan chức năng kêu không đủ người, không đủ tiền để thực hiện việc lẽ ra họ phải làm. Tôi nghĩ họ được trả lương để làm việc đó thì họ phải đảm bảo được việc giám sát an toàn thật chặt chẽ và hiệu quả.
Ông Kai Marcus Schröter – Ảnh: NVCC |
Và phạt nặng người vi phạm
Khi phát hiện sai phạm liên quan đến an toàn cho du khách hãy phạt thật nặng. Tôi thấy ở Việt Nam tiền phạt quá ít. Tiền phạt phải nhiều hơn rất nhiều lợi nhuận mà người kinh doanh tàu du lịch có được thì họ mới không dám lơ là các quy định về an toàn.
Nếu cứ tiếp tục phạt tiền chỉ bằng một phần nhỏ lợi nhuận người kinh doanh có được thì họ sẽ chọn đóng phạt mà thôi. Ngoài ra, tàu nào vi phạm về an toàn gây chết người phải bị tịch thu, tiêu huỷ.
Ở Campuchia, nếu xảy ra tai nạn chết người, chẳng những thuỷ thủ bị tước giấy phép, phạt tù mà con tàu đó cũng bị tiêu huỷ. Khi chủ tàu bị thiệt hại nặng họ sẽ không dám tái phạm và người khác nhìn theo đó mà tuân thủ quy định.
Ở các nước châu Âu, Mỹ hay Campuchia, trước khi đi tour trên sông, nhân viên tàu luôn dành ra vài phút để hướng dẫn khách các biện pháp an toàn, trong khi ở Việt Nam điều này rất ít được quan tâm bởi nhiều lý do: chủ tàu không muốn đầu tư thêm, nhân viên không nói được tiếng Anh hoặc đôi khi do lười biếng.
Vài phút hướng dẫn này sẽ giúp hành khách nhận ra được các biện pháp an toàn, lối thoát hiểm và nhắc nhở khách mặc áo phao… để khi có sự cố xảy ra họ tự tìm được đường thoát. Nếu không ý thức làm việc này, khi có sự cố xảy ra mọi người sẽ hốt hoảng, không thể kiểm soát được tình hình rất nguy hiểm.
Từng đi tàu, thuyền trên sông Hàn và nhiều nơi ở Việt Nam, tôi thấy khách không bị bắt buộc mặc áo phao. Nhiều hành khách ý thức được tầm quan trọng của việc mặc áo phao nên chủ động hỏi thuỷ thủ hoặc nhân viên thì được trả lời là “không cần”. Như vậy, phải chăng áo phao chỉ được lấy ra biểu diễn khi có kiểm tra?
Tôi đã từng làm việc liên quan đến du thuyền ở châu Âu, Mỹ. Tuần nào chúng tôi cũng buộc phải diễn tập thoát hiểm cho hành khách để thuần thục các thao tác nếu có xảy ra sự cố. Theo tôi, chỉ cần làm thật đúng theo những quy định an toàn mà tôi tin là luật Việt Nam đã có thì các sự cố đáng tiếc như tai nạn thương tâm ở sông Hàn đã có thể không xảy ra.
* Anh Jon Aspin (người Úc): Trang bị đủ áo phao Tôi từng có dịp đi thuyền ở Thái Lan, vịnh Hạ Long. Năm 2008, tôi cũng có một chuyến tham quan một ngày bằng thuyền trên sông Mekong và gần đây cũng có đi phà Cát Lái. Theo tôi, để đảm bảo an toàn cho du khách nên xử phạt thật nặng những chủ tàu thuyền, những người vận hành tàu thuyền vi phạm quy định về an toàn. Cơ quan chức năng cũng nên thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt hơn để đảm bảo tàu thuyền chở khách hoạt động đúng quy định. Ngoài ra, tàu thuyền phải trang bị đủ áo phao cho hành khách. Về phía hành khách, mọi người nên ý thức được những mối nguy hiểm có thể có để đề phòng và chắc chắn là nên học bơi. Ở Úc, bơi lội được xem là kỹ năng cực kỳ quan trọng cho cuộc sống. Hiện nay tất cả các trường học ở Úc đều dạy môn bơi lội như một môn học chính thức, người lớn cũng được khuyến khích và hỗ trợ học bơi. Việt Nam có hơn 3.000km đường bờ biển và đất nước này thậm chí còn phải nên có các vận động viên tầm cỡ quốc tế về bơi lội, chứ không phải có nhiều tai nạn đuối nước như vừa qua. * Anh Michal Katkin (người Mỹ): Chủ tàu phải có ý thức an toàn cho hành khách Tôi từng đi tàu ở Campuchia, Philippines, Mỹ và Tây Ban Nha. Ở Việt Nam thì tôi chỉ mới đi tàu từ TP.HCM ra Vũng Tàu. Tôi nghĩ hành khách đi tàu thường không biết được một con tàu như thế nào là an toàn cả, hoặc họ cũng chẳng biết công suất tàu là bao nhiêu đâu. Điều này cũng giống như khi đi xe buýt hay máy bay thôi, hành khách thường để các tiếp viên và tổ lái làm công việc của họ. Sự an toàn của một chiếc tàu phụ thuộc rất nhiều vào người vận hành nó. Do vậy, người điều khiển tàu thuyền, chủ tàu phải là người có trách nhiệm với hành khách đầu tiên. Họ phải đặt mối quan tâm đến sự an toàn của hành khách lên hàng đầu. Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng vi phạm các quy định về an toàn, tôi nghĩ nên có các tổ kiểm tra đột xuất đối với các loại tàu thuyền đang trong thời gian hoạt động. Về phía hành khách, tôi cũng nghĩ kỹ năng cần thiết để an toàn dưới nước là bơi lội. Tuy nhiên với điều kiện bạn đang ở gần bờ thì còn bơi vào được, chứ nếu đang ở ngoài khơi thì biết bơi không chưa đủ nên bạn phải nhớ mặc áo phao khi đi tàu thuyền. |
Tàu Thảo Vân 2 được trục vớt đưa dần lên bờ phục vụ công tác điều tra – Ảnh Hữu Khá |